BVR&MT – Xuất phát điểm thấp cùng với những thách thức về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, đứng trước bài toán đầy khó khăn này, bước đầu tỉnh đã có giải pháp biến những thách thức trở thành lợi thế, trong đó chú trọng chất lượng giống cây lâm nghiệp là ưu tiên hàng đầu.
Biến thách thức thành lợi thế
Tỉnh Hà Giang có tổng diện tích đất tự nhiên gần 793 nghìn ha, đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 567 ha, đây là tiền đề để tập trung phát triển sản xuất lâm nghiệp. Tuy nhiên, diện tích núi đá lớn, địa hình chia cắt, độ dốc cao, đất cằn cỗi, để giải quyết được bài toán vừa phát triển kinh tế rừng vừa bảo vệ rừng để phát huy vai trò “trụ đỡ” cho sản xuất nông nghiệp trên đất dốc và đảm bảo an toàn về sinh thái, đồng thời tạo nguồn thu nhập trong điều kiện người dân sinh sống cheo leo trên sườn dốc và trong bối cảnh biến đỏi khí hậu, là một thách thức lớn của tỉnh Hà Giang.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường, Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang cho biết: “Tỉnh Hà Giang được chia thành 3 vùng tiểu sinh thái, theo đó, 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc gồm Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc có khí hậu khô và lạnh về mùa đông, tầng đất mỏng, núi đá, thường sử dụng các loài cây bản địa, gỗ lớn để trồng rừng tập trung, như Sa mộc, Thông, Lát, Mỡ. Các loài cây trồng phân tán và cây lâm sản ngoài gỗ như: Thảo quả, Hồ đào, Tam thất rừng, Đỗ trọng,…”.
Được biết, hai huyện vùng cao núi đất phía Tây là Hoàng Su Phì, Xín Mần có khí hậu lạnh, khô vào mùa đông; nóng vào mùa hè; tầng đất mỏng, có nguy cơ sạt lở cao, lũ ống lũ quét, thường trồng các loài cây bản địa như Thông ba lá, Sa mộc, Tống quá sủ, Quế và các loài cây lâm sản ngoài gỗ.
Năm huyện thị vùng thấp là Vị Xuyên, Bắc Mê, Quang Bình, Bắc Quang, TP. Hà Giang có khí hậu nóng ẩm, lượng mưa lớn, điều kiện lập địa tương đối thuận lợi, thường sử dụng các loài cây sinh trưởng nhanh, có lợi thế phát triển rừng kinh tế: các loài Keo, Bồ đề, Mỡ, Xoan, Quế.
Trước sự khắc nghiệt của khí hậu, thổ nhưỡng tự nhiên, tỉnh Hà Giang đã và đang trồng 11 loài cây chính được cho là phù hợp với địa phương, gồm: Keo lai, Keo tai tượng, Thông đuôi ngựa, Sa mộc, Mỡ, Bồ đề, Xoan, Tống quá sủ, Lát, Trẩu, Quế, chiếm 97% so với tổng diện tích rừng trồng của cả tỉnh.
Chính nhờ biết vận dụng vào lợi thế của thiên nhiên, cùng với những cách hướng dẫn có khoa học của cán bộ lâm nghiệp, tổng giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2016 đạt 578,4 tỷ đồng, độ che phủ rừng đạt 55,1% (không tính rừng ở ngoài đất lâm nghiệp).
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Hà Giang còn gặp một số khó khăn vướng mắc như việc kiểm soát chất lượng giống cây lâm nghiệp của các đối tượng trồng rừng. Hà Giang có nền kinh tế với xuất phát điểm thấp, việc đầu tư ngân sách của tỉnh cho lâm nghiệp rất hạn chế, chủ yếu dựa vào Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của Trung ương. Trình độ dân trí nói chung và nhận thức kinh tế lâm nghiệp của người dân còn thấp, sản xuất lâm nghiệp còn mang nặng tính quảng canh.
Hơn nữa, quản lý và sử dụng đất chưa tuân thủ đúng mức quy hoạch, hình thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đang gây nhiều khó khăn để đưa sản xuất lâm nghiệp thành hàng hóa. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, khai thác lâm sản còn thiếu, nhiều vùng trồng rừng sản xuất nhưng chưa có đường vận xuất (hiện nay mới có dự án về xây dựng đường vận xuất và hạ tầng lâm nghiệp). Mối liên kết sản xuất giữa người sản xuất và chế biến cũng như tiêu thụ sản phẩm còn chưa chặt chẽ.
