Khoái Châu (Hưng Yên): Tại sao chính quyền vẫn để tình trạng dấu hiệu ô nhiễm môi trường xảy ra ở bê tông Trường Lộc?

BVR&MT – Liên tục trong nhiều năm qua, cụm từ ô nhiễm môi trường, vi phạm xả thải được người dân và báo chí nhắc đến nhiều trong hoạt động của bê tông Trường Lộc. Không những thế, việc thay tên đổi họ cho doanh nghiệp, người đại diện pháp luật của công ty và mục đích xin phê duyệt mở rộng dự án xung quanh những “cái bóng” được cho là của “đế chế” nhà họ “Lê Bá” trong lĩnh vực sản xuất bê tông tại Hưng Yên đang khiến cho dư luận thắc mắc hoài nghi tại sao chính quyền tỉnh Hưng Yên vẫn để cho những dấu hiệu vi phạm về môi trường này được tồn tại?

Đây là những hình ảnh được Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường (www.baovemoitruong.org.vn) ghi nhận vào tháng 04 năm 2024. Theo ghi nhận, xe bồn bê tông của doanh nghiệp này xả nước thải từ giữa sân rồi mới vào đến bể, khu vực gần bể xử lý nước thải ngập lênh láng. Điểm cuối của đường ống thoát nước mưa toàn là bã, cặn bê tông với một diện tích lớn.

Khu đất nông nghiệp đang chứa các chất thải đó nằm trên địa bàn xã Ông Đình, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên và là đất của dự án “Đóng gói và kinh doanh các loại phân bón” của Công ty TNHH Nông Việt Hưng Yên.

Công ty TNHH Trường Lộc Khoái Châu lắp đặt trạm trộn bê tông tươi ngay sát đường dân sinh. Trong quá trình hoạt động sản xuất bê tông phát tán khói bụi bay thẳng vào nhà những hộ dân xung quanh. Nhiều xe trộn, xe phun bê tông trọng tải lớn ra vào trạm trộn liên tục nhưng không được rửa lốp, kéo theo bụi bẩn, làm rơi vãi bê tông ra đường và có thể thấy doanh nghiệp này đang hoạt động chỉ vì mục đích kinh tế… và đã không quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân.

Trả lời về việc trạm trộn bê tông của công ty xả thải ra khu đất nông nghiệp bên cạnh, ông Lê Bá Long – người được giới thiệu là Giám đốc của công ty phủ nhận việc xả thải sang phần đất nông nghiệp bên cạnh đó mà chỉ là doanh nghiệp để nhờ ít sỏi đá còn thừa. Công ty có hệ thống xử lý nước thải chứ không xả thải trực tiếp sang bên đó.

Vị chủ doanh nghiệp này lý giải trạm trộn bê tông của công ty có tận 2 bể lắng, sau khi nước thải lắng công ty tận dụng nước đó để bơm ngược lại trộn bê tông, doanh nghiệp không xả thải ra bên ngoài. Và đường ống được bắc từ bể lắng ra ngoài khu đất nông nghiệp bên cạnh là để thoát nước mưa.

Tuy nhiên trên thực tế thì không hoàn toàn đúng như những gì ông Long trình bày. Về các văn bản giấy tờ pháp lý của trạm trộn, tại buổi làm việc ông Lê Bá Long chỉ cung cấp được văn bản số 508/GXN-UBND Giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường do UBND huyện Khoái Châu cấp ngày 31 tháng 05 năm 2018 cho Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trường Lộc Hưng Yên và bản Báo cáo Công tác Bảo vệ Môi trường do Công ty TNHH Trường Lộc Khoái Châu lập và cho rằng đây là tất cả các hồ sơ cần có về môi trường.

Còn các văn bản khác như văn bản Chấp thuận Chủ trương đầu tư, hồ sơ giao đất, cho thuê đất; Kế hoạch Bảo vệ Môi trường, xác nhận hoàn thành các công trình Bảo vệ Môi trường hay Giấy phép môi trường… thì tại buổi làm việc công ty này không cung cấp được với lý do doanh nghiệp mới nhận chuyển nhượng lại của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trường Lộc Hưng Yên và có hẹn cung cấp sau. Nhưng đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp vẫn không thể cung cấp hồ sơ nhằm minh bạch thông tin phản ánh từ người dân.

