Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao: Nhiều người nghĩ đến việc bỏ chuồng!

BVR&MT – Thời gian gần đây, theo khảo sát thị trường giá lợn hơi cả nước đang có xu hướng tăng. Tuy nhiên, phần lớn người nuôi lợn vẫn còn tâm lý thận trọng trong việc tái đàn hoặc đầu tư thêm, bởi hầu hết đều lo ngại trước biến động giá và chi phí đầu vào cho thức ăn chăn nuôi quá cao.

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã điều chỉnh 6 lần, tương đương tăng khoảng 35%. Các chi phí đầu vào khác như con giống, chuồng trại, nhân công, thuốc thú y, sát trùng, chi phí vận chuyển… đều tăng khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn.

Mặc dù vậy, trong suốt 6 tháng qua, giá lợn hơi không có chuyển biến lớn, chính vì vậy, có nhiều hộ chăn nuôi đã chuyển sang các loại đối tượng nuôi khác hoặc giảm đàn, thậm chí treo chuồng.

Khảo sát thực tế của Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường www.baovemoitruong.org.vn sau khi tăng bất ngờ trong khoảng 10 ngày thì đến ngày 28.7, giá heo hơi tại thị trường miền Bắc giảm rải rác từ 1.000 – 4.000 đồng/kg so với hôm qua. Trong đó, mức giảm cao nhất 4 giá, ghi nhận tại Hà Nam, đưa giá heo chung toàn khu vực hôm nay dao động từ 65.000 – 70.000 đồng/kg.

Nhiều chủ trang trại và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cho biết, mức giá lợn hơi như hiện nay so với mặt bằng chung giá thức ăn chăn nuôi thì họ vẫn chưa có lãi nhiều. Thực tế chia sẻ về lợi nhuận Ông Nguyễn Ngọc Tân – hộ chăn nuôi lợn tại Xã Tràng An, Đông Triều Quảng Ninh cho biết, giá lợn hơi tăng là tín hiệu vui cho người chăn nuôi sau một thời gian dài thua lỗ. Song mức tăng hiện nay chỉ vừa có lời nếu chăn nuôi lợn nái, trong khi đó nếu nhập lợn giống về nuôi thì chỉ tạm hòa vốn. Theo ông Tân: “Tỉ lệ giá thành của thức ăn chăn nuôi tăng cao so với giá lợn ảnh hưởng rất lớn đến người nông dân. Năm nay thu nhập của gia đình qua việc chăn nuôi lợn thất thoát khoảng 1/3 so với các năm trước. Thực tế là có lãi, nhưng lãi rất ít so với công sức mình bỏ ra. Trên địa bàn nhiều hộ chăn nuôi thì bỏ chuồng, hộ thì hạn chế nuôi số lượng ít đi rất nhiều”.

Anh Nguyễn Văn Tĩnh – Hộ chăn nuôi lợn (Hà Nam) chia sẻ: ”Với giá thịt lợn hiện tại, người chăn nuôi bắt đầu có lãi ít, nhưng chưa vui được, bởi chi phí thức ăn chăn nuôi tăng quá cao, tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó đối với các hộ chăn nuôi như chúng tôi, hiện tại chưa có lãi là bao”.

Cũng theo anh Nguyễn Văn Tĩnh, vì chi phí chăn nuôi tăng quá cao nên thời gian qua nhiều chủ trang trại, đặc biệt là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ e ngại việc tái đàn, giảm số lượng con trong mỗi lứa để giảm bớt gánh nặng chi phí: “Chi phí thức ăn chăn nuôi tăng quá cao so với cùng kỳ năm ngoái, do đó đối với người chăn nuôi hiện tại chưa có lãi. Hơn nữa chi phí chăn nuôi tăng quá cao nên thời gian qua khiến nhiều trang trại và các hộ chăn nuôi e ngại việc tái đàn, giảm số lượng con trong mỗi lứa để giảm bớt gánh nặng. Dù hiện nay giá lợn hơi đã tăng nhưng để tái đàn với số lượng lớn thì chúng tôi vẫn rất cân nhắc, chưa dám mạnh dạn đầu tư”.

Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhà nước đã có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào.

Đồng thời, người dân cần thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình thị trường để có phương án tăng đàn và sản xuất phù hợp; tính toán để đảm bảo cân đối đầu ra và sản xuất, tránh tình trạng cung lớn hơn cầu.

Thực hiện: Thạch Lam