BVR&MT – Các nhà khoa học đã khôi phục và giải mã được ADN lâu đời nhất thế giới từ hóa thạch của 3 con voi ma mút bị chôn vùi trong tầng đất đóng băng vĩnh cửu cách đây gần 1,2 triệu năm.
Các nhà khoa học mới đây đã khôi phục và giải mã được ADN từ răng của những con voi ma mút sống tại Đông Bắc Siberia cách đây gần 1,2 triệu năm trước, theo đó đây là ADN lâu đời nhất thế giới được giải mã.
Kết quả nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Nature ngày 17/2 mở ra cánh cửa cho giới khoa học tìm hiểu sâu hơn về các loài tuyệt chủng.
Các nhà nghiên cứu cho biết đã khôi phục và giải mã ADN từ hóa thạch của 3 con voi ma mút bị chôn vùi trong tầng đất đóng băng vĩnh cửu.
Các mẫu hóa thạch này được phát hiện vào những năm 70 của thế kỷ 20 tại Siberia và được cất giữ tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga ở Moskva.
Trong đó, mẫu hóa thạch lâu đời nhất được phát hiện gần sông Krestovka có niên đại gần 1,2 triệu năm.
Một mẫu được tìm thấy gần sông Adycha có niên đại xấp xỉ 1-1,2 triệu năm trong khi mẫu còn lại được phát hiện gần sông Chukochya tồn tại cách đây khoảng 700.000 năm.
Những bộ gene này có niên đại lâu đời hơn cả ADN từng được ghi nhận là cổ nhất thuộc về một con ngựa tồn tại ở vùng lãnh thổ Yukon của Canada cách đây khoảng 700.000 năm.
Ông Love Dalen, Giáo sư chuyên về di truyền học và tiến hóa tại Trung tâm Palaeogenetics ở Stockholm và là trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết mẫu AND này rất lâu đời, thậm chí có niên đại lâu hơn 1.000 lần so với các hóa thạch thời Viking, và trước cả sự tồn tại của loài người và người Neanderthal.
Theo chuyên gia Dalen, mẫu ADN này đã bị phân rã thành những mảnh rất nhỏ, do đó các nhà khoa học phải giải mã hàng chục triệu đoạn ADN siêu ngắn để lắp ráp các gene này với nhau.
Những hiểu biết của con người về sinh vật thời tiền sử chủ yếu dựa vào nghiên cứu các hóa thạch xương. Tuy nhiên, những công trình này vẫn còn hạn chế thông tin về một loài sinh vật, đặc biệt là vấn đề liên quan đến tính trạng và quan hệ di truyền.
Các mẫu ADN cổ đại có thể giúp “lấp đầy” khoảng trống này dù dễ bị hư hại. Nhờ các kỹ thuật mới và tinh vi hơn, giới khoa học hiện có thể khôi phục các mẫu ADN cổ xưa hơn.
Giáo sư Dalen nhấn mạnh: “Khi có thể giải mã được ADN có niên đại 1 triệu năm, chúng ta có thể nghiên cứu quá trình tiến hóa (sự hình thành của những loài mới) một cách chi tiết hơn. Những phân tích về hình thái xương và răng thường chỉ cho phép các nhà khoa học nghiên cứu một số đặc điểm ở các hóa thạch, trong khi với bộ gene, chúng ta sẽ phân tích được hàng chục nghìn đặc tính.”
Trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã làm sáng tỏ hoạt động di cư và sự tiến hóa của voi ma mút khi so sánh mẫu ADN trên với mẫu ADN của những con voi ma mút tồn tại cách đây khoảng 4.000 năm trước./.