BVR&MT – Trong mùa thu hoạch ớt và cây cà chua vụ đông – xuân năm 2017, nông dân thôn Khánh Tân, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) rất phấn khởi vì cây trồng cho năng suất cao. Tuy nhiên, tình trạng được mùa mất giá khiến nhiều nông hộ bị thua lỗ nặng.
Thôn Khánh Tân có 252 hộ, với trên 900 nhân khẩu. Đây là vùng trồng các loại cây mầu truyền thống, như ớt, cà chua, tỏi… của tỉnh Ninh Thuận. Vụ đông – xuân năm nay, nhờ chủ động nguồn nước tưới, ngay từ đầu năm nông dân thôn Khánh Tân đã xuống giống các loại cây màu truyền thống như: cà chua, ớt, hành, tỏi… trên hơn 300 ha đất phải bỏ hoang hơn hai năm qua do nắng hạn kéo dài.
Vào mùa thu hoạch vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5, nông dân nơi đây phấn khởi vì cây cà chua, đạt năng suất từ 3 -3,5 tấn/sào (bình quân hơn các vụ trước từ 0,5- 0,7 tấn/sào). Tuy nhiên, thương lái thu mua quả cà chua đạt loại 1 tại vườn từ 1.000 – 1.500 đồng/kg (giảm hơn 50% so với những năm trước), cho nên người trồng thua lỗ nặng. Trong vụ này, ngoài công chăm sóc và thuê người thu hoạch, chị Nguyễn Thị Hoa đầu tư hơn hai chục triệu đồng để mua giống, phân bón… trồng 8 sào cà chua, tổng năng suất thu hoạch khoảng 24 tấn quả. Nhưng thương lái tự phân tại vườn chỉ khoảng 40% số quả loại 1, chị Hoa thu chưa đến 12 triệu đồng. Nếu tính công chăm sóc và chi phí thuê người thu hoạch, vụ này, chị thua lỗ hơn 20 triệu đồng.
Nhiều nông dân cho biết, luôn bị thương lái ép giá bằng cách phân loại quả cà chua loại 1 không nhiều, bình quân thu hoạch một tấn, thì chỉ có từ 30-40% quả được cho là loại 1, số còn lại thương lái không thu mua, bà con chỉ còn cách bán với giá 400-500 đồng/kg cho các hộ khác làm thức ăn cho bò.
Cùng cảnh ngộ, nhiều hộ trồng ớt cũng đang khốn đốn vì cảnh được mùa mất giá. Tại vườn trồng 1,5 sào ớt của gia đình anh Trần Văn Tèo trĩu ớt chín đỏ, ước tính năng suất khoảng 110 kg ớt tươi/sào. Tuy nhiên, thương lái phân loại chỉ có 40% ớt tươi loại 1 và thu mua từ 7-9 nghìn đồng/kg, giảm hơn 50% giá bán so với những vụ trước, anh Tèo lỗ hơn chục triệu đồng.
Theo nhiều nông dân, nguyên nhân là do địa phương chưa sát cánh để giúp bà con tìm đầu ra ổn định, nên năm nào cũng bị thương lái ép giá. Tiếp cận với một số cơ sở thu mua ớt để tìm nguyên nhân, chúng tôi được biết, nhiều năm qua, việc tìm đầu ra cho cây ớt, cà chua… dường như bị bế tắc, nông dân chỉ biết cứ đến mùa vụ thì sản xuất, còn giá bán do các thương lái trong xã ấn định. Chính vì thế, mà đời sống của người trồng ớt, cà chua nơi đây rất bấp bênh.
Theo anh Lê Văn Hoa – một trong những cơ sở thu mua ở địa phương cho biết, bản thân anh cũng phải phụ thuộc vào các đầu nậu lớn ở tỉnh hoặc TP Hồ Chí Minh. Nhiều lần, các chủ cơ sở thu mua nhỏ đã bàn cách và cử người đi vào tận TP Hồ Chí Minh để liên hệ tìm đầu ra ổn định, nhưng hầu như đều bị các đầu nậu lớn từ chối và bảo nên về thỏa hiệp giá với các thương lái mua bán lớn tại Ninh Thuận. Thế là, những cơ sở thu mua như anh Hoa cũng chỉ dừng lại là nơi “gia công” hoặc làm trạm trung chuyển sản phẩm cho các đầu nậu lớn và cũng không tránh khỏi tình trạng bị ép giá.
Hiện tại, cơ sở của anh Hoa thu mua ớt tươi loại 2 với giá từ 3-4 nghìn đồng/kg. Sau đó thuê sáu nhân công lặt bỏ cuống quả ớt, trả tiền công 1 nghìn đồng/kg ớt. Bình quân mỗi ngày khoảng 150 nghìn đồng/người. Tiếp đó, anh mang ớt tươi ra phơi và đợi đến lúc các đầu nậu gọi điện thoại thì thuê xe ô tô tải chở vào TP Hồ Chí Minh. Để có được 1 tấn ớt khô, phải mất hơn 10 tấn ớt tươi. Nhưng cơ sở của anh Hoa cũng như nhiều cơ sở khác vẫn phải cam chịu cảnh đầu nậu ấn định giá. Nhiều chuyến hàng anh thua lỗ hàng chục triệu đồng, vì các đầu nậu lớn đẩy giá thu mua từ hàng loại 1 xuống loại 2.
Anh Hoa than thở: “Những lúc bị “đao” giá như thế, đắng lòng lắm, nhưng mình không tìm được đầu ra chính thống, đành phải chấp nhận trông chờ vào chuyến hàng khác để gỡ vốn”.
Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải Nguyễn Văn Tâm, cho biết, để ứng phó với điệp khúc “được mùa mất giá” khiến nông dân thua lỗ nặng, xã đang triển khai các giải pháp cấp bách để hỗ trợ người dân. Trước mắt là cử cán bộ liên hệ với các đầu nậu lớn ở trong tỉnh và TP Hồ Chí Minh để tìm đầu ra cho sản phẩm. Báo cáo tình hình lên cấp huyện và ngành nông nghiệp phát triển nông thôn, để xuất việc hỗ trợ giống cây trồng và kinh phí giúp nông dân có điều kiện tái sản xuất. Đồng thời, vận động bà con chuyển đổi một hai vùng có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp hơn để chuyển đổi cây trồng khác, như cỏ làm thức ăn cho gia súc để nâng cao giá trị sản phẩm mới và mở hướng phát triển chăn nuôi gia súc.
Trước tình trạng này kéo dài, đã và đang gậy thiệt thòi lớn cho nông dân, thiết nghĩ UBND tỉnh và các ngành liên quan tại tỉnh Ninh Thuận cần có đánh giá lại hoạt động của “Liên kết bốn nhà” (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông) và sớm có giải pháp, giải quyết căn cơ trong việc tìm đầu ra ổn định sản phẩm, để nông không còn thua lỗ vào những mùa vụ tiếp theo.