BVR&MT – Tổng cục Thống kê nhận định, cuộc Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 đã khép lại với nhiều kết quả tích cực.
Theo đó, Tổng điều tra đã thu thập, xử lý, tổng hợp khối lượng thông tin rất lớn về: Kinh tế hộ nông thôn, kết cấu hạ tầng của các xã, thôn, kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, số đơn vị và tình hình sử dụng lao động, đất đai trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, kết quả phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và xây dựng cánh đồng lớn, đời sống dân cư nông thôn và các thông tin kinh tế – xã hội khác về nông thôn, nông dân và nông nghiệp.
Theo Tổng cục Thống kê, cuộc Tổng điều tra đã cung cấp số liệu cơ bản về nông thôn và sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản điều đó có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công tác tham mưu chiến lược của ngành thống kê giúp đảng và nhà nước có thông tin về nông thôn, nông nghiệp trong bức tranh kinh tế tổng thể của cả nước làm căn cứ để đưa ra các quyết định chính sách chỉ đạo điều hành phù hợp với phát triển của nền kinh tế nhanh và bền vững. Kết quả Tổng điều tra cũng là cơ sở thông tin rất quan trọng cung cấp cho Chính phủ và các địa phương có thêm căn cứ thực hiện cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế đặc biệt trong khu vực nông thôn, nông nghiệp…”.
Bức tranh nông thôn mới 2011-2016
Thông tin thu thập từ cuộc Tổng điều tra đã phản ánh một bức tranh mới về nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản qua 5 năm 2011-2016 với những thành tựu cơ bản sau đây:
Một là, kinh tế nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục tăng trưởng; cơ cấu sản xuất có sự chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Các ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng đang trong quá trình cơ cấu lại về loại hình và quy mô sản xuất. Ruộng đất đang được tích tụ với khâu đột phá là dồn điền đổi thửa và xây dựng cánh đồng lớn. Ứng dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa sản xuất có bước tiến mới. Nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn đang hình thành.
Hai là, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và môi trường nông thôn được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Hệ thống cung cấp điện, cung cấp nước sạch, đường giao thông nông thôn, trường lớp mầm non và phổ thông các cấp, trạm y tế xã, hệ thống thiết chế văn hóa, thông tin mở rộng diện bao phủ và nâng cao chất lượng dịch vụ. Bộ máy và điều kiện làm việc của lãnh đạo xã được kiện toàn thêm một bước. Mạng lưới thủy nông, khuyến nông, khuyến ngư, tín dụng ngân hàng và dịch vụ cung cấp vật tư, nguyên liệu đầu vào, bao tiêu nông sản hàng hóa đầu ra phát triển tương đối đa dạng. Bộ mặt kinh tế – xã hội nông thôn có sự thay đổi rõ rệt.
Ba là, an sinh xã hội được bảo đảm, có những mặt được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm. Số hộ và tỷ lệ hộ, nhân khẩu sử dụng điện, nước sạch, khám chữa bệnh và thụ hưởng văn hóa, tiếp cận thông tin ngày càng tăng. Thu nhập của dân cư ổn định. Ngoài tiêu dùng cho đời sống hằng ngày, nhiều hộ còn có tích lũy, xây dựng nhà cửa và mua sắm thêm đồ dùng lâu bền. Vệ sinh môi trường được các cấp, các ngành và nhân dân quan tâm, bảo vệ. Tình trạng ô nhiễm môi trường đang được xử lý tích cực.
Bên cạnh những thành tựu rất quan trọng nêu trên, tình hình kinh tế – xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và bất cập. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, có những mặt còn lúng túng, nhất là cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Quy mô sản xuất tuy đã được nâng lên nhưng sản xuất nhỏ vẫn phổ biến. Đầu tư cho nông thôn, nông nghiệp hạn chế. Lực lượng lao động đông đảo nhưng trình độ chuyên môn, tay nghề thấp nên khó sắp xếp và tìm kiếm được việc làm. Hiệu quả sản xuất không cao, có lĩnh vực bị suy giảm. Đời sống một bộ phận dân cư, nhất là đồng bào vùng núi, rẻo cao, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, thiếu thốn.
Những hạn chế nêu trên đang là thách thức lớn đối với quá trình phát triển kinh tế – xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn, thách thức còn có thuận lợi và cơ hội, đặc biệt là kinh nghiệm đã tích lũy được. Với sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ và các cấp, các ngành, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, thành tựu đạt được trong hơn 30 năm đổi mới nói chung và 5 năm 2011-2016 nói riêng sẽ được phát huy; khó khăn, thách thức đang tồn tại sẽ được xử lý, khắc phục, đưa nông thôn, nông nghiệp nước ta tiếp tục phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.
