BVR&MT – Định hướng phát triển khu vực gồm 6 quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông là phát triển các tổ hợp kiến trúc điểm nhấn dọc sông Hồng. Đặc biệt, xây dựng khu vực Hồ Tây trở thành điểm nhấn của Thủ đô.
Xây dựng khu vực Hồ Tây trở thành điểm nhấn của Hà Nội
Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội vừa phối hợp cùng đơn vị tư vấn tổ chức hội thảo lấy ý kiến về phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển kinh tế xã hội tại 6 quận gồm: Tây Hồ, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông nhằm tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Báo cáo về hiện trạng phát triển của 6 quận, đại diện đơn vị tư vấn nêu, đây là các quận thuộc khu vực nội đô, tập trung nhiều trường đại học, có khu công nghệ thông tin tập trung duy nhất của thành phố nằm tại quận Cầu Giấy.
Đây cũng là khu vực đầu mối của nhiều tuyến đường giao thông quan trọng. Khu vực là nơi có các trục phát triển: Sông Hồng; Nhật Tân – Nội Bài; Hồ Tây – Cổ Loa; Hồ Tây – Ba Vì…
Trong khu vực có các sản phẩm đào Nhật Tân, quất Tứ Liên cùng các làng nghề nổi tiếng như Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, làng nghề dệt the La Khê (Hà Đông), làng nghề đúc đồng Ngũ Xá (Tây Hồ), làng nghề giấy sắc Nghĩa Đô (Cầu Giấy)…
Qua phân tích hiện trạng, đơn vị tư vấn đã đưa ra định hướng phát triển khu vực gồm 6 quận. Cụ thể, việc tổ chức không gian được xác định trên cơ sở mạng lưới đường giao thông, kết hợp với các yếu tố cảnh quan đặc thù trên địa bàn như tổ hợp các trường đại học; các đình, chùa, đền, di tích lịch sử; bệnh viện; các sông (Hồng, Tô Lịch, Nhuệ, Đáy); các công viên, hồ điều hòa…; trục sông Hồng, Hồ Tây – Ba Vì.
Các tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn 6 quận (số 2, số 4, số 5, số 6, số 7, số 8) tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện. Trong đó, một số tuyến dự kiến sẽ được điều chỉnh trong đợt này cho phù hợp hơn.
Phát triển trục sông Hồng gắn với lộ trình từng giai đoạn, trước mắt ưu tiên phát triển các giải pháp về không gian xanh sinh thái, cung cấp các tiện ích, dịch vụ cộng đồng cho người dân đô thị.
Xây dựng hạ tầng giao thông tiếp cận gồm giao thông dọc sông, cầu qua sông, tuyến đường thủy dọc sông… gắn với các giải pháp đảm bảo hành lang thoát lũ và thích ứng với điều kiện thủy văn của sông.
Phát triển những tổ hợp kiến trúc điểm nhấn dọc sông Hồng, đồng thời kiểm soát chặt sự chuyển đổi các khu vực hiện hữu. Kết nối không gian sinh thái sông Hồng với hệ thống các tuyến sông, mặt nước đô thị.
Đặc biệt, xây dựng khu vực Hồ Tây với chức năng là trung tâm văn hóa, công cộng, phát triển du lịch, khai thác cảnh quan, trở thành điểm nhấn của Thủ đô Hà Nội. Khai thác tiềm năng to lớn (đặc biệt là tiềm năng về văn hóa) khu vực Hồ Tây góp phần phát triển Hà Nội xanh, văn minh, văn hiến, hiện đại…
Chú ý định hướng phát triển các không gian ngầm
Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải lưu ý, các quận, huyện, sở, ngành, đơn vị tư vấn, đơn vị lập Quy hoạch Thủ đô cần tiếp tục bám sát Khung định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thông qua.
Các đơn vị được yêu cầu thường xuyên cập nhật các nội dung mới từ quy hoạch ngành. Số liệu sử dụng bảo đảm đầy đủ, đồng bộ.
“Trong báo cáo của đơn vị tư vấn, phải đề cập ít nhất 3 nguồn lực: Nhân lực, vật lực và tài lực. Các quận, huyện căn cứ vào đó để cụ thể hóa các nguồn lực này. Trong các nguồn tài nguyên được nêu ra, cần nhận diện rõ nét nguồn tài nguyên nhân văn và tài nguyên số để có giải pháp sau này”, ông Hải yêu cầu.
Các đơn vị tư vấn cũng được yêu cầu chú ý đề cập đến định hướng phát triển các không gian ngầm, không gian xanh, không gian số, không gian văn hóa; các trục không gian sông Hồng, sông Tô Lịch, không gian văn hóa hồ Tây… khi tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô.