Nam Định chủ động các biện pháp ứng phó với siêu bão Yagi

BVR&MT – Ngày 05/09, cơn bão số 3 mang tên Yagi đã mạnh lên thành siêu bão sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17.  Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã có công điện Công điện số 23/CĐ- UBND ngày 03 tháng 09 năm 2024 về việc triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3.

Cập nhật mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 5.9, vị trí tâm siêu bão số 3 ở vào khoảng 19,2 độ vĩ bắc; 115,2 độ kinh đông, trên vùng biển phía bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 460km về phía đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng tây, tốc độ khoảng 10km/h.

Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ 10 – 15km/h. Đến 13 giờ ngày 6.9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,9 độ vĩ bắc – 111,8 độ kinh đông; trên vùng biển phía đông bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách Quảng Ninh khoảng 510km về phía đông đông nam.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17.

Dự báo trong 48 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ 20km/h. Đến 13 giờ ngày 7.9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,9 độ vĩ bắc – 107,4 độ kinh đông; trên vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh đến Nam Định.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15.

Dự báo trong 72 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ 20km/h và suy yếu dần thành vùng áp thấp. Đến 13 giờ ngày 8.9, vị trí tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,9 độ vĩ bắc – 103 độ kinh đông; trên khu vực phía Tây Bắc Bộ.

Về tác động của bão số 3, trên biển, khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 11-14, vùng gần tâm siêu bão đi qua cấp 15-16, giật trên cấp 17; biển động dữ dội. Sóng biển cao 7 – 9m, vùng gần tâm siêu bão 10 – 12m.

Từ khoảng trưa ngày 6.9, vùng biển phía đông của vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ) có gió mạnh dần lên cấp 6-7. Từ đêm 6.9, khu vực Vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 17; biển động dữ dội. Sóng cao 2 – 4m, sau tăng lên 3 – 5m, vùng gần tâm bão đi qua 6 – 8m.

Trên đất liền, từ gần sáng ngày 7.9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11. Sóng cao 2 – 3m, sau tăng lên 2 – 4m, vùng gần tâm bão 3 – 5m.

Khu vực ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,5m (Thanh Hóa) – 1,8m (Quảng Ninh) vào chiều và đêm ngày 7.9 và hiện tượng nước rút do bão từ 0,5m (Thanh Hóa) – 1m (Quảng Ninh) vào sáng ngày 7.9.

Để chủ động phòng chống bão, trước đó ngày 03/09, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã có công điện Công điện số 23/CĐ- UBND về việc triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3; thành lập Đoàn công tác kiểm tra hệ thống đê biển và các trọng điểm xung yếu phòng chống thiên tai.

Các cấp, ngành, các địa phương tập trung rà soát hiện trạng toàn bộ hệ thống đê, kè, cống trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, rà soát các phương án bảo vệ 38 trọng điểm xung yếu; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra. Các khu vực vùng bối, bãi tổ chức rà soát phương án sơ tán dân theo quy định nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Với tinh thần chủ động ứng phó, quyết tâm không để bị động, bất ngờ, tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến bão số 3. Thông báo cho các chủ phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng đi của bão số 3 để chủ động tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Theo dự báo về diễn biến của bão và căn cứ vào tình hình thực tế, dự kiến tỉnh Nam Định sẽ cấm biển vào ngày 6/9/2024.

Chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các huyện ven biển kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn các tàu, thuyền vào nơi tránh, trú an toàn, sắp xếp không để xảy ra va chạm và chìm tàu tại nơi neo đậu. Di dời số lao động tại khu vực nuôi thủy sản ven biển và trên các lều, chòi về nơi an toàn.

Hướng dẫn nông dân thu hoạch diện tích rau, màu, thủy sản đến kỳ thu hoạch, nhất là khu vực cửa sông, ven biển, vùng trũng, thấp. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản, nhà xưởng trong các khu, cụm công nghiệp. Triệt để tiêu nước, vận hành các trạm bơm tiêu khi có yêu cầu…

Tỉnh Nam Định hiện có 1.714 phương tiện tàu, thuyền với 5.287 ngư dân. Đến 10 giờ ngày 4/9, toàn bộ tàu, thuyền của tỉnh đã nhận được thông tin; số người trên các lều, chòi trông coi đầm bãi đã nhận được thông báo về diễn biến, hướng đi của bão từ các đơn vị, địa phương và đang trên đường vào bờ.

Tại các bến, bãi, cảng cá neo đậu tàu, thuyền của tỉnh Nam Định hiện có 1.797 phương tiện với 5.533 ngư dân vào neo đậu, tránh trú. Toàn tỉnh có 535km đê, trong đó có hơn 279km đê sông, hơn 39km đê cửa sông, hơn 75km đê biển. Trên các tuyến đê biển của tỉnh không có công trình đang thi công. Tổng diện tích lúa mùa 71,2 nghìn ha, trong đó có 13% diện tích lúa đã trỗ; diện tích nuôi thủy sản là 14.625ha.

Vũ Trà