Giáo dục bảo tồn động vật hoang dã cho học sinh tiểu học

BVR&MT – Ít nhất 4 triệu học sinh cấp tiểu học sẽ lần đầu tiên được học về bảo tồn các loài động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp, quý hiếm đang bị buôn bán trái pháp luật tại Việt Nam như tê giác, voi, tê tê, hổ, chim hồng hoàng và voọc trong năm học 2019 – 2020. Đây là mục tiêu chính của Dự án Giảm nhu cầu sử dụng các loại ĐVHD bị buôn bán trái phép tại Việt Nam do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) thực hiện với sự hỗ trợ của Tổ chức quốc tế Đối xử nhân đạo với Động vật (HSI).

Hội thảo với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức Bảo tồn ĐVHD

Sau thành công ở Hợp phần 1 (2013 – 2016), ý tưởng chính trong Hợp phần 2 của Dự án là xây dựng và phổ cập bộ tài liệu “Giáo dục bảo tồn ĐVHD bị đe dọa tuyệt chủng cho học sinh tiểu học”. Bộ tài liệu này sẽ giúp các em học sinh tiểu học – mầm non tương lai của đất nước – hiểu về bảo tồn ĐVHD và các mối đe dọa đối với các loài này với hi vọng hình thành tình yêu thương với động vật, từ đó giúp lan tỏa thông điệp “nói không với các sản phẩm từ ĐVHD”.

Phát biểu tại Hội thảo Tổng kết Dự án diễn ra vào sáng 6/11, tại Hà Nội, bà Hà Thị Tuyết Nga, Giám đốc cơ quan thẩm quyền Quản lý CITES Việt Nam kiêm Giám đốc Dự án cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia có độ đa dạng sinh học cao trên thế giới. Thời gian qua, có nhiều loài bị suy giảm, nguyên nhân do sinh cảnh thu hẹp, khai thác, sử dụng quá mức, buôn bán bất hợp pháp góp phần tuyệt diệt các loài trong tự nhiên và mất đi sự cân bằng sinh thái, đe dọa đời sống và môi trường của chúng ta.

“Với dự hỗ trợ từ HSI, chúng tôi đã triển khai Dự án Giảm nhu cầu sử dụng các loại ĐVHD bị buôn bán trái phép tại Việt Nam từ năm 2013. Hợp phần đầu tiên của dự án tập trung vào giảm sử dụng sừng tê giác. Chúng tôi đã truyền thông điệp tới 36 triệu người thông qua tiếp cận trẻ em tiểu học – chủ nhân tương lai đất nước và là truyên truyền viên nhí hoạt động rất tích cực và hiệu quả. Ở Giai đoạn 2, chúng tôi tập trung vào hướng dẫn các thầy cô tổ chức hoạt động ngoại khóa và xây dựng bộ tài liệu về các loài động vật quý hiếm để khơi dậy tình yêu thương của học sinh tiểu học” – bà Nga chia sẻ.

Mặc dù đạt được một số kết quả ban đầu, song theo bà Nga, còn nhiều hoạt động cần cải thiện để đạt được hiệu quả. Đặc biệt, cần đưa hoạt động này trở thành hoạt động thường xuyên và chính thức trong chương trình giáo dục toàn quốc.

Ôg Adam Peyman – Quản lý Chương trình, Chánh văn phòng Tổ chức HIS toàn cầu cũng cho hay: “Cách đây 4 năm, khi bắt đầu dự án, chúng tôi từng nghĩ việc xây dựng bộ tài liệu này là một giấc mơ xa xỉ, đặc biệt là có thể đưa bộ tài liệu này bậc tiểu học lại càng khó khăn hơn, giờ thấy giấc mơ ấy trở thành hiện thực là tuyệt vời. Việc đưa giáo dục bảo tồn động vật hoang dã bị đe dọa là tín hiệu tích cực cho Việt Nam và tương lai của các loài ĐVHD. Điều này sẽ mang lại những thay đổi lâu dài cho thế hệ mai sau”.

Tại Việt Nam, nhiều loài ĐVHD đang bị thu hẹp sinh cảnh sống và bị săn bắt, buôn bán trái phép.

Được biết, sau nhiều năm thực hiện thí điểm và nghiên cứu, đánh giá, “Bộ tài liệu Giáo dục bảo tồn ĐVHD có nguy cơ tuyệt chủng cho học sinh tiểu học” đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt chính thức vào ngày 22/8/2019 tại Quyết định số 2453/QĐ-BGDĐT.

Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Dự án có hai mục tiêu hướng tới là các em được trang bị kiến thức bảo vệ ĐVHD làm nền tảng và các em là chủ thể khi trao đổi, chia sẻ thông tin với gia đình. Với quy mô lớn của bậc tiểu học có thể tác động đến 4-6 triệu gia đình với khoảng 8 triệu học sinh tiểu học… Sau khi tài liệu được phê duyệt sẽ tích cực đôn đốc các địa phương, đặc biệt là 10 tỉnh đi đầu tham gia, sau đó sẽ triển khai 63 tỉnh thành”.

Bộ tài liệu đã được thử nghiệm tại 10 tỉnh trên cả nước với các hoạt động như tập huấn cho giáo viên, dạy thử nghiệm cho học sinh dưới các hình thức chơi trò chơi, câu đố, vẽ, xem video, thuyết trình, trả lời câu đố, tìm hiểu về đời sống của các loài động vật như sinh cảnh, thức ăn, môi trường.

Nghiên cứu đối chứng của nhóm chuyên gia độc lập cho thấy đã có rõ thay đổi rõ rệt về hiểu biết và nhận thức, thái độ của học sinh, giáo viên sau hoạt động chạy thử nghiệm so với trước đây.

Một số hình ảnh tại sự kiện:

Văn Hoàng  – Bích Ngọc