Trao đổi với lãnh đạo UBND xã Tân Dân được biết, chính quyền xã này cũng đã có nhiều lần kiểm tra, xử lý, lập biên bản với các vi phạm về ô nhiễm môi trường của Trạm bê tông Trường Lộc. Tuy nhiên, tất cả những văn bản có liên quan đến việc xử lý này đều được áp dụng với pháp nhân là Công ty TNHH SX&TM Trường Lộc Hưng Yên chứ không phải Công ty TNHH Trường Lộc Khoái Châu.

Vậy câu hỏi đặt ra là, hiện Trạm trộn bê tông quy mô lớn đang đặt tại thôn Thọ Bình, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên là hoạt động kinh doanh và sản xuất của công ty nào? Các giấy phép hoạt động của bê tông Trường Lộc có đầy đủ hay không? Chính quyền các cấp của huyện Khoái Châu đã quản lý các hoạt động của công ty này ra sao và trước các dấu hiệu vi phạm về ô nhiễm môi trường thì cơ quan quản lý đã làm gì?

Thế nhưng, dù đã đặt lịch làm việc đến cả tháng trời, phóng viên vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin phản hồi nào của chính quyền UBND huyện Khoái Châu.

Ở một diễn biến khác có liên quan, được biết Công ty TNHH Trường Lộc Khoái Châu và Công ty TNHH SX&TM Trường Lộc Hưng Yên đều lần lượt có tên người đại diện pháp luật giống nhau; đều có địa chỉ đăng ký kinh doanh đặt cùng một nơi.

Theo đó, lần lượt người đại diện pháp luật của 2 công ty này là ông Lê Bá Đàn, Ông Lê Bá Long, bà Vũ Thị Tú – 3 người này là vợ chồng và con cái; Ở thời điểm hiện tại, Công ty TNHH Trường Lộc Khoái Châu do ông Lê Bá Long làm Giám đốc và các thành viên Lê Bá Tuyên, Lê Bá Hoàn, Lê Bá Kiên, Lê Bá Hưởng.

Về vị trí đất nông nghiệp bên cạnh (thuộc phần diện tích đất được quản lý bởi UBND xã Ông Đình) đang được bê tông Trường Lộc dùng làm nơi xả một phần chất thải, đóng tảng diện tích lớn, ông Lê Bá Long giải thích rằng chỉ mượn làm nơi để nhờ chứ không phải bãi xả thải của công ty.

Tuy nhiên, theo hồ sơ được biết, phần đất này thuộc dự án “ Đóng gói và kinh doanh các loại phân bón” của Công ty TNHH Nông Việt Hưng Yên. Đây là một dự án được cho là đã chậm tiến độ; thậm chí vào tháng 06 năm 2023 dự án này đã có nghi vấn về việc sử dụng chất thải là cặn bê tông để san lấp mặt bằng khi chưa được giao đất.

Điều đáng chú ý là, chủ đầu tư của dự án này là Công ty TNHH Nông Việt Hưng Yên và cũng lần lượt có người đại diện pháp luật là ông Lê Bá Đàn và bà Vũ Thị Tú.

Trước những vấn đề này, liệu chính quyền tỉnh Hưng Yên đã hình dung ra dấu hiệu của việc vi phạm hàng loạt về vấn đề công tác bảo vệ môi trường, được thực hiện dự án bởi các công ty khác nhau nhưng chỉ cùng một chủ hay không?

Tại sao chính quyền huyện Khoái Châu vẫn không có phản hồi gì về lịch làm việc đề nghị cung cấp thông tin cho phóng viên liên quan đến vụ việc?

Trong trường hợp những dấu hiệu vi phạm về xả thải và phản ánh về ô nhiễm môi trường của bê tông Trường Lộc là có thật, thì liệu chính quyền tỉnh Hưng Yên sẽ có giải pháp gì để cứu sống môi trường cho người dân?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về nội dung này!

Phóng viên BVR&MT