BVR&MT – Thời gian qua, cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh đã phát hiện nhiều vụ lấn chiếm trồng cây nông nghiệp trên đất quy hoạch lâm nghiệp, nhất là ở khu vực biên giới, nơi có rừng phòng hộ Dầu Tiếng quan trọng. Từ đó đến nay, công tác thu hồi, trồng lại rừng, bảo vệ rừng trên đất quy hoạch lâm nghiệp được chính quyền các cấp thực hiện liên tục. Đến đầu tháng 6/2020, đã có nhiều kết quả khả quan.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp Tây Ninh, sau khi dùng nhiều biện pháp từ thuyết phục cho đến xử lý vi phạm hành chính, trong 5 năm từ 2009 đến 2013, trên địa bàn biên giới có rừng đã tổ chức thu hồi 1.695 ha đất bị lấn chiếm. Chỉ trong 2 năm 2012-2013, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh khi ấy đã ban hành 76 quyết định, Chủ tịch UBND huyện Tân Châu lúc đó cũng ban hành đến 41 quyết định buộc hàng trăm hộ dân phải khắc phục ngay hậu quả về hành vi lấn chiếm rừng để làm nương rẫy, bằng biện pháp di dời toàn bộ công trình xây dựng và cây trồng sai mục đích khỏi đất vi phạm.
Và sau khi rà phá bom mìn, tổ chức di dời dân, thu hồi xong đất quy hoạch lâm nghiệp, ngành nông nghiệp Tây Ninh đã tổ chức trồng lại các loại cây rừng bản địa trên diện tích 1.640 ha/1.695 ha đã thu hồi (tại huyện Tân Châu). Những hộ hợp đồng trồng rừng, nhận khoán, khoanh nuôi bảo vệ rừng còn được hỗ trợ kinh phí ngoài phần chi của ngân sách Nhà nước theo định mức. Mặt khác, để chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc có hợp đồng trồng rừng, tỉnh Tây Ninh còn có nhiều chính sách khác như đào tạo nghề, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, hướng dẫn trồng cây dưới tán rừng… để nâng cao thu nhập cho bà con.
Hiện tại, khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng (huyện biên giới Tân Châu), nơi có tổng diện tích cần bảo vệ là 18.885 ha, trong đó có 12.852 ha rừng tự nhiên, hơn 6.032 ha rừng trồng. Đây là nơi địa hình phức tạp, diện tích rộng lớn, nằm trên nhiều làng, xã ven khu vực biên giới nên người dân đã lấn chiếm đất rừng từ sau ngày giải phóng để trồng trọt. Bên cạnh đó, do lực lượng bảo vệ rừng còn mỏng, nên tại đây thường xuyên xảy ra tình trạng lén lút chặt cành, khoanh gốc cây, đốt cháy, “bức tử” cây rừng bằng hóa chất để lấn chiếm đất rừng làm rẫy.
Theo thống kê năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh đã có báo cáo 2489/BC-SNN về kết quả rà soát đất trồng cây nông nghiệp trái quy định trên đất quy hoạch lâm nghiệp tại khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Qua đây, đã phát hiện 1.060,6 ha đất quy hoạch lâm nghiệp bị 678 hộ dân lấn chiếm trồng cao-su, mì và các loại cây ăn quả. Ngay sau đó, đồng chí Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã ký Quyết định số 1573/QĐ-UBND ngày 10/7/2017 kèm theo đó là kế hoạch xử lý dứt điểm rất cụ thể, bảo đảm công khai minh bạch và mọi trường hợp đều phải được xử lý như nhau nhằm không tạo tiền lệ xấu; xử lý đến đâu thì tổ chức trồng mới lại rừng đến đó.
Mới đây, Ban quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng (BQL) đã gửi báo cáo lũy kế kết quả thực hiện Quyết định 1573/QĐ-UBND đến ngành chức năng Tây Ninh. Theo đó, trên tổng diện tích cần đưa vào xử lý là 1.060,6 ha, đến tháng 6/2020, diện tích đã tiến hành xử lý gồm 593,04 ha, cụ thể: Diện tích đã tự nguyện thực hiện 219 ha (gồm 104 hộ), trong đó đã thực hiện trồng lại rừng 191,3 ha tại các xã Tân Hòa, Suối Dây, Suối Ngô, Tân Thành. Ngoài ra, BQL đã lập biên bản vi phạm hành chính 349,68 ha (gồm 182 hộ).
Đồng chí Tạ Châu Lâm, Chủ tịch UBND huyện Tân Châu chia sẻ: “Huyện cùng BQL đã phối hợp UBND các xã thuộc huyện Tân Châu tổ chức tuyên truyền tại Hội trường UBND các xã và vận động tuyên truyền tại hộ gia đình. Bằng cách giải thích thấu tình đạt lý, ban đầu có gần 100 hộ đã tự nguyện thực hiện giao đất lại. Ngay sau đó, tại các xã Tân Hòa, Suối Dây, Suối Ngô, Tân Thành, BQL và người dân trồng lại gần 191,3 ha rừng. Thấy việc làm đúng, thêm nhiều hộ khác tiếp tục ký cam kết trồng rừng với BQL, thí dụ như hộ ông Phan Trung Tiên trồng 1,5 ha rừng, hộ Cao Thị Biết, Nguyễn Văn Phước, Nguyễn Văn Điệp, Huỳnh Thị Hến trồng 2,8 ha rừng…”.
Bên cạnh đó, các hộ chưa đồng tình, UBND các xã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính (349,68 ha/182 hộ) và hàng trăm hộ dân khác đề nghị để rừng tái sinh tự nhiên, BQL và UBND các xã thống nhất chưa lập biên bản vi phạm hành chính. Có thể kể đến các hộ Vũ Huy Cường, Phạm Thị Hiền đã hủy bỏ 100% diện tích trồng cây trái phép, hộ Hà Văn Sự, Trần Thành Danh, Dương Thị Hiền, Nghiêm Văn Quyết… hủy bỏ đến 45% diện tích trồng cây trái phép, trong đó có trường hợp ông Trần Văn Để (3 ha) đã xử lý 50% cây cao-su và ký cam kết trồng rừng trong mùa mưa năm 2020.
Theo đồng chí Nguyễn Đình Xuân, Bí thư Huyện ủy Tân Châu, qua hai năm quyết liệt xử lý theo tinh thần Quyết định 1573/QĐ-UBND, tuy đạt kết quả khả quan song vẫn còn một số hộ dân tiến hành khiếu nại, khởi kiện nhằm kéo dài thời gian để khai thác mủ cao-su gây khó khăn cho các lực lượng thực thi. UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Tân Châu tiếp tục có giải pháp quyết liệt đối với các trường vi phạm, đồng thời tổ chức thực hiện cưỡng chế đối với các hộ vi phạm đã có quyết định cưỡng chế. Sau thu hồi đất nhanh chóng cùng các ngành liên quan trồng lại rừng.
Còn đồng chí Võ Đức Trong, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh cho hay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tây Ninh cũng thường xuyên chỉ đạo các cơ quan công an, Viện Kiểm sát nhân dân, kiểm lâm điều tra, củng cố hồ sơ, khởi tố hình sự các hành vi vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, xảy ra tại các vùng có rừng, đặc biệt tại khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Chúng tôi đang nỗ lực thu hồi tất cả diện tích bị lấn chiếm, nỗ lực “tái sinh” cho rừng.