BVR&MT – Chúng tôi về xã Hóa Phúc, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình trong những ngày đầu tháng 4. Trên con đường bê tông dẫn vào thôn Kiên Trinh, những cánh rừng trồng của người dân bạt ngàn, xanh ngát trải dài, nối tiếp từ quả đồi này sang quả đồi khác. Nhiều diện tích rừng trồng đã có trên 5 năm tuổi và đến kỳ thu hoạch, người dân tiến hành tỉa thưa giữ lại những cây to, khỏe mạnh để chuyển qua thành rừng gỗ lớn.
Hóa Phúc có tổng diện tích tự nhiên là 3.028,8 ha, diện tích đất lâm nghiệp là 2.729,22 ha, trong đó rừng tự nhiên 2.055,94 ha, rừng trồng sản xuất 673,28 ha, rừng giao cho 86 hộ gia đình có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 2571,71 ha. Những năm qua, tiếp thu chủ trương trồng rừng kinh tế của huyện, Đảng ủy, UBND xã Hóa Phúc đã tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân phát triển trồng rừng trên diện tích đất rừng được giao.
Cùng với đó, việc quản lý, bảo vệ rừng được xã hội hóa, nên diện tích rừng trồng ngày càng tăng nhanh. Năm 2010, rừng trồng bắt đầu cho thu hoạch với sản lượng gỗ lớn, mang lại thu nhập cao cho các hộ dân, nhiều hộ thu từ gỗ rừng trồng trên 100 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế từ rừng tăng rõ rệt, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, góp phần xoá đói, giảm nghèo. Rừng sau khi khai thác được nhân dân trồng lại với nhiều đổi mới về kỹ thuật trồng cũng như giống cây.
Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Hóa Phúc vẫn bộc lộ nhiều hạn chế: chất lượng rừng tự nhiên ngày càng suy giảm; chất lượng rừng trồng hiệu quả chưa cao; một số hộ dân chưa có ý thức trong công tác bảo vệ rừng, còn vi phạm phá rừng trái pháp luật; việc sắp xếp tổ chức sản xuất, phát triển rừng kinh tế chưa hợp lý, còn nhỏ lẻ.
Để tiếp tục phát huy tiềm năng về đất trồng rừng cũng như giá trị của rừng trồng, đặc biệt thực hiện Chương trình hành động của Huyện ủy Minh Hóa, về phát triển trông mới giai đoạn 2016-2020 xã Hóa Phúc đã mạnh dạn xây dựng mô hình trồng rừng gỗ lớn, mô hình này bước đầu chuyển hoá rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn.
Đồng chí Đinh Thanh Liêm, Bí thư Đảng ủy xã Hóa Phúc cho biết, mục tiêu của xã khi thực hiện mô hình là nhằm phát triển mạnh chương trình trồng rừng kinh tế, đưa trồng rừng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và thực sự là điểm nhấn quan trọng, đóng góp đáng kể trong cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp và trở thành chủ lực của xã. Mô hình sẽ tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân, thúc đẩy sự phát triển của ngành kinh tế nhất là lâm nghiệp.
Mô hình góp phần quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả, bền vững quỹ đất quy hoạch sản xuất hiện có, nâng cao chất lượng và khai thác có hiệu quả tiềm năng, giá trị của rừng nhằm bảo đảm vai trò phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần tăng trưởng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng nông thôn mới của xã.
Xã Hóa Phúc cũng đề ra mục tiêu cụ thể để phấn đấu, đó là giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp tăng trưởng bình quân thời kỳ 2016-2020 đạt từ 14% đến 15%. Đến năm 2020, tổng diện tích rừng trồng của xã đạt 1.500ha, chuyển đổi 150ha rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn, khuyến khích nhân dân sản xuất rừng gỗ lớn bằng các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế. Trong năm 2017 này, xã Hóa Phúc đang tập trung xây dựng thí điểm một số mô hình trồng rừng kinh tế gỗ lớn sau đó sẽ nhân rộng.
