BVR&MT – Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đề nghị các Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phối hợp với chính quyền đồng cấp hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập bộ phận phòng, chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp, gọi tắt là “ Tổ An toàn COVID-19”.
Hiện nay, dịch COVID-19 có những diễn biến hết sức phức tạp và đang bùng phát tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Trên địa bàn thành phố đã xuất hiện 5 trường hợp công nhân lao động trong Khu Công nghiệp và Chế xuất bị nhiễm SARS-CoV-2; một số nhà máy, phân xưởng, dây chuyền sản xuất đã bị phong tỏa, nhiều công nhân lao động đã bị cách ly theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Trước tình hình đó, nhằm phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn và đội ngũ công nhân lao động tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đề nghị các Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phối hợp với chính quyền đồng cấp hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập bộ phận phòng, chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp, gọi tắt là “ Tổ An toàn COVID-19”.
Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn Thủ đô, nhất là doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và chế xuất yêu cầu mỗi tổ sản xuất hoặc bộ phận tương đương của các cơ sở sản xuất kinh doanh ít nhất phải thành lập một “Tổ An toàn COVID-19”, hoạt động kiêm nhiệm. Trường hợp tổ sản xuất có đông người lao động thì có thể thành lập nhiều “Tổ An toàn COVID-19” để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ.
Thành viên của “Tổ An toàn COVID-19” là người lao động trực tiếp làm việc tại tổ sản xuất, có am hiểu về công tác phòng, chống dịch bệnh; tự nguyện, gương mẫu, có uy tín đối với công nhân lao động. Mỗi “Tổ An toàn COVID-19” có ít nhất 3 người, trong đó nếu doanh nghiệp đã thành lập Mạng lưới An toàn vệ sinh viên cơ sở thì các thành viên An toàn viên sẽ là lực lượng nòng cốt (Tổ trưởng của “Tổ An toàn COVID-19”).
“Tổ An toàn COVID-19” có nhiệm vụ tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn, nhắc nhở công nhân trong Tổ thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại nơi làm việc và ngoài giờ làm việc; theo dõi, kiểm tra, giám sát về tình hình sức khỏe và việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Cùng với đó, phát hiện nhắc nhở, kiến nghị người có trách nhiệm xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về công tác phòng, chống dịch theo quy định của chính quyền và quy chế của doanh nghiệp; báo cáo kịp thời cho lãnh đạo quản lý, Công đoàn cơ sở và bộ phận Y tế của doanh nghiệp khi phát hiện trường hợp công nhân lao động có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 để cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm kịp thời.
Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ quan chức năng truy vết các trường hợp F1, F2 và các trường hợp khẩn cấp trong doanh nghiệp khi doanh nghiệp có người mắc bệnh hoặc phải cách ly theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; kiến nghị với người có trách nhiệm, cán bộ Công đoàn đảm bảo các biện pháp, phương tiện, vật tư trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
“Tổ An toàn COVID-19” được tập huấn, cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình dịch bệnh, có biện pháp để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại nơi làm việc; được dành một phần thời gian ít nhất 30 phút mỗi ngày (vẫn được hưởng lương) để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế tại đơn vị, Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động xem xét có các hình thức bồi dưỡng, hỗ trợ về vật chất, khen thưởng động viên kịp thời, để khuyến khích “Tổ An toàn COVID-19” tại doanh nghiệp hoạt động tích cực và có hiệu quả; được quyền yêu cầu người lao động dừng làm việc, thực hiện ngay các biện pháp khai báo, cách ly khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh…
Cũng theo chỉ đạo của lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trong các cấp Công đoàn.
Đối với Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, chủ động phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý các Khu Công nghiệp, Chế xuất Hà Nội và Liên đoàn Lao động các quận, huyện trong việc rà soát, lập danh sách đoàn viên, người lao động tại các doanh nghiệp (họ tên, chỗ ở hiện tại, số điện thoại ). Chỉ đạo Công đoàn cơ sở rà soát, thống kê, yêu cầu đoàn viên, công nhân lao động có hoạt động giao thương thường xuyên tại các Khu Công nghiệp, Chế xuất trên địa bàn các tỉnh, thành phố khác chủ động khai báo y tế hàng ngày qua ứng dụng công nghệ thông tin hoặc khai báo y tế tại Trạm Y tế địa phương; thực hiện nghiêm thông điệp 5K và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phối hợp với chính quyền đồng cấp chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp chủ động xây dựng kịch bản phòng, chống dịch khi xuất hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2; tích cực tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý. Đặc biệt, quan tâm tập trung chỉ đạo Công đoàn cơ sở trong các đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đoàn viên, công nhân viên chức lao động tham gia phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn tuyệt đối công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.