Nơi địa đầu Tổ quốc đi lên từ rừng (Kỳ 1): Kiên quyết giữ rừng

BVR&MT – Chưa bao giờ hàng nghìn hộ dân ở Hà Giang, mảnh đất nơi địa đầu tổ quốc được biết đến với những dãy núi đá trập trùng, cuộc sống khó khăn nhất nhì cả nước lại cần rừng, quý rừng và biết ơn rừng đến thế.

Kiên quyết giữ rừng

Vào khoảng những năm 2010 – 2014, rất nhiều phương tiện thông tin báo chí đã liên tiếp phản ánh tình trạng phá rừng đặc dụng và rừng phòng hộ xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Là địa bàn có nhiều diện tích rừng tự nhiên (368 nghìn ha), trong đó có 6 khu rừng đặc dụng với nhiều loài cây gỗ quý như Ngọc Am, Đinh, Trai, Nghiến… là những loại gỗ có giá trị kinh tế cao, nhiều người dân địa phương do chưa hiểu rõ về giá trị và tầm quan trọng của rừng, nên đã tìm cách chặt hạ, rồi đem bán cho các đầu nậu hoặc bán qua biên giới.

Hà Giang từng là điểm nóng về phá rừng nghiến.

Những năm gần đây, tình trạnh phá rừng không còn diễn ra nhiều như trước nữa, nhưng đâu đó trong hàng trăm nghìn diện tích rừng tự nhiên đặc dụng, rừng phòng hộ vẫn diễn ra hiện tượng người dân lén lút vào rừng chặt phá.

Đáng chú ý gần đây nhất vào tháng 3/2017, tại huyện Bắc Mê đã xảy ra một vụ chặt phá một số cây nghiến với khối lượng lên đến hơn 20 m3. Trước đó, tại KBTTN Phong Quang cũng diễn ra những vụ việc tương tự.

Trước tình trạng phá rừng có dấu hiệu bùng phát trở lại, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm. Ngày 03/4/2017, Công an huyện Bắc Mê đã khởi tố vụ án hình sự vi phạm các quy định khai thác và bảo vệ rừng xảy ra trên địa bàn và tiếp tục điều tra, làm rõ.

Đây chỉ là một trong những vụ việc gần nhất mà các ngành chức năng tỉnh Hà Giang tích cực vào cuộc điều tra, xử lý. Trước đó tại huyện Vị xuyên, một trưởng thôn tham gia phá rừng cũng đã bị xử lý hình sự.

Ngoài việc xử lý hình sự, hàng loạt văn bản có liên quan cũng được tỉnh Hà Giang ban hành nhằm thắt chặt công tác quản lý bảo vệ rừng cũng như tuyên truyền tới bà con tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

Mới đây nhất, ngày 06/7/2016, UBND tỉnh Hà Giang đã có văn bản dừng bán đấu giá tài sản gỗ tang vật vi phạm hành chính, vật chứng của vụ án đã có Quyết định tịch thu sung công quỹ nhà nước hiện để trong rừng. Văn bản yêu cầu các huyện, thành phố tiếp tục quản lý, bảo vệ gỗ hiện vật chứ không được bán đấu giá, vì nhiều đối tượng đã dựa vào giấy phép gỗ đấu giá để lợi dụng phá rừng.

Không chỉ dừng lại ở đó, tỉnh Hà Giang còn có những chính sách an sinh xã hội, giúp bà con phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, làm sao cho bà con sống được nhờ dựa vào rừng. Đồng thời dựa vào đời sống văn hóa khu dân cư… để kiên quyết giữ rừng. Kết quả là những vụ vi phạm đã giảm dần những năm gần đây, và rừng cũng đã là một nguồn thu lớn nhờ vào chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của nhà nước và nhờ vào các hoạt động tạo thu nhập chính đáng từ rừng.

Rừng đem lại nguồn tài chính lớn

Theo kết quả thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Hà Giang của Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng, năm 2016 tỉnh thu được hơn 49,36 tỷ đồng, trong đó tiền DVMTR là gần 41,5 tỷ đồng, tiền trồng rừng thay thế gần 8 tỷ đồng.

Diện tích rừng có cung ứng DVMTR trên địa bàn tỉnh là 275.119,6 ha chiếm 61,8% diện tích rừng toàn tỉnh. Số chủ rừng được chi trả là 78.606 chủ rừng, trong đó, chủ rừng là tổ chức nhà nước có 4 tổ chức (Ban quản lý rừng đặc dụng), chủ rừng là cộng đồng dân cư 1.500 cộng đồng, chủ rừng là hộ gia đình 77.102 hộ.

Toàn tỉnh có 36 đơn vị thực hiện ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng thông qua Quỹ bảo vệ phát triển rừng của tỉnh, bao gồm 25 nhà máy thủy điện, trong đó 22 nhà máy Thủy điện trên địa bàn tỉnh, 3 nhà máy Thủy điện liên tỉnh (Thác Bà – Yên Bái, Na Hang, Chiêm Hóa – Tuyên Quang), và 11 nhà máy cấp nước sinh hoạt.

Những năm gần đây rừng ở Hà Giang mang lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng môi năm nhờ DVMTR.

Cũng theo thông tin từ Quỹ BVPTR Hà Giang, tổng kinh phí Quỹ đã giải ngân giai đoạn 2013-2015 là gần 148 tỷ đồng, đến thời điểm cuối tháng 3/2017 số tiền còn lại hơn 60 tỷ đồng.

Bên cạnh những đơn vị chấp hành tốt nghĩa vụ chi trả DVMTR còn một số đơn vị còn nợ tiền chi trả DVMTR hơn 6 tỷ đồng, đáng chú ý là Công ty Cổ phần Năng lượng Bitexco nợ trên 2,2 tỷ đồng, đơn vị này đã được đôn đốc nhiều lần, nhưng chưa thực hiện đúng quy định.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường (www.baovemoitruong.org.vn), ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: “Nhờ vào DVMTR mà toàn tỉnh Hà Giang đã làm mới và tu sửa 33,9 km đường giao thông nông thôn, tu sửa và xây dựng 451 công trình là nhà văn hóa thôn, điểm trường tại các huyện Yên Minh, Quản Bạ, Xín Mần; trồng 35.000 cây lâm nghiệp qúy, lập quỹ thôn giúp bà con phát triển kinh tế được gần 10,5 tỷ đồng tại các huyện Xín Mần, Bắc Mê,…”

“Chúng tôi rất phấn khởi về số vụ vi phạm, làm nương rẫy, phá rừng, cháy rừng giảm đáng kể, mặc dù số tiền chi trả rất ít, có những nơi rất thấp so với đơn giá giao khoán bảo vệ rừng của mình nhưng nó tạo được phong trào chung, tạo được mối liên kết cộng đồng” – ông Tiến cho biết thêm.

Từ thực tế trên cho thấy, việc chi trả DVMTR cùng với các nguồn thu khác từ rừng đã góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp người dân gắn bó với rừng và từng bước góp phần thay đổi nơi địa đầu tổ quốc.

Văn Hoàng – Chiến Hữu