BVR&MT – Dịch Covid 19 khiến nền kinh tế chung của cả nước chậm lại, đặc biệt ngành dịch vụ nhà hàng, ăn uống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều nhà hàng, quán ăn lớn do doanh thu không đủ cho việc chi trả mặt bằng, tiền thuê nhân viên và nhiên liệu đã phải ngậm ngùi đóng cửa.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngày 18-7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 15/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Công lệnh ghi rõ: Dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ được hoạt động bao gồm: Nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, điện, nước, nhiên liệu, xăng, dầu…); các cửa hàng dịch vụ ăn uống chỉ bán hàng mang về, cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm…), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển; xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ… yêu cầu bắt buộc khai báo y tế bằng mã QRCode. |
Tiếng lòng của chủ cửa hàng, quán ăn
Dịch Covid 19 khiến nền kinh tế chung của cả nước chậm lại, đặc biệt ngành dịch vụ nhà hàng, ăn uống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều nhà hàng, quán ăn lớn do doanh thu không đủ cho việc chi trả mặt bằng, tiền thuê nhân viên và nhiên liệu đã phải ngậm ngùi đóng cửa. Nhiều startup huy động toàn bộ nguồn vốn để mở cửa hàng thế nhưng nhận lại chính là nguồn nợ lớn do lượng khách không ổn định, doanh thu thấp. Những nhà hàng, quán ăn bám trụ lại được thì gần như bỏ tiền túi ra để duy trì cửa hàng với hy vọng dịch Covid – 19 nhanh chóng đi qua để hoạt động kinh doanh trở lại bình thường, thu lại được vốn.
Ví dụ như, trước dịch, quán Basket của chị Thanh Tâm hôm nào cũng gần như kín khách nhưng vì dịch, không được ăn uống tại quán nên doanh thu bị ảnh hưởng nghiêm trọng: “Do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nên kinh tế của mọi người đều bị ảnh hưởng, nên những nhu yếu phẩm không thiết yếu bị giảm đi rất nhiều. Quán chị hầu như đều là khách quen, có ngày họ uống 2 lần, nhưng giờ giảm đi ngày 1 lần hoặc thậm chí 1 tuần 3 lần, rất cần thiết họ mới uống. Còn không phải khách quen của quán thì trong đợt dịch này gần như là không quay trở lại. Tất cả kinh phí để duy trì, trang trải cho quán gần như mình phải bỏ tiền túi của mình ra để xoay xở vì doanh thu bán hàng không thể đủ để trả tất cả tiền mặt bằng, tiền thuê nhân viên… Về phía chủ nhà cho thuê mặt bằng, trong điều khoản cũng không có ý nào là họ phải hỗ trợ cho mình nên mình cũng không hy vọng gì nhiều, chủ nhà nào tốt giảm tiền cho mình thì mình cảm ơn chứ không thể đòi hỏi, hay bắt buộc.”
Không phải thuê mặt bằng, nhưng việc kinh doanh của quán cũng không khá hơn so với mặt bằng chung chính là tình hình của chị Hương Giang – chủ quán cafe Yang. Chị Giang chia sẻ: “ Sau công điện của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, quán của mình cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do lượng người đi lại giảm nên lượng khách mua hàng cũng giảm. May mắn là cửa hàng mình không phải đi thuê mất tiền mặt bằng nên đỡ hơn rất nhiều so với các cửa hàng khác. Mong dịch Covid – 19 nhanh qua đi để mình và mọi người có thể ổn định cuộc sống.”
Khó khăn, khách hàng giảm, doanh thu giảm, không đủ tiền để duy trì cửa hàng, chật vật chạy vốn khắp nơi để duy trì hoạt động của quán… chính là những tâm sự, tiếng lòng chung của hầu hết những người làm trong ngành F&B trước tình hình dịch bệnh Covid căng thẳng.
Kinh doanh online, nghề shipper phát triển mạnh
Anh Toàn Ngô – quản lý Oribean coffer tâm sự: “Trước đây cũng đã kinh doanh online qua app thông qua shipper giao đồ cho khách nên quán có một lượng khách quen nhất định. Thế nên trong đợt dịch này lượng khách quen và khách mới qua app mặc dù không được nhiều như ngày thường nhưng cùng bù lại được một phần nhỏ cho chi phí duy trì quán. Ảnh hưởng của dịch bệnh như vậy các bạn kinh doanh cửa hàng, quán ăn phải có đam mê, lòng kiên trì lớn chứ không sẽ nhanh bị nản lòng.”
Khó khăn trong việc duy trì việc kinh doanh là tình cảnh chung hiện giờ của các nhà hàng. Nhưng có lẽ trong bối cảnh này, những nhà hàng hoạt động theo phương thức bán hàng cho khách qua app để shipper giao hàng chính là sự lựa chọn tốt nhất. Do sợ bị lây nhiễm bệnh, nhiều người dân vẫn muốn mua món ăn do các nhà hàng chế biến nhưng để mang về ăn tại nhà, tránh tiếp xúc với nhiều người xung quanh. Chính vì vậy, shipper trở thành một trong những nghề hot, thu nhập tương đối ổn định trong mùa dịch.
Khó khăn, khách hàng giảm, doanh thu giảm, không đủ tiền để duy trì cửa hàng, chật vật chạy vốn khắp nơi để duy trì hoạt động của quán… chính là những tâm sự, tiếng lòng chung của hầu hết những người làm trong ngành dịch vụ nhà hàng, ăn uống. Các nhà hàng cần có sự chuẩn bị tốt nhất để đối mặt với những khó khăn thách thức khi tình hình dịch Covid – 19 với những diễn biến vô cùng phức tạp .
Làm thế nào đảm bảo an toàn cho cả thực khách, shipper và nhân viên nhà hàng; làm thế nào để duy trì hoạt động cửa hàng, khi có quá nhiều khoản chi phát sinh để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch Covid – 19, như mua dung dịch rửa tay tiệt trùng, trang bị khẩu trang cho nhân viên, tăng cường dọn dẹp vệ sinh khử trùng, mua vách ngăn bàn ăn… Đó chính là những bài toán khó đặt ra cho các chủ cửa hàng, quán ăn ở Hà Nội khi dịch Covid 19 tái bùng phát và ngày một căng thẳng?
Tuyết Lan