BVR&MT – Sau đợt biến động về giá cả trong ngành chăn nuôi vào cuối năm 2017, hiện nay việc tái đàn đang được các trang trại tiến hành khẩn trương để phục vụ mùa lễ hội.
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết hiện nay cơ bản số lượng gia súc, gia cầm biến động không lớn so với cuối 2017.
Cuối 2017, đàn lợn có 27,4 triệu con, sau Tết giảm khoảng 5-6 triệu con. Hiện, các trang trại đang vào đàn nhanh, tái đàn tốt. Giá lợn giống tốt 700.000-750.000, hầu hết tăng ở các khu vực. Hiện nay, nhu cầu lợn giống tăng cao để tái đàn. Quý I, ổn định khoảng 27 triệu con, tại một số địa phương, có một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ngừng hoạt động. chỉ giảm số hộ nhỏ nên ko ảnh hưởng đến tổng đàn, chỉ giảm hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, còn các trang trại vẫn phát triển.
Còn về gia cầm, trước và sau Tết giá ổn định, ở mức có lợi cho người sản xuất, giá gà ta khoảng 140.000-145.000, trong tết vào khoảng 110.000-125.000, gà lông màu 70.000-80.000. “Nói chung, sản lượng và số lượng gia cầm vẫn ổn định, đến nay đàn gia cầm cũng chỉ biến động quanh khoảng 300 triệu con. Hiện các trang trại đang tái đàn nhanh phục vụ mùa lễ hội”, ông Vân thông tin.
Thông tin từ Cục Chăn nuôi cũng cho biết hiện nay, đàn bò sữa khá ổn định, các doanh nghiệp lớn nâng cao số lượng đầu con, phấn đấu đạt 300.000 con trong năm nay. Đàn bò thịt tăng nhẹ lên khoảng 5,4 triệu con. Hiện một số đơn vị đang cho sinh sản và nhập khẩu thêm. Đặc biệt, bò sống nhập từ Australia tăng mạnh, khoảng 30%.
Đặc biệt, theo nhìn nhận của lãnh đạo Cục Chăn nuôi, hiện nay đang có sự chuyển biến trong tái cơ cấu sản phẩm. “Trước hết là ngành hàng thịt lợn có nhiều doanh nghiệp lớn như Massan, Dabaco, CP… đang thúc đẩy xuất khẩu thịt lợn. Các doanh nghiệp này đang tái cơ cấu theo chuỗi, xây dựng vùng an toàn dịch, gắn với hệ thống giết mổ hiện đại phục vụ trong nước và xuất khẩu. Hầu hết các doanh nghiệp lớn đều tập trung giảm giá thành sản phẩm, việc này mọi năm chúng tôi kêu gọi nhiều, nhưng có doanh nghiệp làm có doanh nghiệp không, nhưng năm nay các doanh nghiệp đều làm hết”, ông Vân chia sẻ.
Trong năm 2018, Cục Chăn nuôi tiếp tục xác định các vùng chăn nuôi có lợi thế, biến lợi thế thành thời cơ.
Cục trưởng Hoàng Thanh Vân cho biết: “Cụ thể như các tỉnh miền núi phía bắc sẽ định hướng sản xuất các loại đại gia súc gắn với trồng cây thức ăn xanh, dươc liệu. Miền trung hiện đang khó khăn nguồn nước nhưng có thể nuôi một số loại như cừu lai, dê… Nam Trung Bộ có thể phát triển nuôi đà điểu. Còn ở miền Nam, ven biển từ Cà Mau – Kiên Giang đã nuôi thành công vịt biển, tới đây sẽ phát triển mạnh hơn, ĐBSCL tập trung chăn nuôi lợn, gia cầm… từ những định hướng đó sẽ hình thành các vùng sản xuất chăn nuôi lớn”.