BVR&MT – Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2019, các thành viên Chính phủ đã dành nhiều thời gian vào tập trung thảo luận, phân tích, nhận định, dự báo tình hình và bày tỏ nhiều kỳ vọng về sự phát triển và tăng trưởng mạnh của nền kinh tế trong năm 2019
Các thành viên Chính phủ cho rằng kinh tế-xã hội tháng 1/2019 chuyển biến tích cực, là bước khởi đầu thuận lợi để nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 đã được đề ra. Đến nay, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động, văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, trong đó khẳng định quyết tâm cao thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội được đề ra cho năm 2019.
“Kinh tế-xã hội tháng 1 nhìn chung phát triển tích cực, lành mạnh; các cấp, các ngành, các địa phương đã tập trung triển khai Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 của Chính phủ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá.
Các thành viên Chính phủ đã đưa ra nhiều dự báo tình hình và bày tỏ kỳ vọng lớn đối với sự tăng trưởng và phát triển mạnh của nền kinh tế Việt Nam trong năm bứt phá 2019, trong đó cho rằng, sự phát triển của khu vực công nghiệp và xây dựng với nòng cốt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục được kỳ vọng là động lực cho tăng trưởng. Tiêu dùng của dân cư sẽ là nhân tố chủ đạo đóng góp cho tăng trưởng kinh tế nhờ du lịch tăng mạnh, cầu tiêu dùng tiếp tục tăng khá.
Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể khiến cho xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác diễn ra nhanh hơn, tạo cơ hội cho Việt Nam tăng thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là trong những lĩnh vực sản xuất hàng hóa Trung Quốc chịu sự trừng phạt của Mỹ.
Triển vọng hiệp định tự do Việt Nam-EU, hiệp định CPTPP tạo không gian mới và kỳ vọng cho nhà đầu tư nước ngoài. Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019, đây là hiệp định được đánh giá là tiến xa nhất và toàn diện nhất ở thời điểm hiện nay, thể hiện bước tiến mới của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Với Hiệp định CPTPP, Việt Nam được kỳ vọng có cơ hội lớn để mở rộng xuất khẩu, đặc biệt nhờ tác động chuyển hướng thương mại và giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Những mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản… của Việt Nam sẽ xuất khẩu được sang được các thị trường mới với những lợi thế về ưu đãi thuế quan.
Hiệp định CPTPP cũng như các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác còn tác động lớn tới nền kinh tế Việt Nam thông qua việc thúc đẩy cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn công của nhà nước, từ đó tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP sẽ giúp cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế. Việt Nam cũng có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hình thành sau khi CPTPP có hiệu lực, là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển nền kinh tế, từ đó có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.
Trong năm 2019, Chính phủ tiếp tục thực hiện ưu tiên tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm huy động tối đa nguồn lực cho phát triển, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Đồng thời, Chính phủ vẫn kiên định với ưu tiên củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, khơi thông các nguồn lực, duy trì thúc đẩy động lực tăng trưởng; quyết liệt thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế. Kết hợp những yếu tố thuận lợi nêu trên sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2019.
Các thành viên Chính phủ khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của các bộ, ngành trong tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã đề ra trong các Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, nhiều ý kiến cho rằng, các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần chủ động, sáng tạo, kịp thời, linh hoạt, đồng thời bám sát, nắm vững tình hình, tận dụng tốt thời cơ để lựa chọn các nhiệm vụ ưu tiên, cần thiết thực hiện trước, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị mình, vì mục tiêu cao nhất là hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 đã được đề ra.
Trong phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, những kết quả đạt được trong tháng đầu của năm 2019 là tích cực, song các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn vì nền kinh tế bên cạnh những thuận lợi là cơ bản vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức trước những biến động phức tạp của tình hình khu vực và quốc tế vì độ mở của nền kinh tế nước ta là rất lớn.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bám sát mục tiêu tại các kịch bản tăng trưởng; quyết tâm hành động; nói đi đôi với làm; tăng cường kỷ luật kỷ cương; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực; nỗ lực phấn đấu ngay từ đầu năm để thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019, trong đó phải đặc biệt quan tâm củng cố nền tảng vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, coi đây là nhiệm vụ trọng yếu nhất của năm 2019.
“Từng đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành cần đặc biệt quan tâm, sâu sát chỉ đạo thực hiện từng chỉ tiêu đề ra đối với bộ ngành mình; thường xuyên giao ban, kiểm điểm hàng tháng về tình hình thực hiện các chỉ tiêu để có đối sách phù hợp, kịp thời trước những biến động trong nước và quốc tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.