BVR&MT- Tháng 12/2017, UBND tỉnh Hà Giang ban hành hơn 20 thông báo gửi đến các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh yêu cầu các thủy điện chấp hành quy định pháp luật về hoạt động xây dựng và vận hành nhà máy.
Những thông báo đã nêu rõ từng sai phạm của các nhà máy thủy điện và yêu cầu chủ đầu tư các nhà máy khắc phục những tồn tại, hoàn thiện các thủ tục liên quan… báo cáo UBND tỉnh, Sở Công Thương và Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/1/2018.
Trước đó, Bảo vệ Rừng và Môi trường điện tử đã có loạt bài phản ánh những tình trạng còn tồn tại liên quan đến việc cấp phép xây dựng, báo cáo đánh giá tác động môi trường, cắm mốc giới, giải phóng mặt bằng, hợp đồng thuê đất, hỗ trợ đền bù, an toàn lao động… Đây cũng là những nội dung chính mà UBND tỉnh Hà Giang yêu cầu chủ đầu tư các nhà máy nghiêm túc thực hiện sau khi lập đoàn kiểm tra.
Như Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường đã thông tin, ngày 1/9/2017, UBND tỉnh Hà Giang gửi Văn bản hỏa tốc số 3491/UBND-KTN yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với các sở ban ngành tham mưu thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành và dự thảo Kế hoạch kiểm tra tình hình tuân thủ pháp luật của các dự án thủy điện đã vận hành, khai thác và đang đầu tư xây dựng trên địa bàn, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 9/9/2017.
Đến ngày 20/9/2017 UBND tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định 1872/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra các dự án thủy điên trên địa bàn tỉnh. Sau một thời gian kiểm tra, đến ngày 15/11/2017 các Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng đoàn kiểm tra đã có báo cáo gửi UBND tỉnh. Ngay sau đó một ngày, chiều 16/11 Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn đã có buổi làm việc với các sở ngành liên quan.
Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang kết luận, và giao nhiệm vụ cho các Sở, Nghành liên quan. Kết luận nêu rõ những mặt tích cực và tiêu cực của các dự án thủy điện mang lại, đã phát huy được tiềm năng, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương… Tuy nhiện, việc quản lý thủy điện chưa tốt gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt người dân, ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông, môi trường sinh thái vùng hạ du, chính quyền thiếu kiểm tra đôn đốc và kiểm tra ngoài thực địa.
Thêm nữa là việc chấp hành các quy định về đâu tư, xây dựng, đất đai, môi trường và tài nguyên nước, công tác an sinh xã hội, sinh kế cho người dân chưa được các chủ đầu tư quan tâm thực hiện.
Văn Hoàng