BVR&MT – Sáng 10/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh (SXKD); thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công (GNVĐTC); hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội (ASXH), trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.
Cùng dự tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì hội nghị; các đồng chí Bí thư T.Ư Đảng: Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Tại điểm cầu các bộ, ngành, địa phương có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong khi quá trình cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, năng lực nội tại, tính tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế, của các doanh nghiệp trong nước trước những biến động của thế giới còn hạn chế, tác động của dịch Covid-19 là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, ảnh hưởng mạnh tâm lý và đời sống nhân dân, tác động trực tiếp đến các ngành xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giảo dục, lao động việc làm, nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô…
Tốc độ tăng GDP quý I chỉ tăng 3,82% so cùng kỳ, thấp nhất từ năm 2011 tới nay. Dịch Covid-19 càng kéo dài, ảnh hưởng nền kinh tế càng nghiêm trọng hơn, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,8% là thách thức lớn và khó đạt được. Trường hợp dịch được khống chế trong quý II, tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 5,32% và trường hợp dịch kéo dài hết đến quý III thì tăng trưởng GDP dự báo là 5,05%. Một số chỉ tiêu vĩ mô có nguy cơ bị tác động mạnh, như: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm có thể tăng trên 4% nếu không có các giải pháp điều hành giá quyết liệt; thu ngân sách nhà nước có thể giảm 145 nghìn tỷ đồng; xuất nhập khấu, đẩu tư của khu vực tư nhân và FDI giảm mạnh do cầu của thế giới giảm mạnh, các nhà đầu tư có xu hướng thận trọng trong quyết định đầu tư và chuyển hưởng đầu tư an toàn hơn.
Các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường đầu ra đều giảm mạnh; chi phí để duy trì hoạt động trở thành gánh nặng trong khi dòng tiền dần thiếu hụt; doanh thu sụt giảm, thậm chỉ thua lỗ; khả năng cầm cự không thể kéo dài; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng cao so cùng kỳ. Nhiều lao động bị cắt giảm, mất việc làm, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động dự báo đạt mức thấp kỷ lục trong 10 năm qua, tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng; qua khảo sát nhanh, có tới 53% doanh nghiệp dự kiến giảm ít nhất 20% số lao động, 27% dự kiến cắt giảm trên 40% số lao động…
Phát biểu ý kiến khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đại dịch Covid-19 đang gây hậu quả hết sức lớn, nghiêm trọng trên toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp sản xuất, đời sống, sinh hoạt nhân dân trong nước. Thủ tướng cho biết, nhiệm vụ phòng, chống dịch (PCD) đã được sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, cả hệ thống chính trị chúng ta đã vào cuộc tích cực, đang triển khai quyết liệt Chỉ thị 15 và 16/CT-TTg với kết quả bước đầu. Tuy nhiên, lây nhiễm trong cộng đồng đang diễn ra một số nơi, do đó chúng ta không được chủ quan, lơ là mất cảnh giác trong tình hình hiện nay. Thường trực Chính phủ đưa ra một số quyết sách là tiếp tục thực hiện nghiêm Chủ thị 16, giãn cách xã hội quyết liệt hơn nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu của các cấp ủy, chính quyền.
Về cơ chế, chính sách, hỗ trợ người lao động, bảo đảm ASXH, Chính phủ đã báo cáo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua, Chính phủ ký triển khai ngay sau đây. Chúng ta cũng cần bàn triển khai tốt nhất gói hỗ trợ này đến những người khó khăn, thất nghiệp với tổng mức hơn 62 nghìn tỷ đồng.
Ba nội dung quan trọng là tháo gõ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh GNVĐTC, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, Thủ tướng đã giao các bộ ngành liên quan rà soát kỹ, đưa ra những cơ chế, biện pháp kỹ trong thời điểm chống dịch, nhất là chính sách tiền tệ, tài khóa.
