BVR&MT – Ngày 11/5, Ủy hội sông Mê Kông (MRC) thông báo chính phủ Lào sẽ tiến hành tham vấn trước (PNPCA) đối với dự án thủy điện Sanakham. Dự án có tổng công suất lắp đặt 684 megawatt (MW), tổng vốn đầu tư khoảng 2,073 tỷ USD, thời gian xây dựng 8 năm. Hầu hết nguồn điện tạo ra được xuất khẩu sang Thái Lan và thời điểm bắt đầu bán điện từ năm 2028.
Ngày 2/6, Liên minh Cứu sông Mê Kông (StM) đã ra thông cáo nêu rõ quan điểm về vấn đề này.
Theo StM, Sanakham là một dự án đập tốn kém, không cần thiết và rủi ro, do đó, nên bị hủy bỏ. Hầu hết nguồn điện tạo ra từ con đập này sẽ được xuất khẩu sang Thái Lan, tuy nhiên, lượng điện thặng dư của Thái Lan hiện khá lớn.
Đáng chú ý là đập Sanakham mặc dù được đề xuất xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông, cách biên giới Thái Lan – Lào chỉ 2 km về phía thượng lưu nhưng không có các đánh giá cẩn trọng cũng như các tham vấn thực chất về tác động xuyên biên giới. Hầu hết nội dung trong Đánh giá tác động môi trường và xã hội xuyên biên giới cùng Đánh giá tác động tích lũy (TBESIA/CIA) của đập đều lỗi thời và sao chép từ bản đánh giá của đập Pak Lay, nhất là các nội dung về Sự tham gia của người dân, Kết luận và Khuyến nghị. Điểm khác biệt duy nhất giữa hai bản đánh giá này chỉ là tên dự án. Đặc biệt, TBESIA/CIA dự án đập Sanakham không hề tham khảo các nghiên cứu về sông Mê Kông và tác động của thủy điện được công bố trong 10 năm qua.
Chưa hết, StM còn khá quan ngại khi tác động từ biến đổi khí hậu và các dự án thủy điện hiện có ở thượng nguồn có thể khiến dòng chảy và mực nước sông biến động khó lường, từ đó tác động ngược trở lại lượng điện được tạo ra từ Sanakham cũng như các đập khác trên dòng chính.
Trước những mối băn khoăn kể trên, StM kêu gọi hủy bỏ dự án đập Sanakham và các kế hoạch xây dựng các đập khác trên dòng chính của sông Mê Kông thay vì tiếp tục tiến hành một quy trình tham vấn sai lầm khác.
Liên minh Cứu sông Mê Kông đề nghị chính phủ các nước ở hạ lưu sông Mê Kông và Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) thực hiện 3 nội dung như sau:
Thứ nhất, cần giải quyết các mối quan ngại bức thiết về tác động của các đập hiện có: Các đập được xây dựng tại khu vực Mê Kông gây ra các tác động tích lũy đến môi trường và cộng đồng ven sông, bao gồm các vùng biên giới. Tuy nhiên, các vấn đề hiện tại bao gồm tác động xuyên biên giới, mất sinh kế, ảnh hưởng đến đất đai và sự sống vẫn chưa được giải quyết. Bên cạnh đó, cam kết của chính phủ Lào về việc xem xét lại chiến lược thủy điện sau vụ vỡ đập Xe Pian-Xe Namnoy năm 2018 cũng vẫn bỏ ngỏ. Do đó, thay vì xây dựng nhiều đập hơn dưới danh nghĩa “thủy điện bền vững”, chính phủ, các nhà phát triển và các nhà đầu tư tài chính cần ưu tiên giải quyết tác động của các đập hiện có để cải thiện cuộc sống và sự an toàn của các cộng đồng bị ảnh hưởng.
Thứ hai, cần thực hiện đánh giá các phương án năng lượng toàn diện và có sự tham gia, ưu tiên các phương án đảm bảo thời gian theo hướng chuyển đổi năng lượng công bằng nhằm duy trì hệ sinh thái trọng điểm Mê Kông trong khi vẫn đáp ứng và bảo vệ nhu cầu của cộng đồng trong khu vực: Các đập trên dòng chính không cần thiết cho nhu cầu năng lượng và nước của khu vực. Tháng 4/2020, Bộ Năng lượng Thái Lan cho biết mức dự trữ điện trong năm 2020 của nước này có thể lên tới 40%, tương đương khoảng 18.000 MW. Con số này cao hơn đáng kể so với tổng cộng công suất lắp đặt của tất cả các đập trên dòng chính hạ lưu sông Mê Kông. Tháng 3/2020, Campuchia cũng tuyên bố dừng kế hoạch xây dựng đập Sambor và Stung Treng trong ít nhất 10 năm. Do đó, thay vì sử dụng ngân sách vào quy trình PNPCA còn nhiều lỗ hổng, các nguồn lực nên trực tiếp đầu tư vào việc đánh giá các phương án năng lượng toàn diện có sự tham gia nhằm định hình tương lai năng lượng bền vững, công bằng hơn và đảm bảo lợi ích kinh tế cho các nước thành viên trong khu vực.
Thứ ba, cần giải quyết các mối quan tâm hàng đầu về quá trình tham vấn trước: Nội dung TBESIA/CIA của Sanakham được sao chép phần lớn từ báo cáo đánh giá đập Pak Lay. Còn TBESIA/CIA của Pak Lay lại sao chép dữ liệu chủ yếu từ báo cáo đánh giá đập Pak Beng. Điều này cho thấy yêu cầu về việc cung cấp các nghiên cứu toàn diện hơn, bao gồm dữ liệu cơ bản và tác động của dự án đập thủy điện hầu hết đều bị phớt lờ. Tập đoàn tư vấn quốc gia và các chuyên gia tư vấn liên quan đến báo cáo TBESIA/CIA của đập Pak Beng, Pak Lay và Sanakham nên bị cấm tham gia hoạt động đánh giá tác động tiếp theo vì vấn đề đạo nội dung.
Liên quan đến đề xuất xây đập Sanakham, ngày 28/5/2020, Mạng lưới người dân Đông Bắc Thái Lan (The People’s Network of Isaan Mekong Basin) cũng ra thông cáo khẳng định việc thúc đẩy xây đập Sanakham sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề môi trường và xã hội trên dòng Mê Kông đối với các cộng đồng ở khu vực hạ lưu. Mạng lưới kêu gọi chính phủ Thái Lan cần xem xét lại lập trường trong việc mua điện từ các dự án đập ở Mê Kông, đặc biệt là đập Sanakham. Bên cạnh đó, chính phủ cần công khai thông tin liên quan đến các dự án phát triển trên lưu vực sông cũng như tác động tổng hợp từ các dự án này, đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội dân sự và người dân cùng tham gia xác định vấn đề, đề xuất giải pháp thay thế, góp phần giảm thiểu các vấn đề môi trường đã xảy ra. |
Nguyễn Hiền