BVR&MT – Trong lúc rất nhiều người thiếu ý thức tùy tiện vứt rác bừa bãi nơi công cộng thì ở đâu đó vẫn có những người lao công không ngại vất vả, làm công việc thầm lặng dầm mưa dãi nắng. Họ ngày đêm làm việc góp phần gìn giữ và bảo vệ môi trường sạch đẹp.
Trong cuộc sống có những con người lặng lẽ cống hiến cho xã hội mà tình cờ chúng ta không nhận ra và cũng không để ý đến. Những việc làm âm thầm của họ giúp môi trường và cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Đó là các công nhân môi trường, không ngại nhọc nhằn, hôi hám, sức khỏe của bản thân để gìn giữ môi trường sạch đẹp, để bảo vệ sức khỏe của người dân.
Công việc chính của họ là quét sạch lòng đường, vỉa hè và thu gom rác thải ở nơi công cộng, khu dân cư. Rác thải luôn tồn tại, nếu không có sự xuất hiện của họ thì xã hội không thể cân bằng, môi trường sẽ ô nhiễm tệ hại. Cho thấy rằng, đây là một nghề hết sức quan trọng, thiết thực trong xã hội, nhưng vô tình bị xem nhẹ.
Chúng tôi có cơ hội được trò chuyện cùng cô T.T.T (lao công tại đường Hồ Tây). Cô T chia sẻ “Đến với nghề lao công cũng là một cái duyên, vì yêu môi trường, thích được bảo vệ môi trường nên cô chọn nghề này. Cô biết rất độc hại nhưng cô vẫn muốn làm để bảo vệ lá phổi xanh của Thủ Đô.”
Làm nghề trong môi trường không được an toàn, hôi hám, bốc mùi khó chịu, cô T kể: “Trong những năm làm nghề sức khoẻ của cô ảnh hưởng rất nhiều. Ảnh hưởng từ rác rưởi người ta để vài ngày mới đổ ra”.
“Người dân ở đây rất quý mến người lao động, tuy nhiên vẫn còn một số người đổ rác bừa bãi, không có đúng nơi, đúng giờ quy định. Có những khi, cô vừa quét sạch đường, ngoảnh lại đã thấy người vứt phía sau rồi. Người ta đổ rác không đúng giờ quy định, đổ rác lung tung, thích đổ lúc nào thì đổ. Bên cạnh đó, nhà nước cũng có một số chính sách đãi ngộ nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu và công sức mà các cô bỏ ra.” – Cô T tâm sự.
Nghề lao công vất vả mệt nhọc, nhưng tiền lương bèo bọt. Ngày nay, thế hệ trẻ trong tương lai có nhiều nhiều sự lựa chọn ngành nghề tốt hơn. Nếu không có sự đãi ngộ tốt hơn, có lẽ sẽ chẳng có ai thầm lặng hy sinh sức khỏe của bản thân, làm công việc vất vả nhọc nhằn để bảo vệ môi trường xanh.
Chú N.V.H với hơn 10 năm làm trong nghề, chia sẻ: “Trung bình chú làm việc hơn 10 tiếng, có những hôm chờ cẩu rác 5 đến 7 tiếng, làm từ 3 giờ đến 5 6 giờ sáng. Với thời gian tiếp xúc với rác lâu, sức khoẻ chú cũng bị ảnh hưởng, ví dụ như mắc một số bệnh như ho, viêm, họng, bệnh phổi…”
“Nhiều năm làm nghề, tôi chỉ hy vọng nhà nước có thể đảm bảo giờ giấc cho công nhân, không phải đi sớm về khuya làm việc nữa” – Chú N.V.H tâm sự
Thấu hiểu sự vất vả khổ nhọc của những người lao công chị Phương (Hà Nội) chia sẻ: “Các cô chú lao công đang phải làm việc trong môi trường không được sạch sẽ an toàn, nhưng mong cô và anh chị hãy cố gắng bảo vệ lá phổi xanh của đất nước. Sau này nhất định có nhiều người biết đến và có những chính sách ưu đãi tốt hơn”.
Thành phố chìm vào giấc ngủ, nhưng ở đâu đó chúng ta vẫn bắt gặp công nhân vệ sinh môi trường vẫn cặm cụi trên các tuyến phố, cần mẫn quét đường với tiếng chổi tre xào xạc. Công việc thầm lặng, nhưng phải đối mặt với không ít khó khăn, vất vả, thậm chí là gặp rủi ro nguy hiểm khi làm việc ngoài đường. Nhưng vì sứ mệnh cao cả của mình, các công nhân vệ sinh môi trường vẫn luôn cố gắng từng ngày để bảo vệ môi trường sạch – đẹp. Mỗi tiếng chổi, nhịp đẩy xe đều là những trách nhiệm phi thường của những con người bình dị.
Thực hiện: Thùy Linh – Đình Trà