Lấp lỗ hổng trong thực thi các hiệp định thương mại tự do
BVR&MT – Khi hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức như vừa đảm bảo tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài…
Theo các chuyên gia kinh tế, khi hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức như vừa đảm bảo tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài, vừa phải kịp thời ngăn chặn các hành vi gian lận lợi dụng chính sách thông thoáng của nhà nước.
Hiện Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại ưu đãi thuế quan với các nước trên thế giới như Hiệp định quan hệ thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU… đã tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn, góp phần thu hút đầu tư FDI từ nước ngoài.
Song Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với những hành vi lợi dụng ưu đãi thuế quan mà các đối tác áp dụng đối với hàng hóa xuất xứ Việt Nam, gian lận xuất xứ để được hưởng ưu đãi về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu.
Gian lận xuất xứ hàng hóa có nhiều hình thức khác nhau, từ làm giả giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) đến việc doanh nghiệp chỉ thực hiện các công đoạn gia công đơn giản, chưa đủ đáp ứng tiêu chí xuất xứ, nhưng vẫn khai báo đáp ứng để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ.
Theo quy định hiện hành, C/O ưu đãi về thuế quan xuất khẩu từ Việt Nam được Bộ Công Thương cấp. Thống kê cho thấy số lượng C/O ưu đãi trong 5 năm qua đã tăng 20-25% mỗi năm, từ 323 nghìn bộ năm 2013 lên đến 900 nghìn bộ năm 2019.
Với việc chính thức áp đặt bổ sung các mức thuế (bao gồm các sắc thuế: thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp xuất khẩu) của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nhiều mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung xảy ra, mức thuế bổ sung đánh vào hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc từ 7,5-285% tùy theo từng mặt hàng dẫn đến sự chênh lệch về thuế giữa hàng hóa từ Việt Nam và hàng hóa từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.
Trong số các ngành hàng của Trung Quốc bị áp đặt bổ sung thuế có nhiều ngành hàng thuộc nhóm ngành hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có kim ngạch tăng đột biến như: đồ điện tử, hàng may mặc, da giày, xe đạp, đồ gỗ nội thất, mặt hàng sắt thép, tấm pin năng lượng Mặt Trời.
Theo ông Trần Mạnh Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) thời gian qua, ngành hải quan đã phát hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng hóa gian lận xuất xứ.
Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết cách gian lận xuất xứ phổ biến là chuyển tải bất hợp pháp, tức là doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, chi tiết, phụ tùng, thiết bị, máy móc, sản phẩm gần như hoàn chỉnh về Việt Nam và chỉ thực hiện gia công, lắp ráp, đóng gói lại bao bì.
Theo quy định, công đoạn gia công, chế biến đơn giản không được xét đến khi xác định xuất xứ hàng hóa, nhưng lại chưa quy định rõ ràng, chi tiết, nên việc xác định hành vi chuyển tải bất hợp pháp rất phức tạp.
Bên cạnh đó, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cao nhất theo Nghị định 124/2015/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm chỉ có 50 triệu đồng, nên chưa đủ sức răn đe.
Lấy ví dụ nhóm mặt hàng xe đạp, xe đạp điện, ông Trần Mạnh Cường cho biết, doanh nghiệp lắp ráp xe đạp, xe đạp điện xuất khẩu đi Mỹ nhập khẩu đầy đủ các bộ phận, linh kiện của xe đạp, xe đạp điện ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời về Việt Nam để lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh.
Các bộ phận, linh kiện nhập khẩu không trải qua bất kỳ công đoạn gia công, sản xuất nào khác hoặc chỉ trải qua các công đoạn gia công đơn giản không làm thay đổi bản chất hàng hóa (như gia công sơn khung, càng, ghi đông, tay lái…) để trở thành sản phẩm hoàn chỉnh và toàn bộ linh kiện trực tiếp chuyển hóa thành sản phẩm xe đạp, xe đạp điện hoàn chỉnh.
“Những sản phẩm này không đủ điều kiện đạt xuất xứ “Việt Nam” theo tiêu chí chuyển đổi mã số (CTC, CTSH) và tiêu chí phần trăm của trị giá (LVC) theo quy định,” ông Trần Mạnh Cường nói.
Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua, xuất hiện tình trạng hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài chuyển tải qua Việt Nam để hợp thức hóa hồ sơ hoặc xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ sau đó xuất khẩu sang nước thứ ba. Hoặc có trường hợp sử dụng C/O giả hoặc C/O không hợp lệ, khai sai xuất xứ hàng hóa để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định thương mại tự do khi làm thủ tục hải quan.
Ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, vừa phát hiện 1 doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh không được Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cấp ủy quyền để thực hiện việc thẩm định, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhưng vẫn tự phát hành C/O cho hơn 30 doanh nghiệp thuộc nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước với tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của các công ty này lên tới hơn 600 tỷ đồng.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật SBLAW, hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa có tác động tiêu cực đến nền kinh tế bởi với những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với nhiều ưu đãi lớn về thuế mà Việt Nam vừa tham gia, hàng hóa nước ngoài “đột lốt” hàng Việt Nam sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt.
“Đặc biệt, nếu hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam xuất khẩu “ồ ạt” thì các nước nhập khẩu hàng sẽ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp… khiến thuế tăng cao, thì nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến hàng Việt Nam,” Luật sư Nguyễn Thanh Hà nói.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà cũng cho rằng, Việt Nam đang dần hoàn thiện các quy định pháp luật quy định rõ về hành vi gian lận thương mại nhưng vẫn còn một số khó khăn như lượng hàng xuất khẩu mỗi ngày rất lớn, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm hàng trăm tỷ USD, trong khi lực lượng cán bộ xử lý còn hạn chế, doanh nghiệp nhiều thủ đoạn gian lận tinh vi.
Do đó, theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà cần phải có các giải pháp đồng bộ từ phía cơ quan chức năng, doanh nghiệp và Hiệp hội ngành nghề. Trong đó, cơ quan nhà nước cần hoàn thiện quy định về mặt xuất xứ và tăng cường kiểm soát ở biên giới. Nếu có hoạt động nghi ngờ gian lận xuất xứ hàng hóa thì lực lượng chức năng có quyền thanh tra, kiểm tra và xử lý dứt điểm.
Bên cạnh đó, các hiệp hội ngành nghề phát hiện ra doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận xuất xứ phải phối hợp với lực lượng chức năng để bảo vệ nền sản xuất trong nước, “không nên tiếp tay cho các hành vi mượn đất Việt Nam để gian lận xuất xứ hàng hóa.”
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, với việc cấp C/O cần gắn với kiểm tra thực tế sản xuất, dán nhãn, kiểm tra các tài liệu, chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, vật tư đầu vào, quy trình sản xuất của các doanh nghiệp xin cấp C/O…
Việc này cần sự phối hợp của nhiều cơ quan khác nhau như Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công an…
Tổng cục Hải quan chỉ đạo lực lượng kiểm tra sau thông quan trên toàn quốc mở rộng kiểm tra để ngăn chặn hành vi gian lận xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu.
Đồng thời, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện rà soát, xác định doanh nghiệp xuất nhập khẩu có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến, giao dịch bất thường để áp dụng các biện pháp kiểm tra, điều tra, xác minh làm rõ.