BVRMT – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý với Bộ Tài chính về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế Bảo vệ môi trường (BVMT). Theo đó, phía VCCI cho rằng, việc tăng thuế BVMT với xăng khó đảm bảo bù hụt thu ngân sách, ngược lại sẽ khiến các doanh nghiệp (DN) Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ nước ngoài.
Lo ngại mất lợi thế cạnh tranh
Theo bản dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế BVMT vừa được Bộ Tài chính – cơ quan được giao soạn thảo công bố và lấy ý kiến, trong đó có đề xuất tăng kịch khung thuế BVMT với xăng lên gấp đôi, từ 4.000 đồng lên 8.000 đồng/lít. Ngoài ra, nhiên liệu bay cũng tăng mức trần lên 6.000 đồng còn dầu diesel, dầu madút, dầu nhờn kịch khung là 4.000 đồng/lít. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất tính thuế BVMT với xăng E5, xăng E10. Như vậy, theo dự thảo này, mỗi lít xăng có thể “gánh” 8.000 đồng thuế BVMT.
Trước đó, khi trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Vũ Khắc Liêm – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính – đơn vị đưa ra đề xuất trên cho biết, đây là một đề xuất mang tính “đón đầu” để chuẩn bị cho quá trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam khi mà hàng loạt các cam kết quốc tế có hiệu lực. Do đó, việc điều chỉnh khung thuế BVMT là để tạo hành lang điều chỉnh rộng hơn nhằm bù thu khi các loại thuế nhập khẩu giảm. Bên cạnh đó, thuế BVMT đã có trong Luật BVMT nên hoàn toàn có căn cứ quy định và khi cơ cấu thu thuế thay đổi chúng ta có thể điều chỉnh cho phù hợp.
Trước lập luận này, dưới góc độ đại diện DN, VCCI cho rằng, nếu tăng thuế đối với xăng dầu để bù lại sẽ khiến DN Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ nước ngoài. Cụ thể, VCCI nhận định, việc tăng thuế đối với xăng dầu nhằm bù vào khoản hụt thu từ các hiệp định thương mại sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Việc cắt giảm thuế quan từ các FTA có thể mang lại lợi thế cho các DN Việt Nam nhưng cũng mang lại lợi thế tương tự cho các DN ở quốc gia khác. Nếu tăng thuế đối với xăng dầu để bù lại, thì vô hình chung, chính sách này khiến các DN Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ nước ngoài. Xăng dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Các phương tiện giao thông vận tải hàng hóa, máy nông nghiệp, tàu cá… đều sử dụng rất nhiều xăng dầu. Do đó, nếu tăng thuế đối với xăng dầu thì những ngành chịu thiệt hại nặng nhất là vận tải, nông nghiệp, thủy hải sản. Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban pháp chế VCCI dẫn chứng, đối với ngành vận tải, theo thông tin từ Cục Quản lý Giá, tỉ trọng chi phí nhiên liệu chiếm từ 25 – 35% đối với xe chạy xăng, từ 35 – 45% đối với xe chạy dầu, 39,5% đối với hàng không.
“Đối với ngành thủy hải sản, chi phí nhiên liệu chiếm từ 33% – 59% cơ cấu giá thành. Đối với ngành nông nghiệp, chi phí vận chuyển hàng hóa cũng thường chiếm từ 35% – 40% cơ cấu giá thành. Đây đều là những ngành kinh tế có nhiều đối tượng yếu thế và đang trong giai đoạn hiện đại hóa, chuyển từ thủ công sang cơ giới. Nếu chi phí xăng dầu tăng có thể làm giảm động lực chuyển đổi cơ giới hóa của nông dân” – VCCI nêu rõ.
Không nên thay thế thuế nhập khẩu bằng thuế BVMT
Phía VCCI cho rằng, các chi phí đầu vào và nghĩa vụ tài chính của DN đang có xu hướng tăng mạnh trong thời gian qua. Việc tăng thuế đối với xăng dầu cần được đánh giá tác động một cách bài bản và khách quan đối với toàn bộ nền kinh tế và phúc lợi xã hội của đất nước. Do đây mới chỉ nâng khung thuế, chứ chưa trực tiếp tăng mức thuế, nên cần có đánh giá dựa trên ba giả thuyết về mức thuế suất: mức sàn, mức trần và mức trung bình.
Mặt khác, không nên thay thế thuế nhập khẩu bằng thuế BVMT với xăng dầu. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo các cam kết quốc tế có thể làm giảm nguồn thu ngân sách, nhưng không nên bù bằng cách tăng Thuế BVMT.
Ông Đậu Anh Tuấn đánh giá: Trước đây, kết cấu thu ngân sách của VN phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn thu không bền vững như thu từ khai thác tài nguyên, thuế TTĐB, thuế XNK, thuế VAT, tiền bán đất. Trong khi đó, các nguồn thu bền vững hơn như thuế thu nhập, thuế tài sản lại đóng góp không đáng kể. Ngay trong quá trình đàm phán các FTA, nguy cơ giảm thu ngân sách từ các loại thuế biên giới đã được đề cập. Chuyên gia khuyến cáo VN cần chuyển hướng sang các khoản thu mang tính bền vững hơn và cắt giảm chi tiêu công.
“Thuế BVMT, cũng giống như thuế TTĐB, là một nguồn thu không bền vững. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2016 mức đóng góp của thuế BVMT trong tổng thu ngân sách là 4,1%, với 99% trong số đó đến từ xăng dầu. Nếu cộng cả thuế nhập khẩu, thuế TTĐB, và thuế VAT thì mức đóng góp của ngành xăng dầu vào khoảng 9,8% tổng thu ngân sách. Nếu mức thuế mới kịch khung được áp dụng và loại bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình thì mức đóng góp lên đến khoảng 15% tổng thu ngân sách. Đây là tỉ lệ rất lớn và không có lợi cho kết cấu ngân sách quốc gia”.
Do đó, VCCI kết luận, về dài hạn việc nới khung thuế BVMT với xăng dầu nhằm bảo đảm thu ngân sách sẽ là giải pháp lợi bất cập hại.