BVR&MT – Sau hai năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định về thương mại hàng hoá và mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh tạo ra những điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển kinh tế, mở rộng quan hệ thương mại quốc tế, EVFTA cũng đặt ra nhiều thách thức về an sinh xã hội và sử dụng lao động tại Việt Nam. Đây cũng chính là một trong những vấn đề được thảo luận tại Cuộc họp Định kỳ và Tập huấn Chương 13 Hiệp định EVFTA – Thương mại và phát triển bền vững, lần thứ 2 trong năm 2022 do Viện FES Việt Nam phối hợp với Trung tâm phát triển Nông thôn bền vững SRD tổ chức.
Chương 13 của Hiệp định EVFTA không đặt ra các yêu cầu bắt buộc hay tiêu chuẩn mới mà nhắc lại các nghĩa vụ đang thực thi hoặc cam kết cần nỗ lực cải thiện, nâng cao các tiêu chuẩn nội địa về lao động, môi trường, xã hội. Đồng thời, thúc đẩy thương mại G&SPG từ rừng được quản lý bền vững theo pháp luật trong nước, bao gồm cả việc ký kết và thực thi Hiệp định VPA/FLEGT. Theo ông Nguyễn Phú Hùng, nhóm Thương mại và Phát triển bền vững (DAG) có chức năng tập hợp, trình bày quan điểm và đưa ra khuyến nghị, tư vấn và góp ý đối với việc thực thi chương 13 của Hiệp định. Tuy nhiên các quan điểm và khuyến nghị của nhóm DAG chỉ có giá trị tham khảo, không mang tính ràng buộc đối với các cơ quan tổ chức có liên quan. Trong năm 2022, DAG đã tổ chức nhiều toạ đàm, diễn đàn, các cuộc họp cũng như các nghiên cứu khảo sát có ý nghĩa quan trọng trong việc thực thi chương 13 của Hiệp định EVFTA.
Theo nghiên cứu khả năng đáp ứng các quy định EVFTA về môi trường xã hội và lao động của các doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ tại Việt Nam, ông Hoàng Liên Sơn – Chuyên gia tư vấn Viện Quản lý rừng bền vững & CCR cho rằng: “Những doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện tốt các quy định về đánh giá tài nguyên môi trường hoặc đăng ký môi trường nhưng chỉ có 26,9% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tuân thủ. Ngoài ra, doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện quản lý chất thải, phế thải tương đối tốt. Rất ít doanh nghiệp sử dụng tuần hoàn phế thải, bởi quy trình sản phẩm không khép kín, chất thải chru yếu được xử lý bằng phương pháp đốt trực tiếp. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng rất quan tâm đến điều kiện làm việc của phụ nữ, trong khi DN siêu nhỏ chỉ quan tâm đến việc không bố chí việc làm độc hại, ca đêm”. Qua đó cần hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nâng cao nhận thức và hiểu biết, thông tin về các hiệp ước quốc tế về môi trường và lao động. Đồng thời, có chính sách giảm phần chi trả Bảo hiểm xã hội của DN nhỏ và siêu nhỏ để nâng cao tỷ lệ người lao động được ký hợp đồng lao động, đảm bảo quyền lợi của người lao động
Bàn về lao động và quyền của người lao động tại các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh thực thi Hiệp định EVFTA. Bà Nguyễn Thu Hương – Đại diện nhóm nghiên cứu Oxfam Việt Nam cho biết: “Theo kết quả của nhiều nghiên cứu, hầu hết người lao động đều mong muốn làm thêm giờ do thu nhập chính thức của công nhân không đủ để trang trải cuộc sống. Trong điều kiện lạm phát những năm vừa qua, đặc biệt trong năm 2022 với mức lương không tăng, chất lượng cuộc sống của công nhân đang bị kéo xuống”. Qua nghiên cứu khảo sát, một số người cho rằng tính độc lập và đại diện của công đoàn cơ sở trong việc bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của họ còn rất hạn chế. Đồng thời, điều kiện lao động như lương, chế độ phục lợi, giờ làm… liên quan đến người lao động phụ thuộc rất lớn vào kết quả của quá trình thương lượng tập thể. Theo bà Nguyễn Thu Hương, doanh nghiệp cần đảm bảo quyền lợi cho người lao động không phải tăng ca mà vẫn hưởng mức lương đủ sống cho người lao động. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết, chia sẻ đơn hàng giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ để trành tình trạng thừa thiếu lao động, nguyên vật liệu trong quá trình sản xuất.
Tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Thi – Chuyên viên Bộ Tài nguyên Môi trường cũng đề xuất kế hoạch giám sát của tổ chức xã hội như tổ chức đối thoại, thông qua việc tiếp thu ý kiến phản ánh, kiến nghị trực tiếp; đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đồng thời tham gia các hoạt động giám sát cho dân cử và thông qua việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về dân chủ cơ sở. Bàn luận về đề xuất xây dựng kế hoạch giám sát việc thực hiện các cam kết về môi trường trong hiệp định EVFTA bà Đỗ Thị Thu Hà – Khoa Kinh tế & Quản trị kinh doanh Trường Đại học Lâm nghiệp cho rằng: “Đây là một vấn đề rất mới đáng để bàn luận và có tính khả thi cao. Tuy nhiên, để thực hiện được kế hoạch, điều quan trọng đầu tiên chúng ta cần làm là cụ thể hoá và chi tiết các vấn đề. Đơn cử như về cách thức thực hiện, chức năng của các bên và những đề xuất có khả thi và mang tính thực tiễn hay không?”.
Thực hiện: Tuyết Lan