Lý Nhân (Hà Nam): Hiểm họa từ trạm trộn bê tông không phép, ai chịu trách nhiệm cho sai phạm?

BVR&MTNằm ngay dưới chân cầu Thái Hà (cầu nối giữa 2 tỉnh Hà Nam và Thái Bình) thuộc địa bàn xã Chân Lý huyện Lý nhân, trạm trộn bê tông không phép, sử dụng đất sai mục đích và nằm trên hành lang thoát lũ; gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến kế sinh nhai của người dân. Đã bị xử phạt nhiều lần nhưng đến nay vẫn hoạt động công khai rầm rộ. Trách nhiệm của chính quyền ở đâu khi tình trạng này diễn ra suốt trong một thời gian dài?

Khu vực trạm trộn bê tông sai phạm của ông Đặng Văn Huy (phía nam cầu Thái Hà).

Nhiều năm qua sai phạm vẫn nằm trên giấy?

Vi phạm trên hành lang thoát lũ, ngày 23/03/2020 Chi cục Thủy lợi Hà Nam ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 02/QĐ-XPVPHC đối với ông Đặng Văn Huy về hành vi đào khai thác đất trong phạm vi bảo vệ đê điều và xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều không phải là công trình phục vụ phòng chống lụt, bão, công trình phù trợ và công trình đặc biệt. Với 2 hành vi nêu trên ông Đặng Văn Huy đã bị xử phạt 50 triệu đồng.

Và cũng theo văn bản này ngoài xử phạt hành chính thì ông Huy còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc tháo dỡ công trình sai phạm và khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Cùng với đó do sử dụng đất sai mục đích trên phần đất nông nghiệp do UBND xã Chân Lý quản lý. Đến ngày 29/9/2021, UBND Xã Chân Lý lập Biên bản xử lý vi phạm hành chính số 23/BB-VPHC yêu cầu ông Đặng Văn Huy chấm dứt hành vi xây dựng trái phép trên bãi sông và hoàn trả lại hiện trạng ban đầu trước 15h ngày 03/10/2021. Kèm theo đó có quyết định xử phạt hành chính số 24/QĐ – XPVPHC ngày 01/10/2021 và quyết định cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả số 25/QĐ-CCKPHQ ngày 08/11/2021.

Trong thông báo về việc giải tỏa công trình vi phạm ngày 26/11/2021 của UBND xã Chân Lý đã yêu cầu ông Đặng Văn Huy tự tháo dỡ trước 10 giờ ngày 30 tháng 11 năm 2021, sau khoảng thời trên nếu ông Huy không chấp hành thì UBND xã Chân Lý sẽ tổ chức cưỡng chế.

Như vậy, với hàng loạt các văn bản xử lý vi phạm từ năm 2020, sai phạm cả về luật đất đai và luật đê điều nhưng dường như nó chỉ nằm ở trên giấy khi trạm trộn bê tông của ông Đặng Văn Huy vẫn hoạt động đều đặn công khai như một hiện tượng bất chấp pháp luật. Trong sự việc này dư luận không thể khỏi thắc mắc liệu có sự bao che bảo kê giúp đỡ từ một đơn vị nào không khi sai phạm cần được cưỡng chế di dời nhưng đến nay đã là năm 2023 vẫn chỉ làm đến bước xử phạt hành chính.

Trong khi quyền lợi và sự an toàn của người dân đang bị đe dọa ảnh hưởng thì UBND xã Chân Lý đã ở đâu khi sai phạm đó vẫn tồn tại và hoạt động lâu đến như vậy.

Theo ghi nhận thực tế phóng viên hàng ngày trong khu vực trạm trộn bê tông của ông Đặng Văn Huy  tấp nập hàng loạt các xe bồn cỡ lớn, máy xúc, xe ủi được tập kết vào trạm để thực hiện hoạt động sản xuất và vận chuyển bê tông.

Hàng ngày các xe bồn tấp nập ra vào trạm lấy bê tông chuyển đi tiêu thụ.

Hậu quả có thể nhìn rõ ngay khi khu vực bãi sông màu mỡ này nơi người dân có thể canh tác để gia tăng thu nhập cải thiện đời sống đã bị công trình không phép chiếm dụng và thành nơi để chứa các phế thải từ quá trình sản xuất bê tông. Không những gây ôi nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến kế sinh nhai của người dân.

Bãi bê tông không phép hoạt động ngang nhiên ngay dưới chân cầu Thái Hà.

Nguy hiểm hơn khi công trình này hiện nay sai phạm về cả luật đất đai và luật đê điều. Nằm trên hành lang thoát lũ của sông Hồng, đến mùa mưa lũ có thể ảnh hướng đến quá trình thoát lũ gây nguy hiểm đến tính mạng cũng như tàn phá của cải vật chất của người dân.

Nằm trên hành lang thoát lũ.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Ngày 15/11/2021 UBND huyện Lý Nhân đã ban hành văn bản số 1346/UBND-TN&MT Xử lý vi phạm đất đai trên địa bàn xã Chân Lý (lần 3). Trong văn bản cũng đã nêu rõ đến ngày 11/11/2021 UBND xã Chân Lý chưa đôn đốc khắc phục hậu quả vi phạm tại khu vực phía Nam cầu Thái Hà. Nội dung ghi rất rõ UBND xã Chân Lý hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Thường trực Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện về kết quả xử lý vi phạm nêu trên.

Ngoài UBND xã Chân Lý còn có các cơ quan chuyên môn của huyện Lý Nhân được giao nhiệm vụ như phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, đôn đốc báo cáo kịp thời kết quả xử lý vi phạm của UBND xã Chân Lý về UBND huyện và đề xuất biện pháp xử lý theo quy định.

Theo Khoản 6 Điều 5 Quyết định số 27/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Nam ban hành Quy định chế độ trách nhiệm Người đừng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều trên địa bàn tỉnh Hà Nam, thì Chủ tịch UBND xã có đê chịu trách nhiệm:

  1. Tổ chức thực hiện việc quản lý, bảo vệ đê điều trên địa bàn theo quy định của pháp luật
  2. Tổ chức xử lý dứt điểm vi phạm pháp luật về đê điều theo quy định của pháp luật, đồng thời báo cáo lên UBND cấp huyện

Thời gian xử lý vi phạm không quá 05 ngày kể từ ngày phát sinh vi phạm và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện

UBND xã Chân Lý và phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lý Nhân đã được giao nhiệm vụ rất rõ. Đến nay sai phạm vẫn đang hoạt động rầm rộ, vậy trách nhiệm từ khâu xử lý đến kiểm tra sai phạm của 2 cơ quan này đến đâu? Sai phạm này thời gian tới sẽ được xử lý như thế nào? Cơ quan để xảy ra sai phạm sẽ bị xử lý ra sao? Câu hỏi này xin dành cho UBND huyện Lý Nhân trả lời cho bạn đọc.

Đình Trà