Ngư dân Thái Lan chờ đợi phản ứng của chính phủ đối với dự án đập Sanakham

BVR&MT – “Nước lên xuống rất nhanh vì không chảy một cách tự nhiên nữa… Dòng nước tác động rất lớn đến chúng tôi. Rất khó bắt được con cá nào và cá cũng không thể đẻ trứng”, Prayoon Saen-ae (62 tuổi, người đứng đầu một nhóm ngư dân địa phương ở Chiang Khan, miền bắc Thái Lan) cho biết.

Sông Mê Kông ở Chiang Khan, Thái Lan. (Ảnh: Ian Cook/Alamy)

Ủy hội sông Mê Kông (MRC) chính thức bắt đầu giai đoạn tham vấn trước kéo dài 6 tháng về đập Sanakham do Trung Quốc hậu thuẫn vào ngày 30/7. Các nhà hoạt động Thái Lan cũng đang chống lại dự án thủy điện chỉ cách biên giới nước này 2 km.

“Chúng tôi đã phản đối dự án Xayaburi, rất khó để phản đối vì dự án này nằm trên đất của Lào, không phải đất Thái Lan”, Prayoon Saen-ae chia sẻ, và rằng chỉ có các tổ chức NGO là đến nói chuyện với ông về đập Sanakham. Ông “hơi giận vì chúng tôi không thể làm gì với [chính phủ Thái Lan]. Khi chúng tôi phản đối đập Xayaburi, họ không thể giúp gì mà luôn viện ra những lời bào chữa”.

Nhóm công tác của Ủy ban hỗn hợp MRC từ chối các tài liệu cho bước tham vấn trước và gửi lại cho chính phủ Lào để rà soát với lý do thông tin “quá cũ” nhưng cả MRC và chính quyền Thái Lan đều không thể ngăn chặn con đập.

Channarong Wongla (50 tuổi, thuộc Nhóm Bảo tồn Rak Chiang Khan) cho biết: “Dân làng lo lắng về con đập này, nhưng không biết phải làm gì với nó. Chúng tôi trao đổi thông tin và thông báo cho dân làng thông qua ứng dụng nhắn tin Line và trên các nhóm Facebook”.

Việc Lào sử dụng sông Mê Kông và các dòng nhành để trở thành “cục pin châu Á” gây khó khăn cho việc quản lý các nguồn nước xuyên biên giới. Rất nhiều đập mới được đề xuất cho thượng nguồn Sanakham, bao gồm các dự án do Trung Quốc hậu thuẫn tại Pak Lay và Pak Beng, và đập Luang Prabang do Việt Nam cấp vốn. Trên dòng nhánh Nam Ou góp nguồn phù sa quan trọng cho dòng chính Mê Kông , Lào có một chuỗi gồm bảy dự án thủy điện đã được quy hoạch và hoàn thành mà gần như không bị giám sát về môi trường.

Báo chí và xã hội dân sự không có tiếng nói đáng kể ở Lào nên đặt các nhà hoạt động của Thái Lan vào thế độc tôn phải lên tiếng phản đối việc xây dựng đập Sanakham trị giá 2 tỷ USD.

“Mục tiêu chính là dừng dự án. Chúng tôi có kế hoạch giúp dân làng hiểu về luật, các quyền và tác động từ dự án đập”, theo Channarong Wongla.

Các tổ chức NGO Thái Lan như Save the Mekong và Mạng lưới người Thái thuộc 8 tỉnh Mê Kông liên tục chỉ trích đập Sanakham, viện dẫn những quan ngại về môi trường và khả năng lặp lại hạn hán năm 2019.

Không có bên mua, không có đập Sanakham

“Ai cần con đập? Ai thực sự cần nó? ” Pianporn Deetes thuộc NGO International Rivers hỏi. “Thái Lan không cần vì chúng tôi dư thừa nguồn cung điện. Vậy ai thực sự cần nó? Các công ty xây dựng? Các ngân hàng? Hay những người nắm quyền có thể thu lợi cá nhân?”.

Phà neo ở bờ sông Mê Kông ở Chiang Khan. (Ảnh: Eddie Gerald/Alamy)

Giống như Xayaburi, đập Sanakham sẽ cung cấp điện cho Thái Lan nhưng các nhóm đang gây sức ép buộc MRC phải di chuyển vị trí của đập cũng như yêu cầu Thái Lan từ chối mua điện khiến dự án kém khả thi hơn về mặt tài chính.

Pianporn Deetes nói: “Những gì tôi thấy trong thập kỷ vừa qua là hầu hết các dự án thủy điện được ngành xây dựng và các ngành liên quan thúc đẩy chứ không phải do nhu cầu thực sự về điện”.

Tình trạng dư thừa nguồn cung điện của Thái Lan càng trầm trọng do đại dịch Covid-19, Bộ Năng lượng thừa nhận nhu cầu năng lượng gần đây đã giảm xuống còn khoảng 40% tổng công suất.

Gần đây, Điện lực Thái Lan (EGAT) công bố kế hoạch phá bỏ các nhà máy cũ, thúc đẩy nông nghiệp sử dụng nhiều năng lượng và bán điện cho Myanmar.

