BVR&MT – Trong nỗ lực không ngừng của ngành du lịch Việt Nam những năm qua nhằm biến Việt Nam thành “cứ điểm” du lịch hàng đầu thế giới, không thể không kể đến vai trò của các doanh nghiệp làm ăn bài bản, với những dự án giải trí – nghỉ dưỡng tầm cỡ, được đầu tư đồng bộ, làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt du lịch Việt Nam.
Bước từ Cầu Vàng ra thế giới
Câu chuyện về sự nổi tiếng của cây Cầu Vàng – Đà Nẵng có lẽ không cần phải nhắc đến nhiều nữa. Sự xuất hiện dày đặc của hashtag #cauvang #goldenbridge trên các mạng xã hội hay các kênh truyền thông của thế giới đã minh chứng cho sức hút không thể cưỡng của Cầu Vàng với du khách quốc tế.
Nhưng có lẽ ít ai nhắc đến lý do khiến cây Cầu Vàng – Đà Nẵng nổi tiếng, thậm chí vượt ngoài sức tưởng tưởng của người thiết kế ra nó. Giả sử Cầu Vàng không nằm trong tổng thể khu tổ hợp du lịch – nghỉ dưỡng Sun World Bà Nà Hills thì nó có tạo ra hiệu ứng lớn đến vậy không?
Từ khi Cầu Vàng xuất hiện, Sun World Bà Nà Hills như được “kích ngòi nổ”, trở nên hút khách hơn bao giờ hết. Sau khi được chơi vui, ăn ngon tại Sun World, khách du lịch lại ghé Cầu Vàng để check-in “sống ảo”. Điều đó cho thấy, sự đầu tư một cách bài bản, có tính toán của chủ đầu tư – Sun Group trong việc biến Bà Nà Hills trở thành tâm điểm du lịch của Việt Nam.
Không ngạc nhiên khi Sun World Bà Nà Hills – Đà Nẵng, cùng với tổ hợp Sun World Halong Complex (Quảng Ninh) đã lọt Top 5 “Khu du lịch và vui chơi giải trí tốt nhất Việt Nam năm 2019” tại lễ trao giải thưởng Du lịch Việt Nam năm 2019 và chủ đầu tư dự án cũng lọp Top 5 Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch hàng đầu Việt Nam.
Nhìn rộng ra, thị trường du lịch Việt Nam vốn đầy tiềm năng nhưng từ lâu chưa được đầu tư đúng mức. Cách làm ăn chộp giật, manh mún, nhỏ lẻ kiểu “Bắc Sầm Sơn, Nam Vũng Tàu” khiến khách du lịch “một đi không trở lại” và ngành du lịch cứ mãi đì đẹt dậm chân tại chỗ.
Mấy năm trở lại đây, những doanh nghiệp BĐS giàu tiềm lực tài chính và kinh nghiệm quản lý đã đầu tư mạnh vào những khu vực trọng điểm du lịch Việt Nam như Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc khiến những nơi này được nâng tầm trở thành điểm đến quốc tế. Những tổ hợp du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng lớn mọc lên không chỉ mang quy mô quốc gia mà còn xứng tầm thế giới đã minh chứng một điều rằng, nếu đầu tư bài bản, theo chiến lược rõ ràng thì du lịch Việt Nam sẽ như “diều gặp gió”.
Không thiếu nơi cho khách tiêu tiền
Nhìn lại năm 2018, Việt Nam đón 15,6 triệu lượt khách quốc tế. Riêng 7 tháng đầu năm nay, đã có gần 10 triệu lượt khách ngoại tới Việt Nam. Sức hút của du lịch Việt Nam chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, giúp Việt Nam trở thành một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng khách du lịch nhanh nhất thế giới.
Trước đây, nhiều ý kiến cho rằng khách quốc tế đến Việt Nam ít cơ hội trải nghiệm dịch vụ, ít chỗ tiêu tiền. Nếu như người Việt Nam đi du lịch nước ngoài chi tiêu lên đến 1.000-2.000 USD, thì khách quốc tế đến Việt Nam chỉ quanh quẩn việc Ăn – Ngủ – Nghỉ và chi tiêu chỉ khoảng vài trăm USD. Nhưng đến nay, gió đã đổi chiều, nhiều tổ hợp du lịch – nghỉ dưỡng giúp khách tiêu hết tiền vẫn chưa chán.
Đặc biệt là các “thiên đường” du lịch biển Hạ Long, Phú Quốc, Đà Nẵng… với các tổ hợp vui chơi giải trí như Sun World Halong Complex, khu nghỉ dưỡng Sun Premier Village Ha Long Bay, khu shophouse phong cách đa châu lục Sun Plaza Grand World, JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay… đã trở thành những điểm sáng hút khách trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Tại Diễn đàn bất động sản du lịch 2019 diễn ra mới đây, TS Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Du lịch đã khẳng định, sự lớn mạnh của ngành du lịch đã kích thích đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ, mạng lưới phân phối, mang lại nguồn thu, gia tăng xuất khẩu, tạo việc làm và lan tỏa đến tất cả các ngành, lĩnh vực liên quan, đặc biệt là đầu tư vào bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Ở chiều ngược lại, những dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí quy mô lớn, đầu tư bài bản là chất xúc tác, đóng góp vào sự phát triển của ngành du lịch, thông qua việc thu hút, níu chân khách. Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, một số chủ đầu tư lớn đã bắt đầu nhận ra sự thiếu hụt của hạ tầng du lịch nên đã xây dựng những quần thể nghỉ dưỡng lớn theo hình thức “all in one” – một điểm đến đầy đủ nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, mua sắm.
Thay vì đầu tư dàn trải theo chiều rộng, các “ông lớn” trên thị trường bất động sản chuyển hướng theo chiều sâu. Chẳng hạn, các siêu tổ hợp như Sun World Halong Complex (Quảng Ninh), Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng) của Sun Group được xây dựng ở những vị trí đắc địa của các trung tâm du lịch, có sự liên kết với các hạ tầng du lịch nghỉ dưỡng khác, tạo ra sức hút lan tỏa đến du khách.
Tới đây, khách có thể ăn, ngủ, nghỉ, chơi. Bất kì nhu cầu thiết yếu nào của khách du lịch cũng được đáp ứng. Đó là cách đầu tư mang dấu ấn riêng biệt của những ông lớn tên tuổi. Hiệu quả thấy rõ, dòng khách du lịch khổng lồ từ khắp nơi trên thế giới đang hằng ngày ùn ùn kéo tới “enjoy” tại những siêu tổ hợp nghỉ dưỡng – giải trí này. Đó là cơ hội rộng mở cho giới đầu tư địa ốc, để đi trước đón bắt cơ hội kinh doanh dịch vụ du lịch.
Ban Phóng viên