Chú trọng chất lượng giống cây trồng
Ông Phạm Văn Điển, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang cho biết: Công tác trồng rừng đang đã được tỉnh triển khai theo hướng nâng cao giá trị và chất lượng rừng với các giải pháp mang tính thúc đẩy, chủ động như ban hành kế hoạch từ cho cả giai đoạn 2017 – 2020, hàng năm giao khối lượng cụ thể từ tháng 8 – 10 của năm trước để chủ động chuẩn bị các điều kiện trồng rừng. Đồng thời triển khai sâu rộng Kế hoạch đột phá về giống, hướng dẫn lịch thời vụ (cho từng loài cây), định hướng loài cây trồng theo từng tiểu vùng sinh thái, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh rừng, đẩy mạnh phát triển rừng cung cấp lâm sản ngoài gỗ,… đã tạo được bước khởi sắc có tính khả quan. Tỷ lệ sử dụng giống tốt đạt 36,3%, tăng 26% so với năm 2015; rừng trồng mới có triển vọng đạt năng suất trên 70 m3/ha/chu kỳ 7 năm. Tỷ lệ thành rừng đạt 70-75%.
Hiện tổng số cây gieo ươm là hơn 18 triệu cây, trong đó cây giống vô tính là 2,46 triệu cây (chiếm 14%); cây giống hữu tính là 15,6 triệu cây (chiếm 86%). Ngoài ra, một huyện mua cây giống sản xuất ở ngoại tỉnh là 3,55 triệu cây các loại (chiếm tỷ lệ 19,6%). Xu hướng chung hiện nay là chuyển từ đi mua, sang tự sản xuất cây giống tốt tại địa phương.
Trước đó, năm 2016, tỉnh đã bước đầu đưa các giống cây mới có chất lượng cao vào sản xuất và vận động nhân dân trồng rừng. Các đơn vị chuyên môn là Chi cục Lâm nghiệp, Phòng NN&PTNT thuộc các huyện định kỳ kiểm tra công tác gieo ươm chăm sóc cây giống, kiểm tra hồ sơ nguồn gốc lô cây con. Thẩm định và cấp chứng nhận cho 5,37 triệu cây các loài thuộc danh mục cây lâm nghiệp chính. Tỷ lệ sử dụng giống tốt bằng cây vô tính đã được nâng lên đáng kể: Chung cho các loài cây: từ 1% (2014) lên đến 16% (2016) và 20% (2017). Riêng các loại Keo: từ 1% (2014) lên đến 19% (2016) và 48% (2017). Tỉnh đang triển khai một dự án mới chuyên về giống cây trồng lâm nghiệp, giai đoạn 2016 – 2020, với tổng kinh phí là 26,5 tỷ đồng.
Theo thông tin mà Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang cung cấp, năm 2016 đã sử dụng 11 loài cây chủ yếu để trồng rừng được 7.239,5 ha, trong đó các giống Keo có tỷ lệ lớn nhất là 2.688,ha (chiếm 37%), Sa mộc 1.093,8 ha (chiếm 15%), Mỡ 999 ha (chiếm 13,8%); Tống quá sủ 600 ha (chiếm 8%) và các loài cây bản địa khác. Nhân dân có sự chuyển biến mạnh về ứng dụng các nguồn giống tốt, giống vô tính vào trồng rừng sản xuất.
“Cây giống lâm nghiệp chính được kiểm soát, quản lý chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ theo chuỗi hành trình sản xuất giống. Đột phá về giống tốt là hoạt động bước đầu để phát triển lâm nghiệp công nghệ cao. Đối với cây lâm nghiệp bản địa, các huyện tổ chức kiểm tra nghiệm thu chất lượng giống trước khi đem trồng rừng. Việc cung cấp thông tin, hướng dẫn kỹ thuật gieo ươm, chăm sóc cây giống, định hướng và thời vụ trồng rừng của các loài cây trồng đã được Sở NN&PTNT hướng dẫn đến các đơn vị quản lý và các cơ sở sản xuất cây giống, tạo điều kiện cho các đơn vị trao đổi, khai thác thông tin và kết nối với các chủ rừng, các chủ dự án” – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang chia sẻ.
Một điểm nữa tỉnh Hà Giang rất chú trọng là xây dựng các mô hình thử nghiệm, trình diễn để tuyên truyền cho nhân dân đưa giống tốt và kỹ thuật tham canh vào sản xuất như mô hình trồng cây Keo lai nuôi cấy mô tại huyện Bắc Quang, Vị Xuyên (23 ha); mô hình trồng cây Keo tai tượng Úc tại huyện Bắc Quang (03 ha), tại huyện Xín Mần (91 ha), mô hình trồng cây Sơn ta (05 ha), mô hình trồng cây Lan kim tuyến tại huyện Vị Xuyên, mô hình trồng cây Hồ đào (óc chó) tại huyện Đồng Văn, huyện Quản Bạ trồng phân tán 3.200 cây, tương đương 3,2 ha. Đến nay các mô hình sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện địa phương.
Ngoài ra ngành lâm nghiệp tỉnh Hà Giang còn thực hiện các biện pháp tuyên truyền để nhân dân nắm rõ được hiệu quả của trồng rừng bằng giống tốt gắn với thâm canh rừng theo hướng kinh doanh gỗ lớn và đa tác dụng. “Mỗi khâu sản xuất là một khâu làm tăng giá trị gia tăng của rừng” – Ông Điển nhấn mạnh.
Văn Hoàng – Chiến Hữu