Một số bài học kinh nghiệm từ Tổng điều tra
Cũng theo Tổng cục Thống kê, cuộc Tổng điều tra đã hoàn thành mục tiêu, yêu cầu và nội dung được giao trong Quyết định số 1225/QĐ-TTg ngày 31/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm quý báu:
Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành và cơ quan Đảng, chính quyền các cấp nhằm huy động mọi nguồn lực và sự tham gia, vào cuộc, sự ủng hộ của nhân dân, của cư dân ở nông thôn. Đây là một trong ba cuộc tổng điều tra lớn, nội dung phức tạp và liên quan trực tiếp tới nhiều Bộ, ngành nên sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương sẽ là yếu tố không thể thiếu để thực hiện thành công cuộc Tổng điều tra. Sự tham gia phối hợp, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tổ chức, huy động các nguồn lực, nâng cao vai trò và trách nhiệm của cộng đồng đối với cuộc Tổng điều tra. Sự phối hợp toàn diện trong toàn bộ quá trình Tổng điều tra từ khâu chuẩn bị, công tác kiểm tra, giám sát đến đánh giá và phân tích kết quả Tổng điều tra cần tiếp tục được ghi nhận và phát huy trong kỳ điều tra tiếp theo. Bài học về sự phối hợp này còn có ý nghĩa hơn nữa trong điều kiện hiện nay khi đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước hạn hẹp, các điều kiện vật chất và các định mức kinh phí dành cho công tác điều tra còn hạn chế.
Thứ hai, công tác tuyên truyền sâu, rộng với hình thức đa dạng, phong phú và cách thức linh hoạt đã đóng góp không nhỏ vào kết quả của cuộc Tổng điều tra. Công tác tuyên truyền được thực hiện ở tất cả các cấp từ Trung ương, đến cấp tỉnh, huyện, xã như: đài truyền hình, đài phát thanh các cấp; chuyên san, báo chí, bài phát biểu; băng rôn, khẩu hiệu, loa, đài, bảng điện tử;… Mục đích, nội dung và tổ chức thực hiện cuộc Tổng điều tra trên địa bàn được cụ thể hóa trong công tác của cấp ủy, của chính quyền và phổ biến cho nhân dân trong các cuộc họp tổ dân phố ở nhiều địa phương. Công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng đến từng người dân đã thực sự có ý nghĩa, giúp cho nhân dân hiểu được yêu cầu, mục đích tầm quan trọng của cuộc Tổng điều tra, có ý thức hợp tác, cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác cho điều tra viên.
Thứ ba, xây dựng kế hoạch, nội dung và phân công cụ thể để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thanh tra ở tất cả các công đoạn của Tổng điều tra. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra ở địa phương chú trọng khâu kiểm tra, xem xét và tuyển chọn điều tra viên và tổ trưởng, đảm bảo yêu cầu về sự nhiệt tình, trách nhiệm, trình độ tiếp thu và khả năng thực hiện vì điều tra viên và tổ trưởng là lực lượng đông đảo và nhân tố quan trọng, quyết định chất lượng số liệu cuộc Tổng điều tra. Huy động tối đa lực lượng để tập trung kiểm tra, giám sát ngay từ những ngày đầu thu thập số liệu, kịp thời phát hiện và thông báo sớm những sai sót hệ thống đến các điều tra viên, tổ trưởng và các thành viên tham gia Tổng điều tra để tránh khai sót trên diện rộng.
Thứ tư, tăng cường thời gian và công sức trong giai đoạn chuẩn bị để đổi mới nội dung và phương pháp thực hiện trong Tổng điều tra. Với thời gian chuẩn bị dưới một năm cho Tổng điều tra, một số nội dung và đặc biệt là phương pháp thu thập thông tin cần được nghiên cứu, xem xét và đánh giá một cách thấu đáo nhằm đảm bảo tính phù hợp và khả thi. Trong thời gian tới, Tổng điều tra sẽ tiến hành với chu kỳ 10 năm tạo điều kiện tốt hơn về thời gian để chuẩn bị cho Tổng điều tra. Tiếp tục đổi mới cả về nội dung và cách thức thực hiện theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn thực hiện Tổng điều tra: rà soát, thu thập, tổng hợp xử lý và công bố thông tin.
Thứ năm, chuẩn bị đầy đủ nguồn kinh phí, hướng dẫn cụ thể và phân cấp rõ ràng trong quản lý, sử dụng kinh phí là yếu tố quan trọng bảo đảm điều kiện vật chất thực hiện Tổng điều tra. Kịp thời công khai định mức kinh phí với khoản mục rõ ràng, cấp phát kinh phí, vật tư, văn phòng phẩm đầy đủ và đúng thời điểm cho Ban chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Tổng điều tra.