BVR&MT – Theo kế hoạch, hôm nay ngày 8/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), hoàn tất thủ tục phê chuẩn cuối cùng của Hiệp định quan trọng này.
Theo quy định, EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau khi hai bên thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý nội bộ, hoặc thống nhất về một thời điểm khác. Và khi đó, cánh cửa vào thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới sẽ được mở rộng hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nền kinh tế cũng có thêm động lực tăng trưởng mới sau giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19.
Cánh cửa được mở rộng
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA là hai hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới quan trọng Việt Nam tham gia, trong đó CPTPP là bước kế thừa từ TPP sau khi Hoa Kỳ đơn phương rút khỏi Hiệp định. Vào thời điểm đó, không ít chuyên gia, nhà kinh tế học nhận định, thực thi CPTPP khó mang lại hiệu quả cao khi thiếu vắng thị trường Hoa Kỳ rộng lớn. Nhưng thực tế đã cho thấy, CPTPP đã tạo ra không ít thay đổi tích cực trong thương mại, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Công thương, trong năm đầu tiên thực thi CPTPP, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang các thị trường của hiệp định này đạt gần 40 tỷ USD, tăng 7,2% so năm 2018. Đáng lưu ý, một số thị trường Việt Nam chưa có FTA như Ca-na-đa và Mê-hi-cô còn ghi nhận mức tăng mạnh lần lượt là 29,9% và 27,6%; hay xuất sang Chi-lê tăng 20,5% và Pê-ru tăng tới 40%. Và dù cũng có những thị trường đã không tăng trưởng như kỳ vọng (thí dụ xuất khẩu sang Xin-ga-po chỉ tăng 1,1%,…), nhưng kỷ lục xuất khẩu hơn 260 tỷ USD, xuất siêu gần 10 tỷ USD trong năm 2019 rõ ràng có đóng góp không nhỏ từ CPTPP mang lại.
Tương tự, nếu EVFTA sớm được thực thi sẽ đem lại không ít cơ hội thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. EU, một thị trường với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) lên đến khoảng 18 nghìn tỷ USD, đã luôn là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai bên năm 2019 đạt gần 57 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam là khoảng 42 tỷ USD. Tuy nhiên, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), con số này còn quá khiêm tốn trong điều kiện EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới với kim ngạch hằng năm khoảng 2.338 tỷ USD. Thị phần xuất khẩu của Việt Nam thực tế mới chiếm khoảng 2% thị trường này. Một phần nguyên nhân do mới có hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Doanh nghiệp Việt Nam lâu nay vẫn loay hoay tìm chỗ đứng tại thị trường EU do cạnh tranh đến từ các nền công nghiệp quy mô khác trên thế giới, nhất là Trung Quốc; giá sản phẩm của Việt Nam thường cao hơn 10 – 20% so với nước bạn. Do đó, với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong EVFTA, cơ hội gia tăng xuất khẩu của nước ta là rất lớn, nhất là đối với những mặt hàng có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ,… Đặc biệt, dịch Covid-19 vừa qua đã ảnh hưởng mạnh đến tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu không chỉ của Việt Nam mà trên toàn thế giới. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng, tăng trưởng kinh tế năm nay khó đạt được mục tiêu đã đề ra. Trong bối cảnh đó, EVFTA được đưa vào thực thi mang ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế. Từ phía doanh nghiệp, EVFTA còn mang đến cơ hội đa dạng hóa thị trường cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng sau dịch bệnh.
Tận dụng cơ hội
Mong ngóng từng ngày thời điểm EVFTA chính thức đi vào thực hiện, Giám đốc Công ty TNHH giày Tuấn Việt Trần Văn Tắc cho biết, đơn vị làm hàng xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Mỹ và EU nên đang trông chờ rất nhiều vào tín hiệu thị trường. Nhất là giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu như hiện nay, khi EVFTA có hiệu lực cùng với dịch bệnh được khống chế, chắc chắn tín hiệu xuất khẩu sẽ tốt hơn vì các mặt hàng da giày được miễn giảm thuế sẽ giúp tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Tùy từng chủng loại mặt hàng sẽ có những lợi thế khác nhau. Chẳng hạn, đối với mặt hàng giày vải, khi hiệp định có hiệu lực, sẽ được giảm thuế xuống 0%; còn các loại giày có da lại có lộ trình giảm dần từ năm đến bảy năm. Hiện đơn vị đang xuất khẩu sản phẩm đi hơn 50 nước trên thế giới, trong đó chủ yếu là thị trường I-ta-li-a, do đó, đây là “cơ hội vàng” để doanh nghiệp mở rộng thị phần, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Công ty Tuấn Việt cũng đã chủ động thông tin cho các đối tác, khách hàng EU biết để chuẩn bị, xúc tiến các đơn hàng trong thời gian sắp tới. “Chính các đối tác châu Âu của Tuấn Việt cũng đang ngóng chờ từng ngày thời điểm Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu thông qua EVFTA và hiệp định có hiệu lực, mặt hàng giày vải xuất khẩu sẽ được miễn thuế, giúp giá nhập khẩu cạnh tranh hơn rất nhiều”, ông Tắc chia sẻ.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận định: “EVFTA được ví như con đường cao tốc để chúng ta hội nhập với EU, đem lại cơ hội hiện thực hóa những kỳ vọng bứt phá của thời kỳ phục hồi kinh tế sau đại dịch. Khi Quốc hội biểu quyết phê chuẩn hiệp định cũng là bấm nút thông xe cho con đường cao tốc quan trọng này, nhưng đây không phải con đường miễn phí. Để tận dụng được những cơ hội, chúng ta phải đầu tư. Thông xe mới chỉ là mở lối đi, còn rất nhiều việc phải làm để đoàn xe doanh nghiệp và cả nền kinh tế có thể vận hành trơn tru, hiệu quả. Về phía Chính phủ, cần xây dựng ngay các luật, nghị định, thông tư,… nội luật hóa các cam kết như là những “đường gom”, “lối mở” để xe có thể chạy vào cao tốc. Không thể tái diễn tình trạng như việc thực thi CPTPP đã hơn một năm nhưng văn bản hướng dẫn vẫn còn “lỡ hẹn””.
Để EVFTA thật sự là một động lực cải cách, cần đầu tư cho các trụ cột, gồm: nền tảng quốc gia cho năng lực cạnh tranh, hoàn thiện thể chế, nâng cấp cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực. Về phía doanh nghiệp, phải bỏ chi phí tìm hiểu cơ hội, thách thức từ hiệp định này, đầu tư thay đổi nguồn cung và chuỗi sản xuất đáp ứng đúng tiêu chuẩn của hiệp định. Doanh nghiệp cũng có thể mất thêm chi phí tuân thủ để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao hơn về lao động và môi trường. EVFTA chỉ mở ra con đường giao thương thuận lợi, không tự nhiên mang đến thành công cho bất cứ doanh nghiệp nào không đủ sức cạnh tranh.
Nghiên cứu cho thấy, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18% – 3,25% (năm 2019 – 2023); 4,57% – 5,30% (năm 2024 – 2028) và 7,07% – 7,72% (năm 2029 – 2033). (Theo Báo cáo của Bộ Công thương) |