Lang Chánh – Thanh Hóa: Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

BVR&MT – Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt, từ khi thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường (BVMT) đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”, công tác BVMT gắn với phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Lang Chánh đã có sự chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả.

Toàn cảnh Thị trấn Lang Chánh.

Lang Chánh là huyện miền núi cao nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa. Trung tâm huyện là thị trấn Lang Chánh, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 100 km về phía Tây – Tây Bắc. Phía Bắc giáp huyện Bá Thước, phía Đông giáp huyện Ngọc Lặc, phía Nam giáp huyện Thường Xuân, phía Tây giáp huyện Quan Sơn và huyện Sầm Tớ (tỉnh Hủa Phăn – nước CHDCND Lào).

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do đặc thù là huyện miền núi có địa hình đa dạng và phức tạp , dân cư phân bố không đồng đều (trên 80% là đồng bào dân tộc thiểu số), trình độ dân chí còn thấp, hạ tầng BVMT còn thiếu, các công trình thu gom, xử lý chất thải tập trung chưa được đầu tư… tuy nhiên, ngay sau khi nghị quyết được ban hành, huyện Lang Chánh đã xây dựng kế hoạch và chương trình thực hiện, đồng thời, phổ biến, quán triệt đến từng cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn trong huyện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về BVMT cũng như quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ mà nghị quyết đã đề ra.

Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm môi trường theo tinh thần nghị quyết, huyện Lang Chánh yêu cầu 100% các dự án mới đầu tư vào địa bàn phải có đầy đủ hồ sơ về BVMT theo quy định, đồng thời, chỉ đạo ngành chức năng của huyện đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Huyện cũng chỉ đạo UBND các xã, thị trấn giám sát chặt chẽ không để xảy ra tình trạng đổ rác thải không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường, ban hành các văn bản triển khai phong trào “Chống rác thải nhựa”, thực hiện phân loại rác thải đúng quy định (năm 2019, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Lang Chánh đã đạt 67,5%)… Trên địa bàn huyện, hiện có 2 xã Giao Thiện và Yên Thắng thành lập được HTX thu gom rác thải về bãi tập kết tập trung để xử lý. Tại Bệnh viện Đa khoa huyện đã ứng dụng thành công công nghệ lọc sinh học nhỏ giọt để xử lý nước thải…

Đối với công tác kêu gọi đầu tư, việc quyết định các dự án đầu tư cũng được huyện cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích đem lại trước mắt với những ảnh hưởng của nó đến môi trường về lâu dài. Thực hiện công khai, minh bạch các quy hoạch, các dự án đầu tư và tạo điều kiện để mọi tổ chức và công dân có thể tham gia ý kiến về tác động môi trường của những quy hoạch và dự án đó. Tăng cường vai trò giám sát của các đoàn thể chính trị – xã hội, cộng đồng đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trong thời gian tới, huyện Lang Chánh xác định, tiếp tục nâng cao trách nhiệm và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với nhiệm vụ BVMT; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong các tổ chức, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của công tác BVMT gắn với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Phạm Hằng