Thời gian qua, nhờ sự chủ động, kịp thời, Chính phủ đã triển khai trước, trong và sau Tết nhiều biện pháp mạnh mẽ, có đối sách đúng như cách ly tập trung, thực hiện phương châm “chống dịch như chống giặc”, có sự chỉ đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhân dân vào cuộc, cấp ủy, chính quyền tích cực xắn tay vào cuộc. Chúng ta có đội ngũ y tế giỏi, tận tâm, tận lực. Các lực lượng quân đội, công an đã thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Gần đây, chúng ta thực hiện chủ trương cách ly xã hội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi toàn dân tích cực chống dịch. Nhờ đó, đến nay, chúng ta đã đạt nhiều kết quả tích trong PCD: hơn một nửa số người nhiễm đã khởi bệnh, xuất viện. Dịch Covid-19 vẫn phức tạp, do đó chúng ta không được chủ quan,
Tình hình kinh tế trong nước và thế giới đều bị tác động mạnh mẽ, tiêu cực do ảnh hưởng của dịch bệnh, các đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng trầm trọng, Việt Nam là nước hội nhập sâu, nền kinh tế có độ mở hơn 200%. Nhiều dự báo đều nhận định, suy thoái kinh tế toàn cầu trầm trọng hơn nếu dịch bệnh kéo dài. Các đối tác lớn của Việt Nam, như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều suy thoái, ảnh hưởng nghiêm trọng, Tổng Thư ký LHQ, các tổ chức lớn như IMF, các hãng tin uy tín thế giới đều cảnh báo, thế giới khó tránh khỏi một cuộc suy thoái toàn cầu, có thể mất hơn 5.000 tỷ USD, nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng âm. Thị trường toàn cầu giảm ở mức sâu, chưa từng có. Giá dầu thô chịu tác động kép của dịch và động thái của một số nước lớn nên giảm mạnh, chỉ còn khoảng 20 USD/thùng; nạn thất nghiệp đang diễn ra diện rộng. So thời kỳ năm 2008-2009, thế giới hiện nay khó khăn hơn nhiều, suy thoái đang diễn ra nghiêm trọng.
Trước tình hình đó, các nước trên thế giới đều đưa ra gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử. Có thể nói, chưa bao giờ các nước đồng loạt thực hiện các gói kích thích lớn như hiện nay, sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế lớn hơn, nhiều hơn, quyết liệt hơn khủng hoảng tài chính trước đây. Covid-19 tác động sâu rộng cả nền kinh tế. Nền kinh tế ta còn yếu cả cung và cầu. Một số ngành thế mạnh của Việt Nam tăng trưởng thấp, như nông nghiệp, công nghiệp xây dựng, dịch vụ; các lĩnh vực du lịch, hàng không, vận tải, ăn uống, giải trí bị ảnh hưởng nặng nề. Lĩnh vực doanh thu dịch vụ tiêu dùng và bán lẻ hàng hóa giảm mạnh. Nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp, bất động sản, hàng không, hoặc dừng sản xuất, kinh doanh, hoặc sản xuất cầm chừng, thu hẹp thị trường, thiếu nguyên liệu, thiếu lao động. Những vấn đề như vậy đặt ra cấp bách đối với nước ta. Nếu không có biện pháp duy trì hoạt động bình thường thì dẫn đến nhiều hệ lụy lớn cho xã hội, nhất là năm nay, chúng ta đang tiến hành đại hội Đảng các cấp; thậm chí là nguy cơ nền kinh tế dễ bị đổ gẫy, tăng trưởng âm.
Vì vậy, tại hội nghị này, hội nghị trực tuyến 4 trong 1, hay có thể nói là tất cả trong một, nhằm huy động tổng lực các nguồn lực trong nước, tinh thần yêu nước quật cường của nhân dân Việt Nam chiến thắng đại dịch Covid-19, vươn lên trong sản xuất và đời sống. Nhiệm vụ của chúng ta, bảo đảm thực hiện nghiêm túc các biện pháp không để lây lan dịch, khống chế dịch bệnh, biến nguy thành cơ, sau dịch làm thế nào để kinh tế tăng tốc, bù đắp tổn thất vừa qua, đạt tầm nhìn Việt Nam thịnh vượng. Trong lịch sử, Việt Nam chúng ta chưa từng chùn bước trong khó khăn, luôn mạnh mẽ, vượt lên thách thức nhờ khí phách dân tộc. Điều này cần được phát huy trong thời điểm dịch hiện nay và thời gian tới để khắc phục sự đổ gẫy nền kinh tế.
Tại hội nghị này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng bày tỏ lòng biết ơn tất cả người dân đồng hành, chia sẻ, thông cảm với Chính phủ do giãn cách xã hội tạo ra để ngăn ngừa dịch bệnh. Chúng ta cần cố gắng vượt qua khó khăn, do đó đòi hỏi sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng DN, người dân để giữ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm việc làm cho người lao động cả nước.
