BVR&MT – Nằm phía cực Bắc Tổ quốc, Hà Giang được mệnh danh vùng đất đầy tiềm năng, có sức hút mãnh liệt đối với các nhà đầu tư. Mỗi khác biệt về địa hình, khí hậu, tài nguyên, tập quán sinh hoạt của đồng bào các dân tộc… đều trở thành lợi thế cạnh tranh. Những năm gần đây, Hà Giang đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách cụ thể, nhằm đánh thức tiềm năng và đã có nhà đầu tư lớn, mạnh dạn triển khai dự án, bước đầu hứa hẹn những thành công.
Tính về khoảng cách địa lý, Hà Giang cách Thủ đô Hà Nội 320 km, nhưng lại có 277,556 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc. Lợi thế này được ví như cánh cửa rộng lớn, giúp các doanh nghiệp vươn xa, xâm nhập thị trường đầy tiềm năng với dân số đông nhất hành tinh. Địa hình Hà Giang gồm một quần thể núi non hùng vĩ, hiểm trở, độ cao trung bình 800 m – 1.200 m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình cả năm khoảng 21,60C – 23,90C, chế độ mưa khá phong phú, bình quân khoảng 2.300 – 2.400 mm… Điều này đã tạo ra cho Hà Giang những lợi thế khác biệt, hiếm nơi nào có, nhiều sản vật địa phương luôn được khách trong và ngoài nước ưa chuộng.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, nhà khoa học, Hà Giang đang tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm thế mạnh địa phương, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất nông nghiệp với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trong nước, xuất khẩu; phát triển, tiêu thụ nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, xây dựng thương hiệu chè và hợp tác với các đối tác quảng bá thương hiệu văn hóa chè Việt Nam, tham gia các chuỗi cung ứng tại các thị trường xuất khẩu chính; đẩy mạnh trồng, chế biến dược liệu… Đặc biệt, vùng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn với những nét sinh hoạt truyền thống, lâu đời, đặc sắc của đồng bào các dân tộc luôn cuốn hút du khách, rượu đã cạn, chợ đã tan, tiếng khèn đã khuất sau những dãy núi mờ xa, nhưng lòng người vẫn lưu luyến.
Một trong những thế mạnh khác của Hà Giang chính là tài nguyên du lịch sinh thái với thảm thực vật phong phú, đa dạng, cùng nhiều chủng loại động vật quý, hiếm và đã thực sự trở thành nguồn lực, đóng góp đáng kể vào kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, Hà Giang được xếp vào hệ thống các Khu bảo tồn thiên nhiên điển hình của hệ rừng núi đá Đông Bắc Việt Nam, thúc đẩy hình thành tam giác phát triển du lịch Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng – Đông Bắc – Tây Bắc. Từ lợi thế “cánh cửa” mở ra thế giới rộng lớn, Hà Giang và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã thiết lập được các cơ chế hợp tác, thúc đẩy cải cách hành chính, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và phát triển kinh tế biên mậu…
Tính từ năm 2004 đến hết năm 2016, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 57 tổ chức Phi Chính phủ nước ngoài như Trung tâm Con người Thiên nhiên (PanNature) và Plan, Caritas/Thụy Sỹ, AAV, Vision Care/Hàn Quốc, FFI, Tổ chức trẻ em Rồng xanh… triển khai 98 chương trình, dự án với tổng số tiền giải ngân trên 19 triệu USD ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, phát triển KT-XH, tài nguyên môi trường, văn hóa, xây dựng năng lực tổ chức và hỗ trợ tư pháp. Từ năm 2016 đến nay, Hà Giang cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 51 dự án trong nước, với tổng số vốn trên 4 nghìn tỷ đồng; trong đó, có 3 dự án FDI, tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 102 tỷ đồng.
Với tinh thần đổi mới, năng động, sáng tạo, quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ngành, huyện, thành phố… môi trường đầu tư của tỉnh Hà Giang đã thực sự thuận lợi, có nhiều tập đoàn lớn đã đến tìm hiểu và triển khai dự án. Trong số các nhà đầu tư đến Hà Giang, đã xuất hiện nhiều tên tuổi lớn như Tập đoàn TH, Vingroup, Tập đoàn Banyan Tree, Tập đoàn Hào Hưng… Các nhà đầu tư đều khẳng định, Hà Giang đã có bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính; môi trường đầu tư thực sự thông thoáng; tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức đã thể hiện rõ trách nhiệm, những tín hiệu tích cực này khiến họ vững tâm đầu tư vào mảnh đất đầy tiềm năng này.
