BVR&MT – Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của nước ta trong những tháng gần đây liên tục tăng. Trong 10 ngày đầu của tháng 2/2023, giá gạo xuất khẩu tăng 15 USD/tấn so với cuối tháng 12/2022. Nâng cao chất lượng để giữ giá cao là cơ hội để kim ngạch xuất khẩu gạo cả năm 2023 đạt mức kỳ vọng gần 4 tỷ USD.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2023 cả nước xuất khẩu 359.310 tấn gạo, đạt 186,6 triệu USD, giá trung bình 519,3 USD/tấn, giảm 17,3% về lượng và giảm 15,3% kim ngạch, nhưng giá tăng nhẹ 2,5% so với tháng 12/2022; so với tháng 1/2022 cũng giảm 29% về lượng, giảm 24,2% kim ngạch nhưng tăng 6,8% về giá. Về thị trường tiêu thụ, trong tháng 1, Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam với 129,32 triệu tấn, tương đương 64,55 triệu USD, giá trung bình 499,2 USD/tấn (tăng 4,7% so với tháng 12/2022).
Tiếp theo là thị trường Indonesia, đạt 85.925 tấn, tương đương 40,93 triệu USD, giá trung bình 476,4 USD/tấn. Thị trường Trung Quốc đứng thứ 3, đạt 47.424 tấn, tương đương 28,39 triệu USD, giá 598,6 USD/tấn (tăng 8% so với tháng 12/2022). Như vậy, mặc dù sản lượng gạo xuất khẩu trong tháng 1/2023 có sự sụt giảm nhưng giá gạo tại các thị trường đều ghi nhận tăng so với tháng 12/2022 và so với cùng kỳ năm 2022. Do đó, giá lúa gạo trong nước cũng được đẩy lên, tăng lợi nhuận cho người trồng lúa.
Thời gian tới, dự báo giá gạo Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao khi nhu cầu lương thực trên thế giới vẫn có xu hướng tăng. Vấn đề đặt ra là cần tiếp tục nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu để giữ vững thị trường truyền thống và mở rộng sang các thị trường mới, nhất là trong điều kiện yêu cầu về chất lượng gạo của các quốc gia nhập khẩu ngày càng cao.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho nên sản lượng và chất lượng lúa đều được nâng cao. Mặc dù diện tích sản xuất lúa tại đồng bằng sông Cửu Long hiện đã giảm xuống còn 3,8-3,9 triệu ha nhưng giá trị lại tăng. Nguyên nhân là do các giống lúa chất lượng cao, đặc sản được trồng ngày càng nhiều, nâng tỷ lệ gạo chất lượng cao đạt gần 50%.
Năm 2023, theo kế hoạch, đồng bằng sông Cửu Long vẫn duy trì diện tích khoảng 3,9 triệu ha, sản lượng 24 triệu tấn lúa. Ðồng thời, tiếp tục áp dụng các ứng dụng khoa học kỹ thuật với ưu tiên hàng đầu là giảm khối lượng giống gieo sạ. Hiện nay đã giảm từ 150 kg/ha xuống còn 120 kg/ha, thậm chí nhiều nơi giảm thấp hơn, còn dưới 100 kg/ha. Về cơ cấu giống, ưu tiên các giống lúa ngắn ngày chất lượng cao, giống lúa thơm phù hợp với yêu cầu của thị trường. Ðây cũng là điều kiện quan trọng để tăng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng gạo, việc áp dụng cơ giới hóa trên đồng ruộng cũng cần được quan tâm. Thực tế, thời gian qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã phối hợp với một số địa phương triển khai mô hình “Mặt ruộng không dấu chân”. Ðây là mô hình cải tiến quy trình sản xuất nhằm tiết giảm lượng giống sử dụng (giảm 30%), lượng phân và thuốc sử dụng giảm 20% thông qua việc đồng bộ cơ giới hóa. Khi triển khai, nông dân sẽ được đào tạo toàn bộ quy trình giúp giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên đồng ruộng nhưng vẫn bảo đảm năng suất, đồng thời nâng cao chất lượng nông sản đầu ra cho nên rất thuận lợi trong khâu tiêu thụ và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.
Liên quan đến vấn đề nâng cao chất lượng gạo, Tổng Giám đốc Công ty CP Ðầu tư Green Stars Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Công ty chuyên sản xuất các sản phẩm phân bón hữu cơ và các sản phẩm sinh học, xây dựng quy trình cho từng nhóm cây trồng. Trong thời gian qua, công ty đã phối hợp với cơ quan quản lý ngành nông nghiệp một số địa phương triển khai vùng sản xuất lúa an toàn không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả tại các tỉnh khác nhau và các vụ canh tác khác nhau thì chi phí đầu tư của nông dân bình quân giảm từ 10-15% và bình quân lợi nhuận tăng từ 8-10%.
Những hướng đi này cũng là xu hướng chung, phù hợp với mục tiêu đặt ra trong Ðề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030, cụ thể đến năm 2030, tỷ lệ diện tích gieo trồng sử dụng hạt giống xác nhận hơn 90%; sử dụng giống chất lượng cao 80%, giảm lượng giống gieo sạ (bình quân còn 80 kg/ha) hơn 80%; ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến và quy trình thực hành sản xuất tốt (VietGAP và tương đương, canh tác lúa thông minh với biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cơ,…) khoảng 70%; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số khoảng 20%. Giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học dùng trong sản xuất lúa 40%.