BVR&MT – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các ý kiến phát biểu tại Hội nghị tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam là nguồn thông tin tin cậy để Chính phủ xây dựng những chính sách mới, nâng tầm hợp tác ĐTNN thời gian tới.
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị – Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tại Hội nghị, sau khi nghe Báo cáo đánh giá tổng kết 30 năm thu hút và quản lý ĐTNN của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các hiệp hội doanh nghiệp, công ty tư vấn quốc tế đã nêu nhiều ý kiến tham luận thẳng thắn, tâm huyết đánh giá về môi trường đầu tư, cơ hội và tiềm năng đầu tư, những hạn chế, tồn tại, các thách thức, tận dụng cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0, những khuyến nghị chính sách thu hút đầu tư hết sức sâu sắc.
Đại diện TP. Hà Nội, tỉnh Bình Dương cũng nêu ra các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư mang tính liên vùng, tạo sự lan toả phát triển; giải pháp thu hút đầu tư gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững.
Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị là nguồn thông tin tin cậy để Bộ KHĐT tiếp thu hoàn chỉnh Đề án tổng kết 30 năm thu hút ĐTNN và để Chính phủ xây dựng những chính sách mới, nâng tầm hợp tác ĐTNN thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh.
ĐTNN đồng hành, lớn lên cùng Việt Nam
Thủ tướng khẳng định, tổng kết 30 năm qua cho thấy, việc mở cửa thu hút vốn ĐTNN là một chủ trương đúng đắn, đã góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội quan trọng của đất nước.
Sự nghiệp Đổi mới bắt đầu 1986, thì đến tháng 12/1987 Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài. Có thể nói, thu hút ĐTNN luôn “song hành” với sự nghiệp Đổi mới và là sự cụ thể hóa sinh động chủ trương “mở cửa” của đất nước.
Khu vực kinh tế có vốn ĐTNN đã trở thành một bộ phận không tách rời của nền kinh tế Việt Nam. Đến nay, đã có hơn 26.500 dự án ĐTNN đến từ 129 quốc gia và vùng lãnh thổ, cam kết đầu tư trên 334 tỷ USD vào Việt Nam.
Đến năm 2017, khu vực ĐTNN chiếm gần 20% GDP; đóng góp 23,7% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp; 70% kim ngạch xuất khẩu; sử dụng gần 4 triệu việc làm trực tiếp và 5-6 triệu việc làm gián tiếp.
Thủ tướng trao Bằng khen cho các cá nhân và tập thể đóng góp trong quá trình xúc tiến phát triển FDI – Ảnh: VGP/Quang Hiếu
|
Vui mừng về những thành tựu to lớn của ĐTNN, Thủ tướng cho rằng, cũng cần nhìn thẳng vào những hạn chế tồn tại, cả những thua thiệt trong thu hút ĐTNN. Các doanh nghiệp ĐTNN về cơ bản đang sử dụng công nghệ trung bình hoặc trung bình tiên tiến so với khu vực. Chưa có nhiều tập đoàn đa quốc gia trong các lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn.
Liên kết giữa khu vực ĐTNN và khu vực trong nước và chuyển giao công nghệ chưa đạt như kỳ vọng, chủ yếu là gia công lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành thấp, giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm không cao. Một số dự án ĐTNN tiêu tốn năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; còn có biểu hiện báo lỗ – chuyển giá; đầu tư chui…
Các nhà đầu tư nước ngoài mang vốn, công nghệ vào nước ta nhìn chung là rất quý, nhưng có tranh thủ được nguồn lực này cho phát triển, nâng cao quốc lực của đất nước là trách nhiệm của chúng ta, Thủ tướng nêu rõ và khẳng định, khu vực ĐTNN là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam và đang đồng hành cùng lớn lên với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Các doanh nghiệp có vốn ĐTNN là những thành viên tích cực trong đại gia đình các doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam tự tin và tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương hợp tác ĐTNN.
Nêu rõ quan điểm Việt Nam đối với ĐTNN, Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam khẳng định nhất quán khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài luôn là một bộ quan trọng của nền kinh tế. Sau 30 năm thu hút ĐTNN, nay Việt Nam thực hiện chính sách “hợp tác ĐTNN” với nội hàm mở rộng hơn.