Theo đó, các đồng chí cán bộ xã Hóa Phúc đã đăng ký đi đầu chủ trương này, đã có 10 đồng chí gồm bí thư, chủ tịch, cán bộ cốt cán của xã tham gia mô hình rừng gỗ lớn với diện tích trên 15 ha, riêng đồng chí Đinh Thanh Liêm – Bí thư Đảng ủy xã đã thực hiện tỉa thưa 2 ha rừng trồng thành rừng gỗ lớn. Ngoài ra, xã Hóa Phúc còn tập trung giải thích cho người dân hiểu được hiệu quả kinh tế của mô hình trồng rừng gỗ lớn, đó là việc chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn sẽ cho trữ lượng rừng, lượng tăng trưởng bình quân của rừng sau chuyển hóa cao gấp 6-7 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ.
Nếu so sánh với một chu kỳ trồng rừng gỗ nhỏ từ 5-7 năm thì việc tỉa thưa, mở rộng không gian dinh dưỡng cho rừng tại thời điểm rừng gỗ nhỏ chuẩn bị đến kỳ thu hoạch và tiếp tục trồng thêm đến chu kỳ khai thác 13- 15 năm sẽ giúp nâng trữ lượng rừng lên khoảng 350m³/ ha.
Theo đó, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn rất nhiều so với rừng gỗ nhỏ. Bên cạnh hiệu quả kinh tế, trồng rừng kinh doanh gỗ lớn giúp giảm bớt số lần khai thác, trồng lại rừng nên giảm xói mòn, rửa trôi đất do quá trình khai thác, trồng lại rừng gây ra. Do đó, hiện nay đã có rất nhiều hộ dân trong xã đăng ký thực hiện mô hình rừng trồng gỗ lớn với diện tích lên đến hàng chục héc ta.
Gia đình anh Đinh Thanh Hiên ở thôn Sy có 5 ha rừng kinh tế, anh cho biết: “Gia đình đăng ký chuyển 3ha rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, hiện tôi đang tỉa thưa số diện tích rừng trồng đã gần 3 năm tuổi để chuyển đổi. Tuy nhiên, do trước đây đất này là đất khoanh nuôi bảo vệ, gia đình tự chuyển qua trồng rừng kinh tế nên bây giờ chuyển tiếp thành rừng gỗ lớn thì cũng gặp một số khó khăn, như: không có tiền hỗ trợ cải tạo theo quy định là 1ha 2 triệu đồng, những cây chặt tỉa không được vận chuyển ra khỏi rừng để bán”. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều hộ dân trên địa bàn xã Hóa Phúc khi muốn chuyển qua rừng trồng gỗ lớn.
Đồng chí Cao Bá Đồng, Chủ tịch UBND xã Hóa Phúc cho biết, việc xây dựng các mô hình trồng rừng gỗ lớn sẽ hướng tới các nội dung chính gồm: giao đất, giao rừng cho hộ, nhóm hộ để phát triển trồng rừng kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trên cơ sở quy định của pháp luật, xã sẽ hướng dẫn cho hộ gia đình, nhóm hộ cùng nhau bàn bạc xây dựng quy chế, lập kế hoạch quản lý rừng, giám sát chương trình trồng rừng kinh tế bảo đảm thực hiện đúng theo quy định, tổ chức đánh giá hiệu quả đem lại trong quá trình thực hiện (thay đổi về thu nhập các hộ gia đình, thay đổi về độ che phủ so với trước, sản lượng trên đơn vị diện tích, cháy rừng, sâu bệnh hại…) từ đó rút ra bài học kinh nghiệm kịp thời điều chỉnh những thiếu sót và hạn chế trong quá trình xây dựng mô hình để nhân ra diện rộng. Trước mắt, năm 2017 Hóa Phúc tập trung xây dựng hoàn chỉnh các mô hình điểm với diện tích 60 ha.