BVR&MT – Giá xăng dầu tiếp tục được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá trong kỳ điều hành từ 15h ngày 1/6.
Cụ thể, giá xăng E5 tăng 600 đồng/lít, giá bán là 30.230 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 920 đồng/lít, giá bán là 31.570 đồng/lít.
Giá dầu diesel tăng 840 đồng/lít, giá bán là 26.390 đồng/lít.
Dầu KO giá tăng 940 đồng/lít, giá bán là 25.340 đồng/lít.
Dầu FO giá tăng 310 đồng/lít, giá bán là 20.900 đồng/kg.
Theo thống kê của Bộ Công Thương cách đây ít ngày, giá xăng RON95 là 29.988 đồng/lít (tương đương 1,3 USD/lít), bằng mức bình quân của thế giới khi đứng thứ 86/170 quốc gia, nhưng thấp hơn một số nước trong khu vực như: Trung Quốc (1,35 USD/lít); Thái Lan (1,43 USD/lít); Campuchia (1,39 USD/lít); Lào (1,74 USD/lít); Hàn Quốc (1,53 USD/lít).
Về điều hành giá xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương cho rằng cơ quan điều hành đã linh hoạt để bảo đảm giá xăng dầu trong nước theo xu hướng diễn biến của giá xăng dầu thế giới, nhưng mức tăng thấp hơn.
Ví dụ, tại kỳ điều hành ngày 11/5, giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới dùng để tính giá cơ sở biến động so với đầu năm 2022 tăng từ 50-67%, nhưng giá xăng dầu trong nước chỉ tăng từ 25-47% so với đầu năm.
Các đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm một số loại thuế để “hạ nhiệt” giá xăng dầu.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM), Chính phủ cần lưu ý đến giá xăng dầu và giá lương thực. Ông cho rằng Chính phủ cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.
Để thực hiện các mục tiêu đó, vị đại biểu là chuyên gia kinh tế kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng xăng dầu. Bởi đại biểu Trần Hoàng Ngân lo ngại nếu để giá xăng dầu tăng cao, sẽ xảy ra hiệu ứng “domino” với các mặt hàng khác.