BVR&MT – Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã đưa vào triển khai vận hành thử nghiệm ứng dụng HSDC Maps với các chức năng: Cảnh báo ngập lụt, gợi ý chỉ đường, thông tin mực nước, lượng mưa… và hiện tại ứng dụng được cung cấp miễn phí cho người dân.
Thông tin với báo giới chiều 5/6, ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, với cường độ mưa trong khoảng từ 50mm-100mm trong khoảng 2h thì các tuyến phố chính vẫn tồn tại 15 điểm úng ngập. Ngoài ra, các điểm ngập cục bộ tồn tại do mới tiếp nhận bàn giao các ngõ, ngách khu dân cư 12 quận nội thành, các tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 70m, quốc lộ 32, quốc lộ 21B… trên đường gom đại lộ Thăng Long (đoạn ngã ba Thiên đường Bảo Sơn) và tại một số vị trí hầm chui dân sinh … sẽ gây khó khăn cho đời sống dân sinh và các phương tiện tham gia giao thông.
Trong năm 2017, các đơn vị đã giải quyết triệt để được 3/18 điểm úng ngập tồn tại nhiều năm trên địa bàn như: Ngã 3 Phan Đình Giót – Quang Trung; đường Yên Nghĩa và đường Cổ Linh.
Theo ông Hoàng Cao Thắng, có 5 điểm ngập đang được triển khai giải quyết là đường Giải Phóng, phố Phan Văn Trường; ngã 5 Đường Thành – Nhà Hỏa – Bát Đàn; 2 điểm tại Đội Cấn và Hoa Bằng đang được khẩn trương khởi công trong quý II/2018. Một số điểm úng ngập khác đang được chủ đầu tư triển khai giải quyết là tại dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long; đường Trường Chinh – dự án đường vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở – Ngã Tư Vọng; dự án phố Minh Khai-cống hóa mương Vĩnh Tuy…
Trong năm 2018, kế hoạch thoát nước, chống úng ngập được Sở Xây dựng xác định là bảo đảm thoát nước nhanh về các nguồn tiêu để có giải pháp tiêu thoát nước kịp thời tại khu vực nội thành, giảm thiểu các điểm úng ngập; hoàn thiện trước mùa mưa công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước hiện có…
Theo thống kê từ đầu mùa mưa đến nay xuất hiện 9 trận mưa phạm vi rộng khắp thành phố. Hầu hết các trận mưa này không ảnh hưởng đến công tác thoát nước trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, trận mưa ngày 12/5 trên toàn thành phố có cường độ mưa lớn từ 45-90mm vượt quá công suất thiết kế của hệ thống thoát nước dẫn đến xuất hiện một số điểm úng ngập ở khu vực quận huyện độ sâu từ 0,1-0,6 m.
Cung cấp thông tin về công tác thoát nước mùa mưa, ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, ngay từ đầu năm 2018, Công ty đã tiếp tục nâng cấp đưa Trung tâm giám sát, vận hành hệ thống thoát nước hoạt động ổn định hơn. Trong đó chức năng chính của trung tâm là dự báo, giám sát diễn biến mưa, lượng mưa, mực nước; giám sát tình hình hoạt động của các trạm bơm, giám sát diễn biến mưa, lượng mưa, mực nước; giám sát tình hình hoạt động của các trạm bơm, đập điều tiết trên hệ thống thoát nước.
Phạm vi giám sát của trung tâm được phủ kín toàn địa bàn Hà Nội với 41 trạm đo mưa, 30 trạm đo nước tự động. Các thông số của trung tâm được liên kết với Cổng Thông tin điện tử của TP. Hà Nội và của Công ty để người dân có thể truy cập, nắm bắt diễn biến tình hình các trận mưa, điểm úng ngập trên địa bàn.
Từ đầu tháng 4/2018, Công ty đã đưa vào triển khai vận hành thử nghiệm ứng dụng HSDC Maps với các chức năng: Cảnh báo ngập lụt, gợi ý chỉ đường, thông tin mực nước, lượng mưa, hình ảnh camera của điểm ngập, tương tác với người dân qua chức năng gửi thông tin sự cố…
Hiện tại ứng dụng được cung cấp miễn phí cho người dân bằng cách truy cập vào kho ứng dụng của Appstore trên điện thoại hoặc các thiết bị sử dụng hệ điều hành IOS để tải về. Ngoài ra, tiếp tục nghiên cứu và cung cấp miễn phí cho người sử dụng phiên bản thử nghiệm trên hệ điều hành Android…
Theo ông Võ Tiến Hùng, tốc độ phát triển các khu đô thị rất nhanh nhưng kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ. Hiện nay các khu đô thị trong nội thành đã hoàn chỉnh việc kết nối ra hệ thống hạ tầng kỹ thuật thoát nước xung quanh, đặc biệt có nhiều khu đô thị thoát nước ra phụ thuộc vào hệ thống thủy lợi, điều tiết tưới tiêu nên bị úng ngập do một số khu đô thị chưa đáp ứng tốt hệ thống máy bơm đẩy nước ra. Đặc biệt khu vực Tây Nam thành phố thoát nước hoàn phụ thuộc vào sông Nhuệ tự chảy. Phải chờ đến khi Trạm bơm Yên Nghĩa tháng 8 tới đây hoàn thành tình hình mới được cải thiện…
Ông Hùng cho biết, việc xây dựng hồ điều hòa điều tiết chứa nước thải chống úng ngập là tất yếu: “Tại các điểm úng ngập cố hữu chúng tôi nghiên cứu giải quyết bằng đào hồ ngầm nhân tạo khi mưa đưa nước vào các bể chứa nhân tạo điều tiết thải nước bằng bơm tự động, sau đó lượng này sẽ dùng tưới cây hoặc cứu hỏa. Việc đặt hầm nhân tạo khẳng định rất khả thi, sử dụng công nghệ hiện đại chắc chắn sẽ hiệu quả mà không có biện pháp nào khác giải quyết được vì quanh các điểm này vướng nhiều công trình. Chúng tôi hiện đang đề xuất thành phố, với việc khí hậu, thời tiết có xu hướng cực đoan mưa lớn trong thời gian ngắn việc xây dựng hồ điều hòa là tất yếu”.