BVR&MT – Dịp Tết Nguyên Đán đang cận kề, cũng là thời điểm làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu bắt đầu trở nên nhộn nhịp hơn ngày thường. Dọc khắp con đường, ngõ xóm, sân đình, bờ mương những đóa hương sặc sỡ sắc màu đang bung nở rực đỏ một vùng trời.
Tin bài liên quan:
Bài 1: Lâm nghiệp vượt khó, tăng tốc
Làng tăm hương truyền thống Quảng Phú Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) nằm ven Quốc lộ 21B, cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 35km. Đây là làng nghề tăm hương truyền thống duy nhất còn tồn tại ở Thủ đô sau hơn 100 năm.
Nức tiếng 4 phương với nghề làm hương truyền thống theo phương thức cổ truyền cha ông để lại, người dân xã Quảng Phú Cầu vẫn hàng ngày tạo ra những nén hương thơm tự nhiên, mang đậm nét đặc trưng không nơi nào có được.
Tăm hương thường được làm từ Vầu hoặc Tre. Sau khi vầu được chẻ, sẽ được làm khô từ 5-7 ngày rồi đưa vào máy chẻ thành tăm.
Qua quá trình mài dũa, chọn lựa kĩ lưỡng các cây tăm này được đem đi nhuộm chân và cột thành từng bó.
Tiếp tục đem đi phơi khô dưới ánh nắng mặt trời rồi vận chuyển đến nơi sản xuất hương.
Trước kia, tăm hương Quảng Phú Cầu chủ yếu được làm thủ công bằng tay.
Ngày nay, nhờ được ứng dụng máy móc hiện đại tại nhiều công đoạn, nên sản phẩm làm ra bóng đẹp, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người dùng.
Vào khoảng 1, 2 tháng trước dịp Tết cổ truyền là thời điểm hoạt động sản xuất tất bật nhất. Nhiều gia đình phải thuê thêm nhân công để sản xuất cho kịp số lượng cung ứng ra thị trường.
Những người thợ làm tăm hương tại xã Quảng Phú Cầu luôn tâm niệm, hương là sản phẩm mang giá trị tâm linh, gắn với tín ngưỡng của người Việt nên phải làm thật cẩn thận, sạch sẽ, tỉ mỉ trong từng công đoạn, không được phép làm qua loa, hời hợt.
Theo chia sẻ của một số người dân, dịp Tết năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh việc tiêu thụ có phần chậm hơn so với mọi năm nhất là thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, hương là mặt hàng thiết yếu vào mỗi dịp Tết nên đầu ra vẫn ổn định, chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong nước.
Đến nay, nghề làm tăm hương không chỉ đem lại cuộc sống đủ đầy cho người dân Quảng Phú Cầu mà còn góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Đào Thúy