BVR&MT – Về thôn Yên Trường, xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), giữa những ngôi nhà khang trang, hiện đại, ai nấy đều ngỡ ngàng, thích thú khi được ngắm nhìn ngôi nhà cổ kính với hàng rào ô rô xanh mướt, rất đẹp mắt. Đó là “giang sơn” của ông Trịnh Nhân Kỳ (87 tuổi) – “nghệ nhân” của bờ rào, bờ giậu, cũng là người góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường thôn Yên Trường.
Hàng rào làm từ ô rô của nhà ông Trịnh Nhân Kỳ được coi là một “tác phẩm nghệ thuật” ấn tượng trong thời điểm đô thị hóa diễn ra mạnh, cây xanh hiếm dần, những bờ tường bằng cây tự nhiên dường như đã biến mất. Được biết, ông Kỳ đã nhen nhóm ý tưởng thực hiện tác phẩm trên từ đầu những năm 90. “Năm 1992, tôi bắt đầu làm hàng rào đó với mục đích đảm bảo an toàn cho trẻ con trước ao làng. Tôi ra đình, đo đạc kích cỡ cổng đình cẩn thận. Đây là bản chính của tường rào ô rô nhà tôi”, ông Kỳ nhớ lại. Ngoài ra, ông Kỳ cho biết, nhà ông có vị trí khá đẹp khi phía trước là ao làng rộng lớn, việc làm hàng rào ô rô sẽ là một điểm nhấn thú vị cho bức tranh làng quê mộc mạc.
Chia sẻ về lý do lựa chọn ô rô là “chất liệu” cho “tác phẩm nghệ thuật”, ông Trịnh Nhân Kỳ cho biết: “Giống ô rô này rất khó trồng. Nhưng nếu trồng được thì đẹp lắm, bởi cây này chắc khỏe, lại có gai, trộm không cách nào vượt qua tường ô rô được”.
Do ô rô là giống cây khó trồng, nên người trồng phải có sự kiên nhẫn, bền chí. Một người hàng xóm của ông Kỳ chia sẻ, không biết “nghệ nhân” kia đã phải phá đi – trồng lại bao nhiêu cây ô rô trước khi có tác phẩm chất lượng như bây giờ. Hàng xóm không biết, mà chính bản thân ông Kỳ cũng không biết mình đã bỏ ra bao nhiêu công, cắt mòn bao nhiêu cái kéo cho tác phẩm này. Chỉ biết khi đã làm, ông sẽ cố gắng đến cùng. “Từ lúc trồng đến lúc hoàn thành xong xuôi là 8 năm. Cứ 7 ngày tôi lại phải cắt tỉa một lần, không nó sẽ thành cây hoang dại”, ông Kỳ cho hay.
Sau bao nỗ lực, mồ hôi, cuối cùng tác phẩm đã được “trình làng” trong niềm hân hoan của gia đình ông Kỳ và sự trầm trồ thán phục của bà con láng giềng. Tường rào, cổng nhà được bao phủ bởi sắc xanh của ô rô. Ấn tượng nhất là cấu trúc tường rào được thiết kế theo kiểu truyền thống, có mái vòm cổ xưa. Đây là một nét đẹp thân quen của làng quê Việt. “Trồng cây này, nếu không kiên nhẫn thì không thể trồng nổi. Khi trồng được rồi, tôi vô cùng tự hào. Người ta bảo cả huyện Chương Mỹ không đâu có tường rào ô rô như nhà ông Kỳ. Tường rào này trước nhất là làm đẹp cho nhà tôi, sau là làm đẹp cho làng, xã, huyện, cho xã hội”, ông Kỳ vui vẻ tâm sự. Nhận được nhiều lời khen, lời ngưỡng mộ nhưng ông Kỳ lại cho rằng những gì mình làm chỉ là việc “ai cũng làm được”. “Những lời khen đó tôi không dám nhận. Tường ô rô của nhà tôi cũng chỉ là một rặng cây bình thường, ai cũng có thể trồng”, ông Kỳ nói.
Hiện nay, dù đã ở tuổi bát tuần nhưng ông Trịnh Nhân Kỳ vẫn nhanh nhẹn, ngày ngày chịu khó chăm sóc cho tường ô rô. Ông bảo, vào mùa hè, cứ vài ngày là ông lại cắt tỉa tường ô rô một lần, các mùa khác thì khoảng chục ngày một lần. 30 năm qua, ông Kỳ đã không ngừng vun vén, tạo hình cho tác phẩm của mình. Không chỉ vậy, trong khu sân gạch trước ngôi nhà cổ của gia đình, ông còn trồng nhiều cây xanh. Mỗi khi có khách đến nhà, ông nhiệt tình mời họ đi tham qua tường ô rô, ngắm nhìn những cành lan khoe sắc, hay lặng ngắm những cây tùng đậm chất phong trần, sương gió, rồi cùng ông uống chén trà, nói chuyện trồng cây xanh. Ông hay khuyên mọi người trồng cây xanh, vừa giúp không khí trong lành, vừa làm đẹp môi trường.
Sự hiện diện của tường rào ô rô – “tác phẩm nghệ thuật” do ông Trịnh Nhân Kỳ miệt mài tạo ra đã góp phần làm đẹp cảnh quan thôn Yên Trường, đồng thời lưu dấu nét đặc trưng của làng quê Bắc Bộ, gợi thương nhớ trong miền ký ức của nhiều người bên những bờ rào, bờ giậu. Qua bức tường rào ô rô, qua mỗi câu chuyện về cây xanh mà bản thân đề cập trong những lần tiếp khách, ông Trịnh Nhân Kỳ như muốn nhắc nhở mọi người hãy yêu, bảo vệ cây xanh, điểm tô những “gam màu thiên nhiên” cho không gian sống.
Thực hiện: Trà Giang – Hồng Nhung