“Bây giờ, chúng ta đang trong thời kỳ khủng hoảng sức khỏe, làm thế nào chúng ta sẽ biện minh cho việc mua thêm điện?” Suwit Kulapwong, đại diện Mạng lưới người Thái thuộc 8 tỉnh Mê Kông cho biết.

“Không nên xây đập Sanakham. Cộng đồng và xã hội dân sự đang hành động ở cấp quốc gia và khu vực để ngăn chặn dự án, nhấn mạnh rằng dự án này không cần thiết, rủi ro và tốn kém như thế nào”, Gary Lee thuộc International Rivers cho biết thêm rằng tỉnh Loei cũng chịu ảnh hưởng từ đập Xayaburi. “Các tác động gồm mực nước dao động nhanh chóng, gián đoạn phù sa và các chất dinh dưỡng quan trọng, do đó gây tác động lớn đến nguồn lợi thủy sản quan trọng đối với sinh kế và thu nhập của các cộng đồng”.

Đánh giá tác động của đập Sanakham trình lên MRC ít tham chiếu đến bất kỳ nghiên cứu nào trong thập kỷ trước và bị cáo buộc đạo ý tưởng từ dự án Pak Lay cách đó hơn 50 km – chỉ thay đổi tên của dự án. Tuy nhiên, MRC không có quyền phủ quyết việc xây dựng các đập của Lào và việc tham vấn trước vẫn chỉ mang tính chất tư vấn.

Quá trình tham vấn trước luôn gây tranh cãi khi các nhà phê bình cho rằng không mang lại lợi lộc gì và các cuộc thảo luận liên quan đến dự án thủy điện luôn được đóng khung quanh việc giảm nhẹ hơn là liệu dự án có nên tiếp tục hay không.

Tuy nhiên, Gary Lee chỉ ra rằng “việc bắt đầu quá trình tham vấn trước không có nghĩa là đập Sanakham sẽ được tiến hành. Ví dụ, các đập Pak Beng và Pak Lay đã hoàn thành quá trình tham vấn trước vào năm 2017 và 2019 nhưng vẫn chưa tiến triển gì thêm”. Cả hai con đập này vẫn chưa ký thỏa thuận mua bán điện với Thái Lan.

Hiệp định Mê Kông 1995, dựa trên quy trình tham vấn trước, liên quan đến thông báo cho các quốc gia để khuyến nghị và giảm thiểu mọi tác động xuyên biên giới có thể xảy ra. Điều này đã xảy ra với các đập Xayaburi, Don Sahong, Pak Beng, Pak Lay và Luang Prabang. Đối với Xayaburi, quá trình này thúc đẩy chính phủ Lào sửa đổi thiết kế con đập để giải quyết vấn đề chuyển tải phù sa và cá di cư.

Gary Lee cho hay: “MRC đã tiến hành hoặc ủy quyền nhiều nghiên cứu nhấn mạnh rằng các đập lớn trên dòng chính và dòng nhánh Mekong đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái, kinh tế và an ninh lương thực của Mekong, với các hộ nghèo bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, các dự án đã được tiến hành, hạ thấp hoặc bỏ qua những bằng chứng khoa học”.

Sông Mê Kông ở Chiang Khan, Thái Lan. (Ảnh: Engdao Wichitpunya/Alamy)
Sông Mê Kông ở Chiang Khan, Thái Lan. (Ảnh: Engdao Wichitpunya/Alamy)

Người ta cho rằng nhà phát triển đã xây dựng các con đường dẫn vào đập Sanakham.

“Tôi không nghĩ rằng [MRC] có chút xíu hữu ích nào. Chúng tôi thậm chí không cần đưa MRC vào thảo luận về việc hủy bỏ các dự án đập vì họ giống như cơ quan khuyến khích các dự án đập hơn”, theo Channarong Wongla.

Giới chức Thái Lan đang chuẩn bị để giảm thiểu tác động từ đập Sanakham, trong đó Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwon nhấn mạnh đến trầm tích, nghề cá và vận tải thủy.

Như MRC, chính phủ Thái Lan có rất ít quyền lực để ngăn chặn một con đập do Trung Quốc xây dựng ở Lào.

“Theo như tôi biết thì không thể dừng Sanakham vì dự án được xây dựng trên đất Lào. Họ có quyền làm như vậy”, nghị viên quốc hội Lertsak Pattanachaikul đại diện cho tỉnh Loei giải thích và cho biết thêm rằng không mấy ai ở Thái Lan cảnh giác về con đập và một nhóm tình nguyện viên địa phương làm việc với Cục Xúc tiến Chất lượng Môi trường khiến ông chú ý đến.

Lertsak đưa cảnh báo về đập Sanakham với chính phủ Thái Lan vào 23/7, gợi ý rằng EGAT nên từ chối mua điện từ đập này.

Các nhóm môi trường và chính phủ nhanh chóng chỉ ra ảnh hưởng từ con đập mới tới các dự án công. Khu vực Chiang Khan là điểm thu hút khách du lịch, người dân địa phương cũng như các doanh nghiệp lo lắng khu vực này sẽ bị ảnh hưởng.

