BVR&MT – Ngày 17/01, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 273/BTNMT-TCMT gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ; Cơ quan Trung ương của các Ban, ngành và đoàn thể; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo tổ chức, hưởng ứng Ngày Đất ngập nước Thế giới năm 2019.
Hiện nay, Công ước có 170 quốc gia thành viên với 2.335 khu Ramsar (thuộc danh sách các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế). Trong đó, Việt Nam là thành viên thứ 50 của Công ước Ramsar và đã được công nhận có 09 khu Ramsar (Vườn Quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định; Vùng ngập nước Bầu Sấu – Vườn Quốc gia Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai; Vườn Quốc gia Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn; Vườn Quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp; Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau; Vườn Quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Vườn Quốc gia U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang; khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Láng Sen, tỉnh Long An và khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, tỉnh Ninh Bình). Thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước Ramsar, Việt Nam đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Đất ngập nước thế giới 2-2 hàng năm và triển khai nhiều hoạt động về bảo tồn đất ngập nước trên phạm vi toàn quốc.
Trước những bài học thất bại và những khó khăn phải đối mặt của các quốc gia trong ứng phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu và giá trị to lớn của các vùng đất ngập nước đối với giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, Ban thư ký Công ước Ramsar đã yêu cầu các quốc gia hưởng ứng, tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Đất ngập nước Thế giới năm 2019 với chủ đề “Ngăn chặn suy kiệt đất ngập nước để chống biến đổi khí hậu” (We are not powerless against climate change – Stop draining wetlands) nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò cốt lõi của các vùng đất ngập nước trong thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến sự phát triển của các quốc gia trên thế giới.
Để hưởng ứng yêu cầu của Ban Thư ký Công ước Ramsar về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Đất ngập nước Thế giới năm 2019 và huy động sự tham gia của toàn xã hội trong bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước nhằm ngăn chặn sự suy thoái các vùng đất ngập nước, phát huy cơ sở hạ tầng tự nhiên để ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu trên toàn quốc, Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng đề nghị Quý cơ quan chỉ đạo tổ chức một số hoạt động sau:
Phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng ở Trung ương và địa phương để phổ biến, tuyên truyền về tầm quan trọng của các vùng đất ngập nước đối với việc ứng phó với biến đổi khí hậu và kêu gọi cộng đồng cùng cam kết bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, dừng các hoạt động gây suy thoái các vùng đất ngập nước và thúc đẩy phục hồi các vùng đất ngập nước bị suy thoái; đưa các bản tin hoặc phim ngắn về chủ đề ngăn ngừa sự suy thoái các vùng đất ngập nước nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trên các kênh truyền thông của cơ quan, địa phương.
Tổ chức phát động các phong trào trong năm 2019 với các nội dung: “bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học các vùng đất ngập nước; phục hồi các vùng đất ngập nước bị suy thoái; bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước và hạn chế tối đa việc tháo nước, gây mất nước tại các vùng đất ngập nước để góp phần chống lại sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Lồng ghép nội dung về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu vào các chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành và địa phương.
Tùy theo điều kiện cụ thể, tiến hành các hoạt động truyền thông phù hợp, tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Đất ngập nước thế giới năm 2019; tổ chức các cuộc thi, triển lãm, xây dựng phim phóng sự về chủ đề “Ngăn chặn suy kiệt đất ngập nước để chống biến đổi khí hậu”.
Sau khi hoàn thành các hoạt động tổ chức hưởng ứng kỷ niệm Ngày Đất ngập nước Thế giới năm 2019, đề nghị Quý cơ quan gửi báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp và báo cáo Ban Thư ký Công ước Ramsar”.
Văn Trì