Sau những cuộc tiếp xúc ngắn với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Giang, Tập đoàn Hào Hưng, nhà đầu tư đến từ thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chế biến nguyên liệu giấy, ván ghép thanh, xây dựng cầu cảng đã thành lập Công ty TNHH Hào Hưng Hà Giang. Hiện Công ty đang rà soát quỹ đất tại huyện Quang Bình, Xín Mần, nhằm triển khai các dự án trọng điểm của Tập đoàn trên địa bàn tỉnh.
Tập đoàn Vingroup – nhà đầu tư lớn cũng đã đặt chân đến Hà Giang, đang được kỳ vọng tạo ra diện mạo mới cho đô thị miền núi với các dự án dự kiến sẽ triển khai như: Trung tâm thương mại, khách sạn và nhà ở thương mại Shop House đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư; Dự án Công viên nước Hà Phương đã được Tập đoàn khảo sát toàn bộ diện tích trong phạm vi công viên và các vị trí đất lân cận.
Mới đây nhất, Tập đoàn Banyan Tree, nhà đầu tư hàng đầu khu vực châu Á -Thái Bình Dương trong lĩnh vực phát triển, quản lý khách sạn, khu nghỉ dưỡng, Spa cao cấp đã hoàn thành việc khảo sát đầu tư tại tỉnh ta. Các thông tin được công bố cho thấy, Tập đoàn Banyan Tree hiện có gần 30 khách sạn và khu nghỉ dưỡng, 65 Spa, hơn 80 gallery và 3 sân golf. Theo đánh giá của đại diện Tập đoàn Banyan Tree, trình tự, thủ tục pháp lý đầu tư vào các dự án trên địa bàn tỉnh đang được tích cực triển khai.
Tập đoàn TH cũng đã đến Hà Giang và đang tích cực triển khai các hoạt động khảo sát, lập dự án đầu tư. Ngay khi quyết định đầu tư vào Hà Giang, Tập đoàn đã thành lập Công ty TNHH Dược liệu công nghệ cao Hà Giang. Từ kết quả khảo sát thực tế, Tập đoàn TH đã đề xuất 4 dự án đầu tư như: Dự án trồng và chế biến dược liệu với tổng diện tích khoảng 10 nghìn ha, suất đầu tư dự kiến 1 tỷ đồng/ha; trồng chè với tổng diện tích dự kiến 1.200 ha tại các xã thuộc huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần; chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa với số lượng đàn bò 10 nghìn con, nhà máy chế biến sữa công suất 200 tấn/ngày, trang trại có quy mô trên 60 ha… Bên cạnh đó, Tập đoàn TH cũng đề xuất triển khai dự án sân golf 18 lỗ, tổng diện tích trên 100 ha tại xã Phong Quang.
Trước đó, một số doanh nhân người địa phương, sau những năm làm ăn, thành công trên thương trường, đã trở lại quê hương Hà Giang, triển khai hoạt động đầu tư, góp phần tạo sự thay đổi diện mạo của mảnh đất và cuộc sống người dân. Cùng với làn sóng đầu tư của các tập đoàn lớn trong, ngoài nước đổ về Hà Giang, một loạt các dự án như: Làng văn hóa đa trải nghiệm Lô Lô Chải của Công ty Cổ phần Carbon Việt Nam; Nhà máy chế biến dược liệu của Công ty Cổ phần Dược liệu Bông Sen Vàng; khu phức hợp làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn làng nghề truyền thống của Công ty Du lịch và Lữ hành Miền Đất Việt; khu bảo tồn và du lịch sinh thái Chiêu Lầu Thi của Công ty Cổ phần Du lịch Chiêu Lầu Thi… đang hứa hẹn mang đến những thành công và càng khẳng định, Hà Giang thực sự là vùng đất hấp dẫn, đầy triển vọng đối với các nhà đầu tư.
Thiên Thanh – Hoàng Tưởng