BVR&MT – Bộ NN&PTNT cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 11 năm 2018 ước đạt 3,61 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2018 đạt 36,3 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017.
Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục là bốn thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam – Ảnh:VGP/Đỗ Hương |
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt gần 18,1 tỷ USD (tăng 3,1%); giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 8,1 tỷ USD (tăng 6,8%); giá trị xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 0,51 tỷ USD (tăng 12,9%); giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 8,6 tỷ USD (tăng 18%).
Mười tháng đầu năm 2018, bốn thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn quốc chiếm thị phần lần lượt là 22,9% ( tăng 3,6% so với năm 2017), 17,9% (tăng 9,4%), 9,1% (tăng 7,1%) và 6,9% (tăng 29,4%).
Ước giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 11 năm 2018 đạt 2,8 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 11 tháng năm 2018 đạt 28,8 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy, trong 11 tháng đầu năm 2018, ngành nông nghiệp đạt mức xuất siêu là 7,5 tỷ USD.
Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11/2018 ước đạt 496.000 tấn với giá trị đạt 241 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm 2018 ước đạt 5,7 triệu tấn và 2,9 tỷ USD, tăng 5,6% về khối lượng và tăng 17,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2018 với 24,1% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 10 tháng đầu năm 2018 đạt 1,24 triệu tấn và 636,2 triệu USD, giảm 39,1% về khối lượng và giảm 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 11/2018 ước đạt 233.000 tấn với kim ngạch đạt 102,9 triệu USD, đưa tổng lũy kế xuất khẩu sắn trong 11 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,4 triệu tấn và 905,2 triệu USD, giảm 3,93% về lượng và 0,45% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Mặc dù lượng sắn xuất khẩu sụt giảm so với năm 2017 nhưng giá sắn xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm 2018 lại tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, giá xuất khẩu sắn trung bình của Việt Nam tháng 11 đạt 268 USD/tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Ứng dụng công nghệ cao giúp gia tăng giá trị xuất khẩu rau, củ – Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 11/2018 ước đạt 283 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 11 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2018 với 73,8% thị phần, giá trị xuất khẩu rau quả đạt 2,41 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 10 tháng đầu năm 2018, các thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh là Australia (tăng 36,8%), Hoa Kỳ (tăng 34,7%), Thái Lan (tăng 32,4%), Hàn Quốc (tăng 28,7%) và Trung quốc (tăng 11,3%)
Xuất khẩu cà phê tháng 11/2018 ước đạt 145.000 tấn với giá trị đạt 274 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 11 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1,73 triệu tấn và 3,3 tỷ USD, tăng 23,4% về khối lượng và tăng 3,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Xuất khẩu cà phê cả năm 2018 dự báo đạt cao kỷ lục 1,80 triệu tấn và 3,50 tỷ USD, tăng 15% về khối lượng nhưng tương đương về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 11/2018 ước đạt 852 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 11 tháng đầu năm 2018 ước đạt 8,1 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường xuất khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2018, chiếm 54,9% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản; các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Thái Lan (tăng 17,1%), Anh (tăng 14,5), Hàn Quốc (tăng 12,2%) và Australia (tăng 11%).
Giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 11/2018 ước đạt 937 triệu USD, lũy kế giá trị xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2018 ước đạt 8,2 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2018. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục là bốn thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2018, chiếm 79,6% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.