Hợp tác ĐTNN là hợp tác cả về quản lý, kết nối, đầu tư mua lại, sáp nhập lẫn nhau, đặc biệt hợp tác bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động, bảo đảm các lợi ích xã hội. Hợp tác ĐTNN là mang tính chủ động, có sự bình đẳng, lựa chọn, không phải nhà đầu tư nước ngoài mang gì vào ta chấp nhận nấy và điều quan trọng là có lựa chọn, dần thoát khỏi gia công, lắp ráp đơn thuần, nâng tầm trình độ sản xuất, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia.
Xuất phát từ thực tiễn của đất nước, chúng ta tiếp tục thu hút vốn ĐTNN để giải quyết lao động, việc làm ở các vùng nông thôn, miền núi. Còn khu vực thành phố phát triển, thị xã thì ưu tiên thu hút đầu tư kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao… Đây là quan điểm nhân văn của phát triển bền vững, bao trùm, chia sẻ thành quả phát triển với mọi người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các nhà đầu tư – Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Sẽ có chính sách mới về ĐTNN
Tại Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương tập trung làm cho được điều mà các nhà đầu tư luôn cần là: Giữ vững ổn định chính trị xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là điều không dễ, đòi hỏi phải thống nhất tư tưởng, nhận thức về hợp tác ĐTNN và triển khai đồng bộ, sáng tạo các biện pháp về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại.
Hoàn thiện khung pháp luật liên quan đến đầu tư, trong đó có thực hiện chủ trương hợp tác ĐTNN có ưu tiên, chọn lọc gắn với mục tiêu nâng tầm trình độ nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế tự chủ.
Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp ĐTNN trong các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghiệp hỗ trợ….
Từ tư duy thụ động, bị nhà ĐTNN vào “mua”, nay chuyển sang các doanh nghiệp trong nước có thể chủ động “mua” lại các doanh nghiệp ĐTNN tại Việt Nam để tiếp thu thị trường, kênh phân phối, làm chủ công nghệ, quản lý và phát triển các sản phẩm quốc gia.
Hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên nguyên tắc gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo doanh nghiệp ĐTNN thực hiện đúng cam kết đầu tư, tuân thủ đúng tiêu chí, điều kiện hưởng ưu đãi.
Tạo cơ chế kết nối các hoạt động xúc tiến về đầu tư, thương mại, du lịch nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, hoàn thiện cơ chế phân công, phân cấp quản lý nhà nước về ĐTNN giữa các cơ quan trung ương và địa phương.
Trên cơ sở các quan điểm, nhiệm vụ nêu trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần rà soát và hoàn thiện, bổ sung các cơ chế, chính sách, giải pháp trong lĩnh vực quản lý của mình. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện báo cáo Tổng kết 30 năm thu hút ĐTNN, trình Chính phủ, báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Chương trình hành động cụ thể để thực hiện tốt hơn nữa công tác thu hút ĐTNN.
Thủ tướng thăm gian hàng của các doanh nghiệp ĐTNN – Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Nhân dịp này, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn, đánh giá cao các nhà ĐTNN đã tin tưởng Việt Nam, lựa chọn Việt Nam và đã đồng hành, lớn lên cùng Việt Nam. “Các bạn đã cùng chúng tôi vượt qua khó khăn và đóng góp thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển của Việt Nam trong suốt chặng đường 30 năm qua”.
Chính phủ Việt Nam nhất quán và cam kết tiếp tục thực hiện chủ trương, chính sách hợp tác ĐTNN và cam kết xây dựng môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, mang tính cạnh tranh, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế tiên tiến và phù hợp với các cam kết tiêu chuẩn cao trong các Hiệp định FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Chính phủ luôn lắng nghe và luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư để hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển bền vững. Sự thành công của các bạn tại Việt Nam cũng chính là thành công, niềm tự hào của chúng tôi, Thủ tướng khẳng định.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao các phần thưởng cao quý của Nhà nước cho các cơ quan, tập thể, cá nhân, các doanh nghiệp FDI có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.
Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng, các địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư đã trao các văn kiện hợp tác đầu tư.