Quyết tâm của Việt Nam được cả cộng đồng quốc tế ghi nhận, nhiều tổ chức quốc tế đều dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam phục hồi. Thủ tướng dẫn lại thuyết tiến hóa của Đác-uyn, nhấn mạnh, loài có khả năng thích ứng sự thay đổi tốt nhất mới sống sót, đồng thời nêu rõ, sự quyết tâm mới là quan trọng. Yêu cầu đặt ra là cần đưa ra cơ chế, chính sách đúng, trúng, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống nhân dân, thúc đẩy nền kinh tế bật mạnh sau dịch, như lò xo bị nén bật ra. Sản phẩm của chúng ta tại hội nghị này là một Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các nhiệm vụ giải pháp cấp bách, tháo gõ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy GNVĐTC. Tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ là tập trung nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương; cần hành động, nhanh, ngay, càng sớm càng tốt thì ngăn chặn dịch bệnh, giảm thiểu tác động tới kinh tế – xã hội; đồng thời cần chuẩn bị tốt các điều kiện để vươn lên.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc tháo gỡ khó khăn cho các DN tư nhân với tinh thần không để DN thiếu vốn tín dụng, không bắt DN trả nợ ngay, tiếp tục giảm hơn nữa lãi suất cho vay, cả vay cũ và mới cho DN. Ngành ngân hàng đồng hành cùng DN vợt qua khó khăn. Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ bằng các công cụ tỷ giá, tín dụng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát.
Thủ tướng cũng yêu cầu cần tập trung thực hiện hiệu quả chính sách kích cầu nội địa thông qua chính sách tài khóa. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cũng cần đóng góp ý kiến cho gói chính sách hỗ trợ về tài khóa. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính bố trí nguồn, có phương án bảo đảm nguồn trong PCD, huy động cả ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương. Vấn đề chỉ đạo điều hành phải thay đổi quyết liệt hơn, cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; càng khó khăn chúng ta cần tập trung cải cách, hoàn thiện các quy định pháp luật, tạo mọi điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và DN. Cần hiến kế cho Chính phủ, cần sửa đổi các quy định nào để hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn. Tận dụng cơ hội phục hồi; Coi trọng thúc đẩy đầu tư tư nhân có vai trò quan trọng hiện nay. Chúng ta cần lắng nghe khó khăn, vướng mắc do các hiệp hội trình bày. Các cấp, các ngành cần có chương trình thu hút đầu tư FDI sau dịch, đón đầu luồng vốn đầu tư nước ngoài. Chính vì thế, những cải cách vượt trội về môi trường đầu tư kinh doanh của các địa phương là hết sức quan trọng. Vai trò của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các đầu tàu kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm cũng hết sức quan trọng; các lãnh đạo địa phương cần nỗ lực chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế – xã hội.
Thế giới cũng đặt vấn đề, tại sao nhiều địa phương tăng trưởng thấp, có địa phương lại tăng trưởng cao. Chúng ta cần có chương trình bảo vệ sự tồn tại và phát triển của DN. Cần có giải pháp, trọng tâm để phát triển kinh tế. Nông nghiệp bao giờ cũng là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực. Khu vực công nghiệp xây dựng cần tận dụng các FTA. Thị trường bất động sản, nhất là nhà ở xã hội cũng là kích cầu hiệu quả. Chúng ta cần chú ý thị trường 100 triệu dân Việt Nam. Khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề cần có chương trình phục hồi thị trường; các ngành du lịch, dịch vụ trong nước thay đổi phương thức kinh doanh, vận tải. Về giải ngân vốn đầu tư công, tinh thần chỉ đạo của Thường trực Chính phủ là giải ngân hết số vốn còn lại 2019, vốn 2020 với gần 700 nghìn tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD. Những chế tài đặt ra trong vấn đề này, như kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương không giải ngân; điều chuyển những công trình, dự án không triển khai, thành lập các tổ công tác để đôn đốc, kiểm tra, thực hiện việc này,
Chính phủ chủ trương đẩy mạnh giải ngân các dự án giao thông trọng điểm với tinh thần chuyển một số dự án trọng điểm đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) sang đầu tư công, như đường cao tốc bắc nam, sân bay Long Thành… Cần giao nhiệm vụ cụ thể, chế tài cụ thể, xử lý nghiêm minh. Đối với gói hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo, lao động khó khăn trị giá khoảng 62 nghìn tỷ đồng, vấn đề quan trọng là tổ chức thực hiện ở ngay địa phương, đúng đối tượng.
Vấn đề bảo đảm trật tự an toàn xã hội có ý nghĩa quan trọng trong lúc khó khăn này. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an và các địa phương, thành phố lớn có kế hoạch, phương án giải pháp cụ thể, bảo đảm an ninh trật tự xã hội, đặc biệt hạn chế tình trạng trộm cắp, tội phạm hình sự, đầu cơ nâng giá…; Bộ Công an cần tích cực đấu tranh, trấn áp hành vi chống phá của các thế lực thù địch lợi dụng tình hình; phối hợp các bộ, ngành liên quan bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Tại hội nghị, các bộ, ngành và một số địa phương đã đóng góp nhiều ý kiến về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho SXKD, đầu tư phát triển, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và cộng đồng DN vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong thời điểm hiện nay, chúng ta cần quyết tâm chống dịch Covid-19, thực hiện tốt Chỉ thị 16/CT-TTg, tiếp tục giãn khoảng cách xã hội nghiêm túc nhưng không “ngăn sông cấm chợ”, không ngăn vận chuyển hàng hóa, vật tư thiết bị; tổ chức sản xuất nhưng không để lây nhiễm. Chúng ta sẽ có quyết sách mới khi tình hình thay đổi.
