Bất cập chuyện thủ tục, đền bù và hướng nghiệp

BVR&MT – Đằng sau những dự án thủy điện ở Hà Giang với nhiều kỳ vọng về hiệu quả kinh tế là hàng loạt các bất cập, vướng mắc liên quan đến câu chuyện thủ tục của nhà đầu tư cũng như công tác đền bù giải phóng mặt bằng và chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân bị thu hồi đất.

Mảng tối của những “công trình ánh sáng” (Kỳ 1): Chậm tiến độ 10 năm do… quy hoạch
Mảng tối của những “Công trình ánh sáng” (Kỳ 2): Cam kết một đằng làm một nẻo
Mảng tối của những “Công trình ánh sáng” (Kỳ 3): Đầu tư 80 tỷ đồng đổi lấy sự hoang phí?
Mảng tối của những “Công trình ánh sáng” (Kỳ 4): Tỉnh sẽ “gỡ” từng dự án
Mảng tối của những “Công trình ánh sáng” (Kỳ 5): Sông Gâm trơ đáy bởi… “niềm tự hào” của Cao Bằng

Nhà máy Thủy điện Sông Lô 2

Vừa xây vừa lo thủ tục

Thiếu hàng loạt các thủ tục quan trọng như giấy phép phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, giấy phép khai thác nước mặt… nhưng Dự án Thủy điện Sông Lô 2 vẫn được khởi công từ năm 2015 và hiện đã hoàn thành cơ bản các hạng mục quan trọng. Dự kiến, tháng 9 năm nay, nhà máy sẽ phát điện và hòa lưới điện quốc gia.

Dự án do Công ty TNHH Thanh Bình làm chủ đầu tư, được xây dựng tại xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Thủy điện Sông Lô 2 được cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2010 và Giấy chứng nhận thay đổi lần thứ nhất vào năm 2013, với công suất lắp máy 28 MW.

Được biết, tới ngày 28/6/2016, dự án mới chính thức được Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, song từ tháng 8/2015, dự án đã bắt tay vào thi công, tức chủ đầu tư tiến hành xây dựng trong tình trạng thiếu giấy phép gần 1 năm?!Không chỉ vừa xây vừa lo thủ tục, Thủy điện Sông Lô 2 còn vướng vấn đề về giải phóng mặt bằng và đền bù cho các hộ dân lấn chiếm. Ngày 23/12/2015, UBND huyện Vị Xuyên ban hành Quyết định số 4411/QĐ-UBND về việc thu hồi đất của 47 hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án. Tuy nhiên, đầu năm 2016, hàng loạt ngôi nhà, lều lán, bể nước được người dân xây dựng tại khu vực dự án để chờ đền bù tiếp của Thủy điện. Mặc dù địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo, đồng thời thống kê danh sách vi phạm và thu hồi diện tích đất lấn chiếm, song tính đến cuối tháng 5/2017, đại diện Ban quản lý Dự án Thủy điện Sông Lô 2 cho hay vẫn còn một số hộ lấn chiếm lòng hồ chưa chịu di dời dù thời điểm tích nước lòng hồ đang đến gần.

Vùng lòng hộ hiện còn một số hộ dân lấn chiếm

Người dân không nhường đất cho thủy điện vì đền bù quá thấp

Thủy điện Bắc Mê có tổng công suất 44 MW, được xây dựng tại hai xã Phú Nam và Yên Phong, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang với diện tích vùng ngập lên đến xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Sau nhiều năm thi công, Dự án đã tới giai đoạn tích nước nhưng hiện vẫn chưa đền bù giải phóng mặt bằng xong do vướng mắc với 11 hộ dân, các hộ kiên quyết không nhận tiền với lý do giá đền bù quá thấp.

Công trình Thủy điện Bắc Mê đang chuẩn bị tích nước để phát điện.

Theo ông Nguyễn Văn Lanh, Bí thư Chi bộ thôn Nà Vuồng, xã Yên Phong, huyện Bắc Mê, gia đình ông có 3 người, bị mất 3.104/4.200 m2 đất cho Thủy điện Bắc Mê nhưng giá đền bù chỉ 29.000 đồng/m2 nên ông không nhận. “Nếu không được đền bù thỏa đáng, chúng tôi sẽ lấy lại đất, đất chúng tôi trồng cây lâu năm, trồng ngô, lúa, hoa màu, thu nhập mỗi năm chỉ tính riêng trồng dưa đã thu gần 20 triệu đồng trong khi tổng tiền đền bù chỉ được hơn 50 triệu” – ông Lanh cho biết. Ngoài hộ ông Lanh, còn 10 hộ dân thôn Nà Vuồng cũng không chấp nhận mức bồi thường bởi cho rằng nó quá thấp.

Không chỉ vướng mắc trong công tác đền bù và giải phóng mặt bằng, một nội dung quan trọng khác cũng không được quan tâm đề cập khi xây dựng phương án bồi thường giải phóng mặt bằng vùng lòng hồ Thủy điện Bắc Mê, đó là công tác hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân bị thu hồi đất phục vụ dự án.

Đất nông nghiệp và đất rừng thôn Nà Vuồng bị ảnh hưởng bởi Thủy điện Bắc Mê.

Lý giải điều này, ông Đặng Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê cho hay: Theo báo cáo của các thành viên Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện, các hộ dân bị thu hồi đất không đăng ký chuyển đổi nghề nghiệp và đào tạo nghề, hơn nữa hầu hết các hộ bị thu hồi đất vùng lòng hồ vẫn còn diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn để sản xuất nên trong phương án bồi thường đã không đưa nội dung chuyển đổi nghề nghiệp vào. Phương án cũng nêu rõ tổng số hộ gia đình có liên quan đến vùng dự án là 68 hộ gồm 292 nhân khẩu, trong đó lao động nông nghiệp 132 người, công nhân viên chức lao động phổ thông khác (lao động phi nông nghiệp) 43 người, người già và trẻ nhỏ 117 người.

Tuy nhiên, chiểu theo Điều 20 Nghị định số 47/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, các hộ, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp mà được bồi thường bằng tiền thì được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm. Đặc biệt, việc hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm phải được xây dựng phương án riêng song song với phương án bồi thường thu hồi đất và phải lấy ý kiến của người bị thu hồi. Tuy nhiên, theo nhiều người dân địa phương, họ không hề được trao đổi hay thông báo về việc này (?!).

Bài, ảnh: Văn Hoàng