BVR&MT – Theo phương án Chính phủ trình QH, sau khi cao tốc Bắc – Nam được đưa vào khai thác, giá thu qua đầu phương tiện sẽ tăng dần từ 1.500 đến 3.400 đồng/km theo vòng thời gian dự án thu trong 24 năm.
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP – Bộ GTVT) cho biết, trên cơ sở quy định của luật Giá, để đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường, mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc Bắc – Nam khoảng 2.500 đồng/xe con tiêu chuẩn (PCU)/km tương ứng với thời gian kinh doanh khoảng 24 năm và phần vốn góp Nhà nước giai đoạn 2017-2020 khoảng 55.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mức giá này tại thời điểm bắt đầu khai thác là khá cao, vượt quá sức chi trả của người dân, không thu hút các phương tiện.
Trường hợp áp dụng mức giá 1.500 đồng/PCU/km sẽ phù hợp với sức chi trả của người dân thời điểm bắt đầu khai thác, nhưng phần vốn góp của Nhà nước sẽ tăng thêm khoảng 25.380 tỷ đồng.
Do vậy, để đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận, phù hợp với cơ chế thị trường và sức chi trả của người dân, Chính phủ xác định mức giá tại thời điểm đưa vào kinh doanh khai thác (khoảng 1.500 đồng/PCU/km) và mức giá cụ thể cho từng thời kỳ trong vòng đời dự án làm cơ sở tính toán phần vốn góp của Nhà nước và xác định giá gói thầu để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Theo đó, khung giá dịch vụ thời gian kinh doanh khai thác đường cao tốc Bắc-Nam được áp dụng qua từng giai đoạn.
Cụ thể, từ 2021-2023 (1.500 đồng/PCU/km), giai đoạn 2024-2026 (1.700 đồng/PCU/km), giai đoạn 2027-2029 (1.900 đồng/PCU/km), giai đoạn 2030-2032 (2.100 đồng/PCU/km), giai đoạn 2033-2035 (2.400 đồng/PCU/km), giai đoạn 2036-2038 (2.700 đồng/PCU/km), giai đoạn 2039-2041 (3.000 đồng/PCU/km), giai đoạn 2042-2044 (3.400 đồng/PCU/km).
Ông Huy cho biết, mức giá từng thời kỳ phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP đầu người được NH Thế giới (WB) và Bộ KH&ĐT dự báo.
Người dân có sự lựa chọn
Ông Phạm Hữu Sơn, TGĐ Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI – đơn vị lập dự án đầu tư) cho biết, quá trình nghiên cứu, TEDI đã chạy mô hình dự báo ứng với các mức giá dịch vụ ban đầu từ 1.000-2.500 đồng/PCU/km cho thấy, mức giá dịch vụ phù hợp mức chi trả của người dân, đảm bảo thu hút phương tiện lưu thông trên đường cao tốc và tương đương mức giá dịch vụ trên các tuyến cao tốc đang thu phí hiện nay.
Theo ông, cơ sở tính toán chi tiết cho thấy, khi lưu thông trên cao tốc Bắc-Nam, xe con đi với vận tốc 90-100km/h mức tiêu hao nhiên liệu giảm 0,08 lít/km so với QL1. Trên quãng đường 100km, xe con tiết giảm được khoảng 3 lít xăng, xe tải lớn tiết giảm khoảng 11 lít so với QL1.
Ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho hay, 6 năm trước, khi lần đầu tiên đưa tuyến Cầu Giẽ – Ninh Bình vào khai thác, có câu hỏi đặt ra mức giá 1.500 đồng/km có quá cao và xã hội có chấp nhận được không?
Lúc đó, ông nhấn mạnh, đây là quyền lựa chọn của người dân. Nếu người dân muốn đi đường tốt, nhanh, an toàn sẽ lựa chọn.
Hiện nay, VEC đang khai thác 4 tuyến đường cao tốc (tổng cộng 420km): Cầu Giẽ – Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, Đà Nẵng – Quảng Ngãi và TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, với mức phí 1.500-2.000 đồng/km và tốc độ phát triển lưu lượng xe rất cao, trung bình trên 20%. Trong đó có tuyến TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây bắt đầu tính đến việc mãn tải.