BVR&MT – Ngày 30/9, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 18. Tại Phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Về các Vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá cao công tác thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đề xuất cần triển khai công tác này một cách hiệu quả, đúng đối tượng, tránh sự trùng lắp, chồng lấn với các chương trình khác.
Một số đại biểu cho rằng, ngoài công tác đảm bảo giảm nghèo, hướng tới xóa nghèo bằng cách cấp tiền, cơ sở vật chất, các địa phương cũng cần chú trọng tới những công việc khác như để người dân có thể tiếp cận với những thủ tục giảm nghèo, thoát nghèo một cách hiệu quả nhất. Mặt khác, cũng cần quan tâm đến việc vì sao hộ nghèo giảm tốt nhưng hộ cận nghèo lại giảm chậm.
Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tiến hành thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.
Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 cho thấy, các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo được triển khai đồng bộ thông qua các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020.
Tỷ lệ hộ nghèo còn 3,75% năm 2019 và ước năm 2020 còn khoảng 2,75%, trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,43%. Tỷ lệ hộ nghèo ở 64 huyện nghèo còn 27,85% năm 2019, ước cuối năm 2020 còn khoảng 24%, trung bình mỗi năm giảm 5,28%. Các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo đều đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra. Các bộ, ngành, địa phương tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội của địa bàn nghèo, nhất là khu vực nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc đã có sự thay đổi rõ rệt. Thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo được cải thiện, từng bước tiệm cận chuẩn mức sống tối thiểu. Kết quả giảm nghèo và cách tiếp cận giải quyết vấn đề nghèo đói ở Việt Nam tiếp tục được các đối tác phát triển, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo trong thời gian qua vẫn còn tồn tại những hạn chế, đó là chuẩn nghèo thu nhập chỉ bằng 70% chuẩn mức sống tối thiểu tại thời điểm năm 2015, hiện nay chỉ còn bằng khoảng 45% chuẩn mức sống tối thiểu, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm bằng chuẩn mức sống tối thiểu theo Nghị quyết 76 đặt ra.
Việc rà soát, tích hợp văn bản chính sách về giảm nghèo cũng như việc chuyển đổi phương thức hỗ trợ người nghèo từ hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, có thời hạn triển khai chưa hiệu quả; các chính sách giảm nghèo đã được tích hợp bước đầu nhưng vẫn còn dàn trải, thiếu tính hệ thống.
Tình trạng phát sinh nghèo còn cao, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm không đồng đều trong các vùng của cả nước; thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng thấp.
Tỷ lệ xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 thoát khỏi tình trạng khó khăn chưa đạt mục tiêu đề ra 20-30%. Tại một số huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%; tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 58,53% (cuối năm 2019).
Nhấn mạnh kết quả tích cực trong thực hiện Nghị quyết 76, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng chúng ta chưa bằng lòng với những gì đã đạt được nhưng quốc tế đánh giá Việt Nam là gương sáng trong giảm nghèo. Thẳng thắn nhìn nhận, việc phấn đấu giảm nghèo bền vững rất khó khăn, tình trạng tái nghèo, tái cận nghèo còn cao và thực tế còn tình trạng mâu thuẫn là ở một số huyện, tỉnh nghèo thì tỷ lệ hộ nghèo phát sinh thấp hơn một số tỉnh kinh tế khá giả.
“Có nhiều nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân cơ bản là việc tách hộ để được hưởng chính sách nghèo, cận nghèo, rồi giải quyết nhà ở, đất ở. Phải thẳng thắn là còn tình trạng trục lợi,” ông Đào Ngọc Dung nêu rõ.
Tại Phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá cao công tác thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đề xuất cần triển khai công tác này một cách hiệu quả, đúng đối tượng, tránh sự trùng lắp, chồng lấn với các chương trình khác.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai, báo cáo của Chính phủ chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, trong đó có những vấn đề mà báo cáo các giai đoạn đều lặp lại là: kết quả giảm nghèo chưa bền vững; tỷ lệ nghèo trong đồng bào dân tộc còn cao; khoảng cách giàu nghèo gia tăng và sự trông chờ ỷ lại vẫn lớn.
Nhấn mạnh chuẩn nghèo có nhiều điểm chưa phù hợp thực tế, hiện nay đạt chỉ số giảm nghèo là con số vượt qua chuẩn nghèo chứ không phải vượt qua tình trạng nghèo và đó là lý do báo cáo đánh giá là giảm nghèo chưa bền vững, ông Nguyễn Hoàng Mai kiến nghị, Chính phủ khi xây dựng Nghị quyết mới trình Quốc hội cho giai đoạn tới cần tiếp tục tinh thần cốt lõi của Nghị quyết 76 là áp dụng nghèo đa chiều, hỗ trợ có điều kiện, gắn đối tượng địa bàn, thời gian thụ hưởng, khuyến khích vượt nghèo, bố trí nguồn lực; không có chồng lấn chính sách.
Phân tích sâu hơn về thực hiện Nghị quyết 76, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, nguồn lực chủ yếu vẫn là từ ngân sách Trung ương, nhưng quá trình triển khai bố trí chậm, chủ yếu vào cuối năm và cuối giai đoạn. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện, tuy nhiên, báo cáo lại cho thấy kết quả giảm nghèo khá nhanh. Do đó, Chính phủ cần đánh giá sâu hơn để từ đó rút kinh nghiệm cho giai đoạn tới.
Góp ý vào báo cáo, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân cho rằng để có thêm kinh phí cho công tác giảm nghèo, ngoài ngân sách Nhà nước cần huy động thêm sự đóng góp của xã hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Việc xác định tiêu chí hộ nghèo, cận nghèo cần được tính toán kỹ lưỡng, tránh sự chồng chéo giữa hộ nghèo ở miền núi và nông thôn.
Cũng trong sáng nay, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tiến hành thẩm tra thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về Bình đẳng giới năm 2019 và giai đoạn 2011-2020. Đa số các đại biểu đánh giá cao công tác bình đẳng giới trong thời gian qua. Có ý kiến cho rằng, cần xem xét lại một số chỉ tiêu đạt được và chưa đạt được.
Đề cập đến nội dung trên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng sau gần 10 năm thực hiện công tác bình đẳng giới, kết quả đạt được là có 13 trong số 22 chỉ tiêu dự kiến đạt chỉ tiêu đề ra; có chín trong số 22 chỉ tiêu chưa đạt hoặc chưa có đủ cơ sở để đánh giá kết quả. Điều này cho thấy cần phải có thêm sự giám sát về công tác bình đẳng giới xem chất lượng có thực sự như báo cáo không, các chỉ tiêu chưa đạt được hoặc chưa có đủ cơ sở để đánh giá kết quả là gì để có sự điều chỉnh kịp thời.
Phát biểu kết luận tại Phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các ủy viên, đại biểu và cho rằng, đây là những ý kiến sát thực, tâm huyết để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bình đẳng giới hiệu quả hơn, đạt được tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế đề ra.
Bà Nguyễn Thúy Anh yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các đơn vị hữu quan tiếp thu các ý kiến đóng góp để chỉnh sửa, bổ sung, cập nhật lại các báo cáo trước khi Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội xem xét trong các phiên họp khác.
Hậu Thạch