Hải Dương xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp phục vụ chế biến xuất khẩu

BVR&MT – Hải Dương sẽ xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp phục vụ chế biến xuất khẩu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và mở rộng quy mô sản xuất theo quy trình GAP.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Kinh Môn.

Để đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu năm 2021, ngành NN&PTNT Hải Dương đã tham mưu cho tỉnh ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn 2021-2025. Sở NN&PTNT cũng phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng quy hoạch vùng theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế các địa phương.

Năm 2021, tỉnh xác định sản xuất nông nghiệp tiếp tục theo hướng hàng hóa tập trung, chú trọng vào chất lượng, trong đó, tập trung vào sản xuất rau củ để các sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

“Chúng tôi tự tin sẽ đưa được sản phẩm rau, củ sang các thị trường khó tính. Để đạt được mục tiêu này, ngành nông nghiệp tập trung làm tốt khâu liên kết 4, có trao đổi, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, chỉ đạo và giám sát từ khâu sản xuất đến sơ chế, đóng gói, xuất khẩu”, ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở NN&PTNT cho TTXVN biết.

Song hành với chỉ đạo sản xuất, thời gian tới, Hải Dương tiếp tục phối hợp, quyết liệt thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản. Các hoạt động kết nối người sản xuất với nhà phân phối để đưa nông sản tiếp cận với người tiêu dùng sẽ được đẩy mạnh.

Tỉnh cũng cam kết hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý; nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tham mưu tỉnh ban hành cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực chế biến.

Năm 2020, mặc dù nhiều khó khăn, nhưng ngành nông nghiệp Hải Dương đã có những con số tăng trưởng ấn tượng. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 19.000 tỷ đồng, tăng 7,1% so với năm 2019.

Các vùng sản xuất rau chuyên canh cho hiệu quả cao tiếp tục được duy trì và mở rộng diện tích. Tổng diện tích rau màu của Hải Dương đạt trên 41.100 ha và cây ăn quả khoảng trên 21.300 ha. Toàn tỉnh có 802 trang trại chăn nuôi trong đó khoảng 80% cơ sở đáp ứng tiêu chí nông nghiệp sạch, 95 cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP. Sản xuất thủy sản tiếp tục tăng trưởng khá, với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên 11.800 ha và trong đó, khoảng 2.000 ha được nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao.

Trong năm qua, việc xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường nông sản trong nước và xuất khẩu cũng có những kết quả tốt. Đặc biệt, nhiều nông sản xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường cao cấp đã khẳng định chất lượng của nông sản Hải Dương. Đơn cử như vải, nhãn xuất khẩu đi Nhật Bản, Mỹ, Australia, Singapore; cà rốt đi Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông; bắp cải xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản; dưa chuột muối xuất khẩu đi Nga, Hàn Quốc; hành, tỏi xuất khẩu Malaysia…