Thủ tướng đề nghị cùng chung sức đồng lòng, phối hợp chặt chẽ, quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện với tinh thần dịch bệnh làm khó khăn gấp đôi thì chúng ta phải cố gắng gấp ba. Vừa qua, tinh thần này được Đảng, Nhà nước quán triệt tốt, sự hưởng ứng của MTTQ Việt Nam, cơ quan tư pháp, sự ủng hộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội đồng hành, đồng tâm của Chính phủ trong thực hiện các nhiệm vụ đặt ra. Chúng ta cần chung tay tháo gỡ khó khăn, thành lập Ban chỉ đạo từng địa phương tháo gỡ điểm nghẽn. Tập trung sức lực hơn nữa tháo gỡ, chấm dứt tình trạng trì trệ như vừa qua ở một số ngành, địa phương.
Theo Thủ tướng, tăng trưởng 3,82% quý I là đáng khích lệ trong bối cảnh quốc tế hiện nay, nhưng con số này vẫn còn thấp quá, nhất là một số địa bàn, ngành. Cho nên, cùng với quyết tâm, chỉ đạo của chúng ta phải cụ thể, sáng tạo, hơn trên tinh thần biến nguy cơ thành thời cơ trong chỉ đạo cụ thể, tái cơ cấu nền kinh tế với những giải pháp mạnh mẽ trong từng ngành, từng xí nghiệp. Chính phủ sẽ trực tiếp tháo gỡ 91 kiến nghị của các địa phương hết sức cụ thể và đúng đắn tại hội nghị này.
Thủ tướng khẳng định tiếp tục khuyến khích xuất khẩu gạo có kiểm soát nhưng phải bảo đảm an ninh lương thực, đồng thời bảo đảm quyền lợi của nông dân, nhất là ở miền Tây Nam Bộ. Chúng ta phải tìm thị trường mới, đổi mới cách làm, thay đổi thói quen công việc, chuyển một số dự án đầu tư đối tác công-tư (PPP) thành đầu tư công hoặc ngược lại. Xử lý nghiêm sự chậm chạp, vô trách nhiệm từ tháo gỡ khó khăn cho SXKD, đầu tư, bảo đảm ASXH, trật tự an toàn xã hội. Chú ý đẩy mạnh sản xuất cả công nghiệp, dịch vụ và đặc biệt là nông nghiệp. Cùng xuất khẩu, chú trọng hơn nữa thị trường trong nước 100 triệu dân. Bên cạnh bảo đảm sản xuất và lưu thông thuận lợi, cần xử lý nghiêm đầu cơ tăng giá, nhất là tăng giá thịt lợn; quan tâm thị trường bất động sản ở hai thành phố lớn. Chú ý đẩy mạnh công tác đối ngoại, nhất là trong bối cảnh năm nay Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN; đẩy mạnh quan hệ quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Thủ tướng cũng lưu ý, truyền thông phải đổi mới hơn nữa, tạo nên động lực mới, đồng thuận toàn xã hội; đồng thời tin rằng, một khí thế mới, quyết tâm mới trong giai đoạn mới vượt khó đi lên, bảo đảm SXKD, ổn định xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu kép: đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế-xã hội. Một Nghị quyết mới của Chính phủ mang hơi thở cuộc sống và ý chí cách mạng của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị sẽ được thể hiện ngay sau hội nghị này.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các bộ, ngành khẩn trương xây dựng các kịch bản để phục hồi, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tuần tới, nhất là các địa bàn trọng điểm phải có đóng góp; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Văn phòng Chính phủ tổng hợp các khó khăn, vướng mắc các đề xuất kiến nghị, đề xuất của các địa phương, cộng đồng DN để đưa vấn đề vào một một số lĩnh vực của Nghị quyết của Chính phủ; có văn bản trả lời 91 kiến nghị của địa phương để tạo thuận lợi cho các ngành, địa phương thực hiện.
Thủ tướng tin rằng, sau hội nghị này, những chủ trương, biện pháp của Đảng, Nhà nước đưa ra sẽ đi vào cuộc sống tốt nhất, trực tiếp nhất, nhanh nhất, đi cùng với đó là chống thất thoát, tham ô, lãng phí.