BVR&MT – Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hiệp Quốc (FAO) đang phối hợp với các quốc gia thành viên, tổ chức xã hội dân sự và khối tư nhân để cải thiện phương pháp thích ứng và giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và khủng hoảng đối với ngành nông nghiệp tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Ngày 15/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng FAO tổ chức Hội nghị khu vực về “Thực hiện Khung hành động Sandai về giảm thiểu rủi ro thiên tai cho ngành nông nghiệp ở châu Á – Thái Bình Dương”. Kết quả của hội nghị sẽ được trình bày tại Hội nghị khu vực châu Á Thái Bình Dương lần thứ 34 của FAO vào tháng tới ở Fiji để xác định các ưu tiên trong vòng hai năm tới. Các khuyến nghị này cũng sẽ được công bố tại các cuộc thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng châu Á năm 2018 về Giảm thiểu rủi ro thảm họa, hội nghị nhằm thảo luận về việc thực hiện Khung hành động Sendai trong khu vực do Chính phủ Mông Cổ sẽ tổ chức vào tháng 7/2018.
Tại hội nghị, FAO đã công bố báo cáo toàn cầu “Tác động của thiên tai và khủng hoảng đối với nông nghiệp và an ninh lương thực năm 2017.” Báo cáo chỉ ra rằng trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2015, thiên tai gây ra thiệt hại ước tính 96 tỷ USD trong trồng trọt và chăn nuôi của các nước đang phát triển. Hạn hán là một trong những nguyên nhân hàng đầu chiếm 83% thiệt hại kinh tế, với thiệt hại cho nông nghiệp ước tính khoảng 29 tỷ USD.
Báo cáo cũng cảnh báo rằng đây không phải là bức tranh đầy đủ do chúng ta vẫn còn thiếu thông tin về các thiệt hại và mất mát trong nuôi trồng thủy hải sản, và lâm nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: “Nông nghiệp là vấn đề sống còn đối với nhiều nước trong khu vực. Phát triển nông nghiệp đặc biệt là sản xuất lương thực đã giúp Việt Nam đứng vững trong các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và khu vực, duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội. Rõ ràng là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đô thị hóa, không thể xóa đói giảm nghèo mà không tăng cường khả năng phục hồi sinh kế phụ thuộc nông nghiệp, đặc biệt là các nông hộ nhỏ”.
Thảo luận về những rủi ro mà trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp gặp phải, các đại biểu tham dự hội nghị chia sẻ những kinh nghiệm tốt trong việc giảm rủi ro và tăng cường khả năng chống chịu và cùng nhau xác định các ưu tiên để tiếp tục thực hiện Khung hành động Sendai trong lĩnh vực nông nghiệp.
Khung hành động Sendai kêu gọi quản lý rủi ro thiên tai cần phải lồng ghép vào tất cả các lĩnh vực phát triển. Việc này rất quan trọng để không chỉ giảm thiểu tổn thất thiên tai mà còn ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro, thích ứng với biến đổi khí hậu và đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của thế giới (SDGs). Trong bốn thập kỷ qua, thiệt hại do thiên tai ở châu Á và Thái Bình Dương tăng lên 16 lần về mặt tài chính
“Chúng ta phải hành động để đảo ngược xu hướng này. Với 2,5 tỷ người trên hành tinh sống dựa vào nông nghiệp, mức độ thiệt hại và tổn thất này đe dọa những nỗ lực của chúng ta trong việc chấm dứt nạn đói nghèo” – bà Kundhavi Kadiresan, Phó Tổng Giám đốc FAO và Trưởng Đại diện Khu vực châu Á và Thái Bình Dương phát biểu.
Hoạt động nông nghiệp rất dễ bị tổn thương trước thảm họa do phụ thuộc nhiều vào khí hậu, tài nguyên thiên nhiên và thương mại toàn cầu. Biến đổi khí hậu làm gia tăng những rủi ro này. “Nhưng rủi ro cũng một phần là do việc chúng ta lập kế hoạch chưa tốt, gây ra áp lực về tài nguyên đất và nước, gây suy thoái hệ sinh thái, di cư và gia tăng căng thẳng xã hội và khả năng dễ bị tổn thương của người dân, đặc biệt là người nghèo. Đầu tư có hệ thống và hiểu rõ những rủi ro này sẽ đảm bảo cho các hành động hiệu quả” – ông Mofazzal Hossain Chowdhury Maya, Bộ trưởng Quản lý Thiên tai và Cứu trợ, Bangladesh nhấn mạnh.