BVR&MT – Mới đây, Tổ chức Traffic và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã thỏa thuận hợp tác trong việc ngăn chặn các hành vi buôn bán và sử dụng trái phép các sản phẩm có nguồn gốc từ động, thực vật hoang dã tại Quảng Ninh.
Theo thỏa thuận này, Tổ chức Traffic sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và triển khai các chính sách trách nhiệm xã hội có lồng ghép các nội dung về bảo vệ động, thực vật hoang dã.
Lễ ký kết diễn ra trong khuôn khổ Hội thảo “Xây dựng mạng lưới, kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường, động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Hội thảo diễn ra nhằm thảo luận về các giải pháp để giải quyết vấn nạn buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã hướng tới sự phát triển bền vững của địa phương.
Lãnh đạo của Văn phòng Ủy ban tỉnh, lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp, đại diện doanh nghiệp và đại diện mạng lưới giám sát động, thực vật hoang dã – Tổ chức Traffic – đơn vị chủ trì tổ chức hội thảo đã cùng lắng nghe những thông tin cập nhật về tình hình buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã và chia sẻ các giải pháp khả thi nhằm ngăn chặn hoạt động phi pháp này trong mối tương quan với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Quảng Ninh.
Các đại biểu tham gia hội thảo đã được thông tin về tình hình buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã đã và đang diễn ra tại Quảng Ninh – địa phương giáp ranh biên giới với Trung Quốc có Vịnh Hạ Long là một địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút nhiều khách du lịch. Theo khảo sát của Tổ chức Traffic, hoạt động buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã vẫn đang diễn ra sôi nổi tại Quảng Ninh với người mua chủ yếu là khách du lịch Việt Nam và Trung Quốc.
Bà Lê Thị Thu Thủy – Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có nhiều cách thức và giải pháp hiệu quả để doanh nghiệp có thể triển khai nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan đến các hoạt động buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã, trong đó bao gồm việc xây dựng các bộ quy tắc ứng xử và chính sách trách nhiệm xã hội doanh nghiệp có lồng ghép các nội dung về bảo vệ động, thực vật hoang dã.
Theo bà Thủy, Những giải pháp này không chỉ giúp doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt nhằm cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường mà còn góp phần thu hút thêm nhiều khách hàng cho doanh nghiệp. Nhiều trường hợp của các doanh nghiệp điển hình sau khi tiên phong áp dụng các giải pháp này đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cũng theo bà Thủy, những hoạt động này không chỉ giúp doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội và môi trường mà còn đem lại cho doanh nghiệp những lợi ích cụ thể khác điển hình như sự gia tăng về số lượng khách hàng quan tâm đến bảo tồn thiên nhiên hoang dã sẽ tìm đến các dịch vụ/hàng hóa của doanh nghiệp.
Tại hội thảo, Tổ chức Traffic đã khuyến khích các đại biểu thảo luận và đề xuất các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi không sử dụng trái phép các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã mà họ thấy hiệu quả và phù hợp khi áp dụng trong thực tế, để từ đó xây dựng một lối sống xã hội nói không với động, thực vật hoang dã.
“Lãnh đạo và doanh nhân Quảng Ninh là những hình mẫu tiên phong truyền cảm hứng và hỗ trợ lan tỏa thông điệp thay đổi hành vi đối với toàn xã hội. Mục tiêu cuối cùng là góp phần đưa Quảng Ninh trở thành địa phương đi đầu trong việc đấu tranh chống lại buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã – là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển có trách nhiệm và bền vững của ngành du lịch Quảng Ninh” – Đại diện Traffic khẳng định.
Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Tổ chức Traffic và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, là cơ sở cho cơ chế phối hợp giữa hai tổ chức trong việc ngăn chặn các hành vi buôn bán và sử dụng trái phép các sản phẩm có nguồn gốc từ động, thực vật hoang dã tại Quảng Ninh. Theo thỏa thuận này, Tổ chức Traffic sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và triển khai các chính sách trách nhiệm xã hội có lồng ghép các nội dung về bảo vệ động, thực vật hoang dã.