Chiang Khan và cả tỉnh Loei phải đối mặt với các dự án quản lý nước gây tranh cãi khác, kể cả Kong-Loei-Chi-Mun, một dự án trị giá 75 tỷ USD đầy tham vọng nhằm chuyển nước từ sông Mê Kông để tưới tiêu cho 17 tỉnh. Các nhà hoạt động tuyên bố rằng đập Sanakham và sông Mê Kông đang khô cạn đặt dự án kéo dài 16 năm này vào vòng nguy hiểm.

Đã có những lời kêu gọi từ các nhà hoạt động và chính phủ nhằm giải quyết khả năng thiệt hại từ động đất do đập Sanakham. Sau một trận động đất nhẹ gần đây, Bộ Tài nguyên khoáng sản Thái Lan sẽ đánh giá Đứt gãy Loei vào năm 2022.

“Tôi đặc biệt lo lắng về vấn đề an toàn sau khi các con đập bị sập ở Lào. Chúng tôi biết rằng một công ty Thái Lan xây dựng đập Xayaburi nên đạt tiêu chuẩn”, nghị sĩ Lertsak Pattanachaikul cho hay. “Còn đập Sanakham là một dự án đầu tư của Trung Quốc và có thể sẽ được công ty Trung Quốc xây dựng. Tôi lo ngại về điều này”.

Sự tham gia của Trung Quốc vào dự án đập Sanakham và tài trợ cho các đập Pak Lay và Pak Beng – cũng như khoản tiền dành cho các dự án ở Lào – khiến các nhà hoạt động và chính phủ Thái Lan lo ngại.

Ở thượng nguồn, Trung Quốc có 12 con đập lớn trên sông Mê Kông (còn được gọi là Lan Thương) và các nghiên cứu gần đây của Eyes on Earth chỉ ra rằng Trung Quốc đang giữ lại lượng nước rất cần thiết với các nước hạ nguồn, làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán và căng thẳng xuyên biên giới ở sông Mê Kông. MRC và một nhóm chuyên gia về bác bỏ tuyên bố này nhưng tái khẳng định nhu cầu chia sẻ dữ liệu nhiều hơn từ Trung Quốc.

Brian Eyler thuộc Trung tâm Stimson cho biết: “Văn phòng Tài nguyên nước Thái Lan chỉ trích việc các đập mới trên dòng chính sông Mê Kông ở Lào, trong đó có Sanakham, tác động đến dòng chảy thủy văn cũng như dòng trầm tích và cá di cư xuống hạ nguồn. [Các đập ở thượng nguồn Trung Quốc] khiến chu kỳ thủy văn khá dễ dự đoán trước đây trở nên bất định và vì thế không hấp dẫn được những người ủng hộ tài chính tiềm năng cho các đập ở hạ nguồn”.

Cuối tháng 8, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thông báo nước này sẽ chia sẻ dữ liệu cả năm với các nước hạ nguồn Mê Kông để giảm bớt lo ngại nhưng chưa rõ dữ liệu có được lấy từ nhiều hơn hai địa điểm giám sát hiện đang được sử dụng hay không.

Cầu kính trên sông Mê Kông ở Phra Yai Phu Khok Ngio. (Ảnh: Aphirak Thila/Alamy)
Cầu kính trên sông Mê Kông ở Phra Yai Phu Khok Ngio. (Ảnh: Aphirak Thila/Alamy)

Theo Eyler, thủy điện không phải là ưu tiên hàng đầu của LMC nhưng cả hai dự án Cơ chế hợp tác Lan Thương – Mê Kông cùng Sáng kiến Vành đai và Con đường đều gây trở ngại cho các nhà hoạt động ở Thái Lan, trái ngược với Lào và Campuchia – nơi các khoản đầu tư của Trung Quốc hầu như không bị chỉ trích.

Năm nay các chiến dịch chống lại việc khai thác sông Mê Kông giành được một số thắng lợi, đáng chú ý nhất là Thái Lan hủy bỏ kế hoạch khơi luồng ở miền bắc để tăng cường thương mại. Tháng 3, Campuchia tạm hoãn 10 năm đối với các đập trên dòng chính sông Mê Kông do những nguy hiểm đối với hệ sinh thái của hồ Tonle Sap liên tục tăng.

Giai đoạn tham vấn trước kéo dài 6 tháng của đập Sanakham bắt đầu, các nhà hoạt động hy vọng chính phủ Thái Lan sẽ từ chối mua điện, giới chức nước này cũng nhấn mạnh vào các lựa chọn di chuyển vị trí con đập lên thượng nguồn hơn nữa.

“Không ai đến nói chuyện chính thức với chúng tôi về con đập. Chỉ có các tổ chức phi chính phủ địa phương. Không thấy bóng chính phủ hay nghị sĩ nào”, Prayoon nói trong tâm trạng chờ đợi xem Trung Quốc, Thái Lan và Lào sẽ xử lý thế nào về ngư dân và hệ sinh thái tại quê hương Mê Kông của ông. “Chúng tôi không có sức mạnh để chống lại con đập”.

Nhật Anh (Theo chinadialogue.net)