BVR&MT – Sáng 2/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Quảng Ninh, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam (VUSTA) đã tiến hành tổ chức “Hội nghị giao ban các hội ngành toàn quốc 2018” với nhiều nội dung nổi bật liên quan tới kết quả hoạt động của Liên hiệp hội trong 10 tháng đầu năm cũng như cơ chế phối hợp giữa Liên hiệp hội và các Hội ngành trên cả nước.
Tham dự Hội nghị có sự hiện diện của ông Đặng Vũ Minh – Chủ tịch LHH, ông Phạm Văn Tân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký LHH, Ông Phan Tùng Mậu – Phó Chủ tịch kiêm Chủ nhiệm UBKT LHHVN, Lãnh đạo Liên hiệp hội tỉnh Quảng Ninh cùng đông đảo các đại biểu đến từ 86 Hội thành viên trên toàn quốc và các cơ quan thông tấn báo chí trực thuộc LHH.
Theo đó, thực hiện Nghị quyết Đại hội ĐBTQ Liên hiệp Hội Việt Nam lần thứ VII (nhiệm kỳ 2015 – 2020), Nghị quyết Hội nghị Hội đồng Trung ương LHHVN lần thứ 4 (khóa VII) Liên hiệp Hội đã có nhiều cố gắng, đoàn kết, tập hợp và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, tiếp tục thúc đẩy nội dung và phương thức hoạt động phù hợp với Chỉ thị 42-CT/TW ngày 16/04/2010 của Bộ Chính trị về LHH.
Đối với cơ chế phối hợp giữa Liên hiệp hội và các Hội ngành trên cả nước, ông Phạm Văn Tân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký LHH cho biết, VUSTA đã chủ động làm việc, trao đổi với các Hội thành viên; nâng cao các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ , tạo điều kiện phát triển đội ngũ trí thức; quan tâm đến việc phát triển các chi hội và hội viên mới.
Cùng với đó Đoàn Chủ tịch LHH đã cử đại diện tham dự, phát biểu ý kiến, trao bằng khen, kỷ niệm chương cho nhiều tập thể, cá nhân của Hội ngành toàn quốc nhân dịp đại hội trong năm 2018; Ban hành các quyết định công nhận Ban Chấp hành, Ban thường vụ, Ban kiểm tra và các chức danh chủ chốt.
Các Hội ngành toàn quốc đã tổ chức hoặc phối hợp các cơ quan trong và ngoài nước tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn phổ biến kiến thức cho người dân trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ở vùng nông thôn miền núi, vùng sâu vùng xa về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, về chăm sóc sức khỏe, bảo vệ tài nguyên và môi trường…; tổ chức hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý hội, công tác chuyên môn, các hoạt động này mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng và góp phần nâng cao dân trí.
Nhiều Hội ngành cũng đã quan tâm đến việc quảng bá hình ảnh, kết quả hoạt động, phát triển cơ quan báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình, đầu tư đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, chuyên mục trên báo, tạp chí của Hội để kịp thời đáp ứng nhu cầu thông tin của cán bộ, trí thức khoa học công nghệ và người dân.
Bên cạnh đó Hội nghị cũng đề cập tới một số tồn tại và khó khăn của Hội ngành toàn quốc như: Trụ sở, thiết bị và điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn, trật hẹp, thiếu thốn; việc tìm kiếm các nguồn lực phục vụ công tác, kinh phí để duy trì các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế; đa số các cán bộ của Hội ngành tuổi đời cao, cơ quan Trung ương Hội có ít nhân sự, cán bộ trẻ có đủ năng lực và tâm huyết, hoạt động kiêm nghiệm không có thù lao, phụ cấp, không hưởng lương…
Để phát huy những kết quả đạt được và hạn chế tối đa những tồn tại, khó khăn Đoàn Chủ tịch đã định hướng một số vấn đề tập trung nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các Hội ngành trong thời gian tới thông qua các nội dung: Xây dựng tầm nhìn chiến lược về mô hình tổ chức, kế hoạch nguồn nhân sự, nguồn lực tài chính; Nâng cao tỷ lệ Hội viên là cán bộ trẻ, góp phần tạo thêm động lực và sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của Cách mạng 4.0; Mở rộng đối tượng hợp tác trong nước và quốc tế, chú trọng mối quan hệ giữa Hội ngành toàn quốc; Nâng cao hoạt động tư vấn phản biện nhằm xây dựng và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành chính phủ và các bộ, ban, ngành trên cả nước.
Hậu Thạch