Nghi Sơn (Thanh Hóa): Đốt thực bì, hàng chục ha rừng thông bị thiêu trụi

BVR&MTNhiều ha rừng thông tại thôn Phượng Áng, xã Thanh Sơn, TX Nghi Sơn (Thanh Hóa) bị cháy trụi, do quá trình thực hiện phương án đốt thực bì không được đảm bảo.

Nhằm thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy rừng mùa hanh khô năm 2022- 2023. Hạt Kiểm lâm thị xã Nghi Sơn đã xây dựng phương án làm giảm vật liệu cháy, làm mới và tu sửa đường băng cản lửa kết hợp đường tuần tra và tác chiến chữa cháy rừng.

Theo phương án, trên địa bàn xã Thanh Sơn, diện tích rừng thông được phát dọn, làm giảm vật liệu cháy thuộc các lô từ lô 2 đến lô 13, khoảnh 3, tiểu khu 658 với diện tích 35 ha, được quy hoạch rừng sản xuất.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phương án, người dân đã phản đối khi BQL Rừng phòng hộ Nghi Sơn (chủ rừng) chưa thông báo tới người dân, đã tự ý cho lực lượng lên triển khai phát dọn, đốt thực bì, khiến nhiều diện tích rừng bị thiêu rụi, hàng nghìn cây thông bị đốn hạ.

Hiện trường khu rừng cháy trụi do đốt thực bì.

Được biết, vào thời điểm cuối tháng 2/2023, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nghi Sơn đưa công nhân lên rừng thông, dùng cưa máy phát quang, đốn hạ, đốt hàng loạt cây cối trên rừng. Trong quá trình đốt đã cháy lan sang diện tích cây của các hộ dân. Trước sự việc được cho là phá rừng, nhân dân trong thôn đã trực tiếp lên ngăn chặn và làm đơn kiến nghị lên chính quyền xã Thanh Sơn thì công nhân mới dừng lại.

Sau thời gian ngắn, nhân dân nhận được thông báo của chính quyền xã Thanh Sơn về việc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nghi Sơn tiếp tục phát dọn, đốt thực bì tại đây. Tuy nhiên, thực tế hàng loạt cây thông tiếp tục bị đốn hạ, thiêu trụi. Nhiều cây thông gỗ lớn còn lại cháy xém.

Một số người dân thôn Phượng Áng bức xúc: “Ngày xưa chúng tôi khổ lắm, không có cây củi nấu, lên rừng lấy ít nhánh thông khô về thì bị phạt tiền, xin không cho, mà bây giờ về họ phá rừng thế này. Chúng tôi cũng tự ý thức được việc bảo vệ rừng là rất quan trọng, đặc biệt cánh rừng thông này cũng đã có từ lâu đời, đã đem lại cho dân nhiều lợi thế về mặt môi trường. Chính vì thế từ bao thế hệ con ông chúng tôi lúc nào cũng một lòng giữ rừng không để ai xâm hại, đến nay họ về đốt, hạ nhiều cây thông ngã xuống mà thấy xót xa.”

Ông Vũ Duy Ngôn- Trưởng thôn Phượng Áng phàn nàn: “với mục đích phát tán phòng cháy, chữa cháy thì chúng tôi hoan nghênh, thôn luôn đồng tình ủng hộ, thế nhưng thực tế họ chặt, đốt hết chỉ lại một số cây thông già, khoảng cách 20-30m/cây”.

“Trước đây, theo chủ trương của Nhà nước về phủ xanh đồi trọc, bảo vệ hệ sinh thái nên khu rừng này được quy hoạch là rừng phòng hộ. Cũng nhờ khu rừng này tạo độ ẩm cho đồng đất và nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Vì vậy, đối với người dân thôn Phượng Áng khu rừng này rất quan trọng. Việc chặt phá như thế này sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của nhân dân trong thôn…” – ông Ngôn lo lắng.

Nhiều cây thông còn lại gốc bị cháy xem, lá đổi màu khó có khả năng phục hồi.

Tại hiện trường, theo ghi nhận của Phóng viên Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường www.baovemoitruong.vn, hàng chục ha rừng thông bị thiêu trụi, hàng trăm cây thông với kích thước lớn, nhỏ bị cưa, hạ, đốt cháy trơ trọi gốc. Nhiều gốc cây thông gỗ lớn bị cháy xém, lá đổi màu khó có khả năng phục hồi. Một số lô đã được trồng thay thế bằng cây keo, tràm…

Đáng chú ý, tại hiện trường có một số cây có đường kính khoảng 30-40cm đã bị đốn hạ, chỉ còn lại gốc và mùn cưa còn rất mới.

Trước vụ việc trên, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trần Phương- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nghi Sơn phân trần: “Việc thực hiện phương án làm giảm vật liệu cháy giao cho chủ rừng là Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nghi Sơn. Tuy nhiên, trong quá trình phát dọn, đốt thực bì các công nhân thực hiện không đúng theo phương án, khiến người dân bức xúc. Ngay sau đó, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nghi Sơn cũng ra văn bản tạm dừng thực hiện phương án”.

Nhiều cây có đường kính lớn bị xâm hại.

Ông Phương cho biết thêm: “Ngay đầu năm Hạt Kiểm lâm cũng đã xây dựng phương án trình Chi cục Kiểm lâm thẩm định, UBND thị xã Nghi Sơn phê duyệt phương án. Riêng địa bàn xã Thanh Sơn phương án là làm giảm vật liệu cháy. Quá trình làm giảm vật liệu cháy cũng đã làm việc UBND xã Thanh Sơn và ra thông báo đến thôn”.

Về phía Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nghi Sơn, ông Phan Xuân Phong, Phó Giám đốc BQL cho hay. “Việc đốt thực bì là phương án làm giảm vật liệu cháy, được triển khai thực hiện từ ngày cuối tháng 2/2023. Tổng diện tích đã thực hiện tại thôn Phượng Áng là 18ha. Trước khi thực hiện việc đốt thực bì, BQL đã có phương án đảm bảo an toàn theo phương án phê duyệt. Tuy nhiên, quá trình thực hiện không đảm bảo theo yêu cầu đề ra”.

Theo thông tin từ UBND xã Thanh Sơn, sau khi nhận được phản ánh của người dân về vụ việc, chính quyền xã cũng đã lập biên bản ghi nhận các ý kiến có liên quan.

Tại biên bản, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nghi Sơn cũng thừa nhận thiếu sót khi chưa thực hiện thông báo về việc triển khai kế hoạch phát dọn thực bì tới nhân dân trong thôn và sẽ hỗ trợ các hộ có cây trồng trên đất rừng nếu bị thiệt hại.

Trong quá trình thực hiện phương án, Hạt Kiểm lâm Nghi Sơn, Ban Quản lý Rừng phòng hộ sẽ thông báo đến UBND xã Thanh Sơn và thôn Phượng Áng kiểm tra, giám sát việc thu gom thực bì, đốt không làm ảnh hưởng đến môi trường sống, tránh làm thiệt hại tới người dân.


Thức Bá