BVR&MT – Trong thời gian giãn cách xã hội, lượng người tiêu dùng chuyển sang thanh toán qua thẻ, ứng dụng di động, mã thanh toán nhanh QR, ví điện tử… ngày càng gia tăng, góp phần hạn chế giao dịch tiền mặt. Các ngân hàng thương mại cũng không bỏ lỡ cơ hội này để thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán online.
Chị Đào Ánh Nguyệt (phố Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây, tôi chưa bao giờ mua sắm online hay thanh toán trực tuyến. Thẻ ATM chỉ dùng duy nhất rút tiền mặt. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh xảy ra, tiền mặt qua tay nhiều người cũng không đảm bảo vệ sinh, bất tiện khi trả lại tiền thừa, nên tôi đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử E-banking, làm quen với việc mua sắm và thanh toán điện tử. Những ngày qua, gia đình tôi hạn chế tối đa ra khỏi nhà, để phòng bệnh. Khi có nhu cầu mua các đồ dùng thiết yếu, tôi đặt qua kênh mua sắm trực tuyến của siêu thị rất tiện lợi”.
Trong thời gian giãn cách xã hội, hàng quán ăn uống đóng cửa, anh Nguyễn Mạnh Cường, phố Yên Ninh, Hà Nội vẫn có đồ ăn sáng nóng hổi nhờ mua online, ship (vận chuyển) tận nhà. Không chỉ vậy, gia đình anh Cường còn đi chợ trực tuyến qua App VinID, Now, Shopee… Khách hàng còn được miễn phí vận chuyển khi mua đơn hàng trên 300.000 đồng tại VinID nếu quãng đường dưới 5 km.
Vừa tất bật soạn các đơn hàng thực phẩm bán online của “Bếp ông Vượng”, chị Minh Thu ở số 3/32 An Dương (quận Tây Hồ, Hà Nội) hào hứng nói: “Giờ thuận tiện lắm, tôi chỉ quảng cáo hàng trên Facebook, Zalo, khách đặt mua là chuyển khoản, còn người bán sử dụng app giao nhận hàng, thanh toán cho shipper qua thẻ, rất thuận tiện”.
Để tăng lượng khách hàng mua sắm, bên cạnh việc triển khai giảm giá sản phẩm, nhiều cửa hàng còn hỗ trợ giao hàng miễn phí. Một số chủ cửa hàng còn đăng ký mặt hàng của mình trên các trang bán hàng online như Tiki, Shopee, Sendo… để dễ tiếp cận người mua hơn. Với việc thanh toán hóa đơn qua ví điện tử, khách hàng có thể được hoàn tiền từ 10 – 20%, kể cả khi mua data, thẻ điện thoại, thẻ game, đặt chỗ nhà hàng, đặt vé máy bay, vé xem phim…
Qua tìm hiểu, ngân hàng VIB đang áp dụng gói giải pháp khuyến khích giao dịch trực tuyến qua ngân hàng điện tử tại https://ib.vib.com.vn và ứng dụng ngân hàng di động MyVIB. Các gói này gồm: Miễn phí chuyển tiền nhanh liên ngân hàng đối với tất cả các giao dịch có giá trị đến 500.000 đồng; miễn phí chuyển tiền trực tuyến cho mọi khách hàng dùng gói tài khoản VIB Sapphire; và tặng lãi suất 0,1%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến so với lãi suất gửi tại quầy ở hầu hết các kỳ hạn.
Theo bà Trần Thu Hương, Giám đốc chiến lược kiêm Giám đốc khối ngân hàng bán lẻ VIB, thời gian qua, lượng khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ ngân hàng số tăng 73%, trong đó, 17% lượng khách hàng mới là từ kênh đăng ký qua website www.vib.com.vn. “Chúng tôi mong muốn góp phần phổ biến và đẩy mạnh hơn nữa hình thức giao dịch trực tuyến tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thanh toán chi tiêu của người dân, đồng thời đóng góp một trong những giải pháp hữu hiệu để tăng cường ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19”, bà Thu Hương nói.
MSB cũng đang triển khai chương trình cho chủ thẻ tín dụng quốc tế mang tên “Hôm nay thứ mấy, hoàn tiền từng ấy”. Khởi động cho chương trình này là cơ chế giảm giá, hoàn tiền khi khách hàng chi tiêu online trên Tiki hoặc mua sắm trực tiếp tại chuỗi siêu thị Lotte Mart trên toàn quốc trong quý II/2020. Cụ thể, vào thứ 2 hàng tuần, khách hàng nhận mức giảm giá 20%, tối đa 200.000 đồng cho hóa đơn từ 500.000 đồng khi thanh toán trực tuyến qua thẻ tín dụng MSB Visa Online tại Tiki. Tiếp theo đó, vào thứ 3, chủ thẻ khi mua sắm trực tiếp tại chuỗi siêu thị Lotte Mart với hóa đơn có giá trị tối thiểu 800.000 đồng sẽ nhận ưu đãi hoàn tiền 30%, tối đa 300.000 đồng từ MSB. Đối tượng hưởng ưu đãi này là khách hàng sở hữu thẻ tín dụng Mastercard (bao gồm thẻ liên kết Vpoint, Lotte).
COVID-19 đang làm người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm, từ offline sang hoạt động online, đặt hàng từ nhà, giao dịch, mua bán trực tuyến… để hạn chế trực tiếp phải đến các cửa hàng, trung tâm, từ đó giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.
Theo Nielsen, dịch COVID-19 dẫn đến thói quen sinh hoạt và tiêu dùng bị tác động đáng kể với 50% người dân đã giảm tần suất ghé thăm các siêu thị, cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống. Ngoài ra, 25% số người được hỏi cho biết đã tăng cường mua sắm, giao dịch trực tuyến và giảm các hoạt động mua sắm bên ngoài. Vào các ngày thứ 6,7 và Chủ nhật hàng tuần từ 17 – 30/04, khách hàng sở hữu thẻ Visa Travel hoặc Visa Dining được hoàn tiền 30% tối đa 300.000 đồng khi mua sắm tại siêu thị BigC và 20% tối đa 200.000 đồng khi chi tiêu online trên Shopee.
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải cho biết: Đầu tháng 3.2020, Cục đã khảo sát 20 website và sàn giao dịch thương mại điện tử lớn tại Việt Nam. Kết quả cho thấy, tỷ lệ đơn đặt hàng trên các sàn này tăng mạnh. Loại hình hàng hóa liên quan đến thiết bị y tế như khẩu trang, nước rửa tay khô được giao dịch nhiều nhất, tỷ lệ đơn đặt hàng tăng khoảng 80 -100% so với trước. Bên cạnh đó, các đơn đặt hàng liên quan đến dịch vụ ăn uống cũng tăng cao, khoảng 70%.
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, để đảm bảo an toàn cho các giao dịch trực tuyến, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần nâng cao tính an toàn, hiện đại hóa công nghệ và thiết bị. Cùng với đó, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần nâng cao chất lượng bảo mật ở mức cao nhất. “Việc chống lại tội phạm kỹ thuật cao tương đối khó khăn nhưng chúng ta phải đảm bảo mức an toàn gần như tuyệt đối trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, không được cung cấp thông tin bảo mật cho bất kỳ ai, nên sử dụng phương thức xác thực 2 lớp để bảo đảm phòng tránh tin tặc”, ông Đinh Trọng Thịnh nói.