BVR&MT – Trong quá trình thực hiện loạt bài Mảng tối của những “công trình ánh sáng” phóng viên baovemoitruong.org.vn nhận thấy có một số điểm chồng chéo giữa nghị định và thông tư hướng dẫn thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án thủy điện, đặc biệt là dự án có công suất trên 10 MW khiến cơ quan quản lý địa phương gặp nhiều lúng túng.
- Mảng tối của những “Công trình ánh sáng” (Kỳ 1): Chậm tiến độ 10 năm do… quy hoạch
- Mảng tối của những “Công trình ánh sáng” (Kỳ 2): Cam kết một đằng làm một nẻo
- Mảng tối của những “Công trình ánh sáng” (Kỳ 3): Đầu tư 80 tỷ đồng đổi lấy sự hoang phí?
- Mảng tối của những “Công trình ánh sáng” (Kỳ 4): Tỉnh sẽ “gỡ” từng dự án
- Mảng tối của những “Công trình ánh sáng” (Kỳ 5): Sông Gâm trơ đáy bởi… “niềm tự hào” của Cao Bằng
- Mảng tối của những “Công trình ánh sáng” (Kỳ 6): Bất cập chuyện thủ tục, đền bù và hướng nghiệp
- Mảng tối của những “Công trình ánh sáng” (Kỳ 7): Vừa xây vừa lo thủ tục ĐTM
- Mảng tối của những “Công trình ánh sáng” (Kỳ 8): Muôn kiểu vi phạm… thủy điện ở Hà Giang
- Mảng tối của những “Công trình ánh sáng” (Kỳ 9): “Cuộc chiến” trên đỉnh thác
Chuyện bắt đầu từ văn bản số 4952/UBND-TNMT ngày 10/10/2016 của UBND tỉnh Lào Cai gửi Bộ TN&MT về việc xem xét thẩm quyền thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thủy điện. Căn nguyên của văn bản này, theo tỉnh Lào Cai là do một số điểm bất nhất trong bản thân Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường và giữa Nghị định 18/2015 với Nghị định 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.
Cụ thể: Mục 27, Phụ lục II, Nghị định 18/2015/NĐ-CP quy định các dự án thủy điện có dung tích hồ chứa từ 100.000 m3 nước trở lên hoặc công suất từ 10MW trở lên thì phải lập báo cáo ĐTM. Riêng dự án thủy điện có dung tích hồ chứa từ 100.000.000 m³ nước trở lên thì trách nhiệm thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM thuộc Bộ TN&MT – theo quy định tại Mục 3, Phụ lục III, Nghị định 18/2015/NĐ-CP.
Tuy nhiên, cũng tại Nghị định 18/2015, ở Mục 6, Phụ lục III lại quy định “các dự án khai thác nước thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TNMT sẽ thuộc thẩm quyền thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM của Bộ TN&MT”. Đối chiếu với điểm d Khoản 1 Điều 28 Nghị định số 201/2013/NĐ- CP ngày 27/11/2013 là “các dự án khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy từ 2.000 kW (2 MW) trở lên thuộc thẩm quyền cấp giấy phép tài nguyên nước của Bộ TN&MT” thì các dự án thủy điện có công suất từ 2 MW trở lên sẽ do Bộ TN&MT thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM. Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với điều kiện nêu tại Mục 27, Phụ lục II là các dự án thủy điện phải lập ĐTM là có công suất từ 10 MW trở lên hoặc dung tích hồ chứa từ 100.000 m3 nước trở lên và cũng bất nhất với quy định tại Mục 8, Phụ lục 5.1, Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT khi quy định đối tượng lập Kế hoạch bảo vệ môi trường bao gồm các Dự án có hồ chứa dung tích dưới 100.000m3 nước hoặc công suất dưới 10 MW và sẽ do Sở TN&MT thẩm định, xác nhận.
Sự bất nhất nêu trên khiến không chỉ Lào Cai mà hàng loạt các địa phương lúng túng, trong đó có tỉnh Hòa Bình. Dự án Thủy điện Suối Mu do Công ty TNHH Văn Hồng làm chủ đầu tư được triển khai xây dựng tại xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình với công suất 9 MW và tổng vốn đầu tư 167 tỷ đồng. Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình ngày 15/8/2016 đã ký Giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho Công ty Văn Hồng vì cho rằng đơn vị này chỉ cần làm đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường do công suất nhà máy chỉ ở mức 9 MW, thấp hơn con số 10 MW quy định tại Mục 27, Phụ lục II, Nghị định 18/2015: “Theo Luật cũ thì đơn vị chỉ cần làm cam kết bảo vệ môi trường, hiện Thủy điện Suối Mu đã đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường. Giữa Nghị định 201/2013, Nghị định 18/2015 của Chính phủ và Thông tư 27/2015 của Bộ TN&MT có điểm chưa được thống nhất, dẫn đến bất cập” – ông Nguyễn Khắc Long, Phó chi cục trưởng Chi cục môi trường Sở TN&MT Hòa Bình cho biết.
Trong khi đó, theo quan điểm của ông Nguyễn Anh Ngọc – Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên Nước thuộc Sở TN&MT Hòa Bình: “Chưa biết ĐTM của Thủy điện Suối Mu đã được phê duyệt hay chưa nhưng việc làm thủy điện đương nhiên sẽ làm thay đổi dòng chảy, theo quy định thì phải duy trì dòng chảy tối thiểu, làm thủy điện ở đó chưa hợp lý lắm”.
Câu trả lời chưa thỏa đáng từ Bộ
Trước sự lúng túng của UBND tỉnh Lào Cai, Bộ TN&MT ngày 01/12/2016 đã có văn bản hướng dẫn số 5657/BTNMT-TCMT gửi chung cho các tỉnh vì cho rằng đây là vướng mắc của không riêng Lào Cai. Trong văn bản này, Bộ viện dẫn các quy định được nêu tại Nghị định 18/2015/NĐ-CP và Nghị định số 201/2013/NĐ- CP và đưa ra kết luận: “Như vậy, các dự án thủy điện thuộc đối tượng phải thực hiện ĐTM và có công suất lắp máy từ 2 MW trở lên thuộc thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM của Bộ TN&MT”.
Câu trả lời bao gồm điều kiện cần (dự án thuộc đối tượng phải thực hiện ĐTM) và điều kiện đủ (có công suất lắp máy từ 2 MW trở lên), tuy nhiên, hai điều kiện lại gây khó hiểu cho nhiều bên vì đối tượng thủy điện phải thực hiện ĐTM (có dung tích từ 100.000m3 trở lên hoặc công suất từ 10 MW trở lên) nghiễm nhiên có công suất lớn hơn 2 MW. Nói cách khác, con số 2 MW trong trường hợp này không có ý nghĩa. Đặc biệt, con số này khiến nhiều địa phương vô cùng bối rối khi đối chiếu với Mục 8, Phụ lục 5.1, Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT: “Tất cả các dự án xây dựng hồ chứa có dung tích dưới 100.000 m³ nước hoặc công suất dưới 10 MW thuộc thẩm quyền xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường của Sở TN&MT” (?!). Và hiện nay, khi còn lúng túng trong cách hiểu hướng dẫn của Bộ, một số địa phương, trong đó có Lào Cai đã tiến hành chuyển toàn bộ các hồ sơ dự án thủy điện có công suất từ 2 MW trở lên trình Bộ TN&MT thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM. Có vẻ như thắc mắc chung đã được gỡ, nhưng lăn tăn vẫn chưa nguôi!
(Còn nữa)
Văn Hoàng