Nam Định nỗ lực triển khai các biện pháp ứng phó với ngập, úng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3

BVR&MT – Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 nên lưu lượng nước từ trên thượng nguồn chảy về rất lớn khiến mực nước sống Đào, sông Đáy đoạn qua tỉnh Nam Định dâng cao đã ở mức báo động. Các địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp trên địa bàn tỉnh Nam Định đã có các biện pháp cụ thể, triển khai nhanh trong để ứng phó với các diễn biến thời tiết xấu gây ra.

Sáng 10/9, UBND tỉnh Nam Định và TP Nam Định đã họp bàn giải pháp ứng phó với tình trạng ngập, úng do mưa lớn kéo dài vì ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão số 3.

Theo báo cáo nhanh tại cuộc họp, đêm 9/9, rạng sáng 10/9, trên địa bàn tỉnh Nam Định có mưa lớn kéo dài. Lượng mưa đo được từ 22h ngày 9/9 đến 7h ngày 10/9 khoảng 270mm.

Dự báo trong một vài ngày tới, trên địa bàn tỉnh Nam Định còn có mưa lớn với lượng mưa khoảng 200-270mm. Mưa lớn kéo dài cùng với các hồ thủy điện xả lũ làm mực nước trên các sông dâng cao…

Mực nước sông Đào đoạn qua huyện Vụ Bản

Tại huyện Vụ Bản, UBND huyện đã ban hành lệnh Báo động lũ cấp 3 trên sông Đào ngày 10/09. Theo đó UBND huyện Vụ Bản yêu cầu UBND, Ban chỉ huy PCTT và TKCN các xã Thành Lợi, Đại Thắng tiếp tục thực hiện nghiêm túc các lệnh báo động lũ; trong đó, tăng cường kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đi qua các khu vực nguy hiểm, các trọng điểm xung yếu, nhất là các tuyến đường, các công trình đê điều và các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, sập đổ các công trình bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Chủ động ứng trực, sẵn sang triển khai kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm an toàn về người, giảm thiệt hại về tài sản, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ,…

Tổ chức lực lượng tuần tra, giữ an toàn đê điều và an ninh trật tự, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của UBND huyện cùng sự đồng long giúp sức từ người dân, ngay trong chiều tối ngày 10/09 UBND xã Thành Lợi, Đại Thắng và các đơn vị chức năng cùng người dân ra cố đê tả sông Đào đoạn qua địa bàn xã và chủ động di dời các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ ngập lụt cao nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân.

Tại huyện Ý Yên, trong ngày 10/9, một số điểm trên các tuyến đê trên đã xảy ra sự cố; trong đó, bờ bao sản xuất ở các thôn Ninh Mật, Ngô Xá (xã Hồng Quang, huyện Ý Yên, Nam Định) xảy ra tràn cục bộ khoảng 200m.

Chính quyền xã Hồng Quang đã thông báo và thực hiện di dời 326 hộ với 1.450 người dân cùng tài sản vùng ngoài đê, trong bờ bao sản xuất vào trong đê đến Trạm y tế xã và Nhà văn hóa thôn Ninh Mật.

Bờ bao sản xuất thôn Trại Mễ (xã Yên Khang, huyện Ý Yên, Nam Định) có nguy cơ xảy ra tràn đoạn dài khoảng 200m. Chính quyền xã Yên Khang đã thực hiện di dời 116 hộ với 382 người dân cùng tài sản vùng ngoài đê, trong bờ bao vào trong đê đến Nhà văn hóa thôn Mễ Thượng, Nhà văn hóa thôn Uy Nam.

Chính quyền xã Yên Phúc cũng đã thông báo, tuyên truyền 60 hộ với 240 người cùng tài sản di chuyển đến nơi an toàn do bờ bao sản xuất thôn An Thành (xã Yên Phúc, huyện Ý Yên, Nam Định) có nguy cơ xảy ra tràn tại một số vị trí với chiều dài khoảng 50m.

Người dân tại huyện Ý Yên di chuyển tài sản đến nơi an toàn

Tại huyện Nam Trực, do lũ trên các sông Hồng, sông Đào dâng cao, huyện đã thực hiện di dời 100 người dân vào điểm trú ẩn an toàn; sẵn sàng phương án di dời khoảng 600 người dân tại các vùng đê bối.

Tại TP Nam Định, trong đêm 9/9, lực lượng chức năng đã di dời các hộ dân sinh sống trên các tầng 2, 3 khu nhà ở nguy hiểm trên đường Hoàng Văn Thụ về nơi an toàn.

Riêng xã Mỹ Tân, TP Nam Định, lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo TP Nam Định đã trực tiếp về họp bàn và xây dựng kịch bản, phương án theo từng cấp độ để đảm bảo an toàn cho người dân ở xã này. Dự kiến di dời 6.000 dân đang sinh sống tại vùng bối xã Mỹ Tân khi có tình huống khẩn cấp; kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại Trạm bơm Quán Chuột; đồng thời chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải, lực lượng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) tổ chức thông tuyến nút giao hầm chui Quốc lộ 10 để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.

Tại huyện Trực Ninh đã gia cố các điểm bối có nguy cơ tràn bằng bao tải cát và di chuyển 400 hộ dân với 1.200 nhân khẩu đến nơi an toàn, những hộ còn lại đều sống trong nhà kiên cố. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, cần tổ chức di dời 100% người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, kể cả những hộ có nhà kiên cố, sẵn sàng cưỡng chế di dời nếu cần thiết. Bên cạnh đó, phải chuẩn bị đầy đủ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, thuốc men cho người dân tại nơi tránh trú.

Vũ Trà