BVR&MT – Trong những năm qua, tình trạng khai thác gỗ nghiến trái phép xảy ra thường xuyên tại rừng đặc dụng Phong Quang, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Để bảo vệ rừng nghiến, lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang đã thực hiện nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ, trong đó có việc gắn biển số cho từng cây nghiến cổ thụ để giao cho các nhóm hộ quản lý.
Rừng đặc dụng Phong Quang có diện tích hơn 8.000 ha, thuộc địa phận các xã: Minh Tân, Phong Quang, Thuận Hòa, Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Rừng có hệ thực vật đa dạng và được coi là “vựa” nghiến lớn nhất ở tỉnh vùng cao này.
Chính quyền tỉnh Hà Giang đã thực hiện nhiều giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nghiến Phong Quang như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền; cho dân ký cam kết không phá rừng; quản lý cưa xăng; thành lập các tổ liên ngành chốt chặn… Tuy nhiên, những giải pháp đã triển khai đều không hiệu quả, tình trạng phá rừng vẫn diễn ra thường xuyên và ngày càng phức tạp.
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang, trong tám tháng đầu năm nay, đã phát hiện hơn 30 vụ vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng. Trong đó, vụ việc nghiêm trọng nhất diễn ra trong tháng ba vừa qua, trong quá trình tuần tra, kiểm soát rừng tại các thôn: Lùng Thiềng, Hoàng Lỳ Pả, xã Minh Tân, lực lượng chức năng đã phát hiện bảy cây gỗ nghiến cổ thụ bị lâm tặc đốn hạ, khối lượng gỗ lên đến hơn 142 m3.
Theo nhận định của lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang, đối tượng trực tiếp phá rừng nghiến là người dân địa phương, sinh sống trong vùng lõi rừng đặc dụng Phong Quang. Mặc dù các ngành, các cấp đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thế nhưng do đời sống khó khăn, lợi nhuận từ việc chặt gỗ nghiến rồi cắt khúc dạng thớt đem bán rất cao nên tình trạng phá rừng không thuyên giảm. Bên cạnh đó, công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, Phó giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Phong Quang cho biết: “Trước đây, việc khoán và chi trả kinh phí cho công tác bảo vệ rừng được giao cho cộng đồng thôn. Hình thức này không hiệu quả, nguyên nhân là số tiền bảo vệ rừng được chia đều cho tất cả hộ dân trong thôn theo tính chất cào bằng. Do đó, trách nhiệm bảo vệ rừng của thôn, của từng hộ dân không cao”.
Từ thực tế đó, Ban Quản lý rừng đặc dụng Phong Quang đã thực hiện mô hình giao khoán bảo vệ rừng cho từng nhóm hộ ở từng thôn nằm trong khu vực rừng đặc dụng. Mô hình này được thực hiện thí điểm tại thôn Hoàng Lỳ Pả, xã Minh Tân, đây là một trong những thôn “nóng” về tình trạng khai thác gỗ nghiến trái phép. “Một thôn chỉ có một vài nhóm hộ sống gần bìa rừng. Khi giao khoán cho từng nhóm hộ, số tiền bảo vệ rừng các hộ nhận được tăng lên, trách nhiệm của từng hộ trong việc giữ rừng cũng được nâng lên một bước. Từ khi giao khoán cho nhóm hộ, tình trạng phá rừng ở thôn Hoàng Lỳ Pả giảm đáng kể”, ông Vàng Mí Sính, Bí thư kiêm Trưởng thôn Hoàng Lỳ Pả cho biết.
Từ mô hình giao khoán rừng cho các nhóm hộ ở Hoàng Lỳ Pả, Chi cục Kiểm lâm Hà Giang phối hợp Ban Quản lý rừng đặc dụng Phong Quang nhân rộng mô hình tới tất cả các thôn trong khu vực rừng đặc dụng. Cùng với đó là thực hiện việc gắn biển, đánh số từng cây gỗ nghiến để giao cho các nhóm hộ quản lý. Qua rà soát sơ bộ, rừng đặc dụng Phong Quang có khoảng 90 nghìn cây gỗ nghiến có đường kính từ 40 cm trở lên cần được gắn biển số và giao khoán.
Ông Bùi Văn Đông, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Giang cho biết: “Trước tiên, chúng tôi thành lập bốn tổ công tác tại năm thôn trọng điểm về phá rừng ở xã Minh Tân để thực hiện việc giao khoán, đồng thời đếm cây nghiến để đóng biển giao nhận cho các nhóm hộ quản lý. Những cây nghiến được gắn biển quản lý đều được xác định tọa độ, lập hồ sơ quản lý cụ thể”.
Cùng với việc triển khai các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cũng tăng cường hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Ban Quản lý rừng đặc dụng Phong Quang đang triển khai các giải pháp hỗ trợ cho người dân vùng đệm rừng đặc dụng. Theo đó, mỗi thôn được hỗ trợ 40 triệu đồng/năm và được giải ngân trên cơ sở nhu cầu thực tế của nhân dân.
Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Phong Quang cho biết: “Thôn có nhu cầu làm đường giao thông, xây trụ sở thì chúng tôi hỗ trợ xi-măng; thôn có nhu cầu hỗ trợ giống cây trồng thì chúng tôi cung ứng giống. Việc hỗ trợ cho người dân vùng đệm được thực hiện trên cơ sở nhu cầu thực tế của người dân, mục đích giúp người dân nâng cao đời sống, tích cực hỗ trợ lực lượng chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng”.