Dự kiến chi 45.000 tỷ đồng thực hiện “Chương trình mỗi xã một sản phẩm”

BVR&MT – Tổng kinh phí thực hiện các đề án thuộc “Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020” dự kiến khoảng 45.000 tỷ đồng.

Những con đường hoa tạo diện mạo mới cho nông thôn xứ Nghệ.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia vừa ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020” (viết tắt là OCOP), được thực hiện trên phạm vi cả nước.

Xem thêm:

Nông thôn mới: Cơ cấu lại ngành nông nghiệp năm 2018

Nông nghiệp ứng dụng máy bay không người lái

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hoá, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.

Theo đó, sẽ tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có, tương ứng khoảng 2.400 sản phẩm. Triển khai thực hiện từ 8 – 10 mô hình Làng văn hóa du lịch. Phấn đấu phát triển mới khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP.

Theo đề án, mục tiêu tổng quát là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “ Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

Thông qua việc thực hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.

Phát triển sản phẩm, dịch vụ theo 06 nhóm, bao gồm: – Thực phẩm, gồm: Nông sản tươi sống và nông sản chế biến; – Đồ uống, gồm: Đồ uống có cồn, đồ uống không cồn; – Thảo dược, gồm: Các sản phẩm có thành phần từ cây dược liệu; – Vải và may mặc, gồm: Các sản phẩm làm từ bông, sợi; – Lưu niệm – nội thất – trang trí, gồm: Các sản phẩm từ gỗ, sợi, mây tre, kim loại, gốm sứ, dệt may… làm đồ lưu niệm, đồ gia dụng; – Dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng, gồm: Các sản phẩm dịch vụ phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, học tập, nghiêm cứu…

Đồng thời, sẽ xây dựng hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm, trong đó có hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia Chương trình OCOP và xếp hạng sản phẩm gồm 05 hạng sao.

Văn Trì